Rộ tranh cãi việc Tổng thống Trump nhận quà xa xỉ từ Qatar làm chuyên cơ Không lực Một

Chính quyền Tổng thống Trump được cho là sắp tiếp nhận một máy bay hạng sang từ Hoàng gia Qatar, sau đó cải tạo làm chuyên cơ Không lực Một (Air Force One). Kế hoạch này đã vấp phải nhiều phản ứng.

Tổng thống Donald Trump bước xuống chiếc Không lực Một tại Căn cứ quân sự Andrews. Ảnh tư liệu: Getty Images

Tổng thống Donald Trump bước xuống chiếc Không lực Một tại Căn cứ quân sự Andrews. Ảnh tư liệu: Getty Images

Kênh CNN dẫn hai nguồn thạo tin cho biết, chính quyền Tổng thống Trump có ý định tiếp nhận món quà là một máy bay hạng sang từ hoàng gia Qatar, để cải tạo và sử dụng làm chuyên cơ Không lực Một.

Thông tin này xuất hiện ngay khi ông Donald Trump bắt đầu chuyến công du nước ngoài lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ mới, với một điểm dừng chân tại Doha, Qatar.

CNN cho biết, với giá trị khổng lồ của một chiếc Boeing 747-8, động thái này là chưa từng có tiền lệ và dấy lên tranh cãi về mặt đạo đức và pháp lý. Một quan chức Qatar nói, chiếc máy bay về mặt kỹ thuật là món quà từ Bộ Quốc phòng Qatar gửi đến Lầu Năm Góc, mô tả đây là một giao dịch chính phủ với chính phủ chứ không phải tặng cá nhân. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ chịu trách nhiệm cải tạo máy bay, lắp đặt các tính năng an ninh để phục vụ tổng thống.

Theo một nguồn tin thân cận, kế hoạch là sau khi ông Trump rời nhiệm sở, chiếc máy bay này sẽ được trao cho thư viện tổng thống của ông – qua đó đảm bảo ông có thể tiếp tục sử dụng nó.

“Khả năng chuyển giao một máy bay để tạm thời dùng làm Air Force One hiện đang được Bộ Quốc phòng Qatar và Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét, nhưng vẫn đang chờ thẩm định từ bộ phận pháp lý của cả hai bên, và chưa có quyết định cuối cùng” ông Ali Al-Ansari – tùy viên báo chí của Qatar tại Mỹ – cho biết ngày 11/5.

"Cơn ác mộng an ninh"?

Một nguồn tin từ cơ quan thực thi pháp luật nói với CNN rằng trong nội bộ Mật vụ Mỹ, việc một chính phủ nước ngoài tặng máy bay để tổng thống sử dụng đang bị coi là “cơn ác mộng về an ninh”.

“Không quân Mỹ sẽ phải tháo tung chiếc máy bay ra để kiểm tra thiết bị gián điệp và đánh giá toàn bộ cấu trúc”, nguồn tin này nói.

Một nguồn khác quen thuộc với quy trình này nói rằng bước đầu tiên sẽ do Cơ quan Truyền thông Nhà Trắng thực hiện, sau đó sẽ yêu cầu CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tiến hành quét kiểm tra kỹ thuật chống theo dõi.

Phe Dân chủ phản ứng dữ dội

Đảng Dân chủ nhanh chóng phản ứng gay gắt hôm 11/5, khi Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) ra thông cáo gọi đây là “màn lừa đảo mới nhất của ông Trump”.

“Không gì thể hiện ‘Nước Mỹ trên hết’ rõ hơn một chiếc Air Force One được tài trợ bởi Qatar”, Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer viết trong tuyên bố. “Đây không chỉ là hối lộ – mà là sự ảnh hưởng cao cấp từ nước ngoài, có thêm chỗ để chân.”

Thông tin này cũng vấp phải chỉ trích từ một đồng minh của ông Trump – Laura Loomer, một nhà hoạt động cực hữu từng gặp tổng thống trong Phòng Bầu dục vào đầu mùa xuân năm nay.

Theo đài ABC News, cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin về chiếc máy bay mới, Tổng thống Trump và các cố vấn đã tham quan chiếc máy bay nói trên hồi đầu năm nay tại sân bay Palm Beach, Florida. Theo một nguồn tin, nó được kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng trong vòng hai năm tới.

Sau chuyến tham quan, ông Trump đã nhiều lần khoe với người thân cận về độ xa hoa của chiếc phi cơ.

“Ông Trump đang tham quan chiếc máy bay Boeing mới để kiểm tra thiết bị và công nghệ”, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Steven Cheung nói trong một tuyên bố vào thời điểm đó.

Tranh cãi đạo đức

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh các nhóm giám sát chính phủ ngày càng lo ngại về việc Tổng thống công khai phá vỡ các chuẩn mực của chức vụ.

Jordan Libowitz – người phát ngôn của tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức ở Washington (CREW) – nói rằng động thái này là một bước đi cực đoan, đi ngược hoàn toàn với cách các đời tổng thống trước hành xử để tránh vi phạm Điều khoản Lợi tức Ngoại quốc trong Hiến pháp Mỹ, vốn cấm tổng thống nhận tiền hoặc quà từ chính phủ nước ngoài.

“Chưa từng có món gì lớn như một chiếc máy bay trị giá 400 triệu USD”, ông nói. “Đây là quy mô vượt xa mọi tiền lệ.”

Kathleen Clark – chuyên gia đạo đức chính phủ tại Trường Luật Đại học Washington ở St. Louis – cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang “dàn xếp một giao dịch để tránh việc luật pháp được áp dụng một cách hiển nhiên”, và vì Quốc hội chưa phê chuẩn món quà này, nên điều đó vi phạm Điều khoản nói trên.

“Thật nực cười. Đây rõ ràng là món quà dành cho ông Trump. Chính phủ liên bang chỉ là trung gian”, bà Clark nói.

Bà cũng nhắc lại rằng trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng đối mặt với các vụ kiện liên quan đến việc vi phạm Điều khoản Lợi tức khi tiếp tục kinh doanh và thu lợi cá nhân khi đang tại vị. Năm 2021, Tòa án Tối cao bác các vụ kiện vì ông Trump lúc đó đã rời nhiệm sở.

Kế hoạch trắc trở thay thế Air Force One

Thay thế chuyên cơ tổng thống từ lâu là ưu tiên của ông Trump. Boeing đã ký hợp đồng tân trang hai chiếc 747 để làm Air Force One thế hệ mới, nhưng dự án liên tục bị chậm trễ. Ban đầu, máy bay dự kiến bàn giao năm 2022, nhưng giờ không thể sớm hơn năm 2027.

Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Cheung từng nói rằng chuyến tham quan của ông Trump tại Palm Beach “nêu bật sự thất bại của dự án khi không thể bàn giao đúng hạn – đã trễ 5 năm rồi.”

Hợp đồng trị giá 3,9 tỷ USD của Boeing để thay thế hai chiếc Air Force One hiện tại đã trở thành gánh nặng tài chính và hình ảnh. Boeing đã báo lỗ 2,5 tỷ USD cho chương trình có tên gọi là VC-25B này do các chi phí vượt mức quá lớn.

Hai chuyên cơ tổng thống hiện đang phục vụ (mã hiệu VC-25A) đã hoạt động gần 35 năm, bắt đầu từ thời Tổng thống George H.W. Bush.

Ông Trump từng bày tỏ sự thất vọng lớn vì dự án chậm trễ, và thậm chí từng liên hệ với nhà sáng lập SpaceX, Elon Musk để đẩy nhanh tiến độ.

“Tôi không hài lòng vì quá trình này quá lâu. Không thể bào chữa được", nhà lãnh đạo Mỹ nói với phóng viên khi đi trên Air Force One hồi tháng 2. Ông nói thêm sẽ không quay sang đối thủ châu Âu Airbus, nhưng có thể cân nhắc mua một chiếc 747 cũ và thuê công ty khác cải tạo.

Thách thức của việc thay thế Air Force One không nằm ở phần máy bay thương mại, mà ở khâu biến nó thành trung tâm chỉ huy bay đủ khả năng chống đỡ cả tấn công tên lửa lẫn sóng xung kích từ vụ nổ hạt nhân – theo ông Richard Aboulafia, Giám đốc công ty tư vấn hàng không AeroDynamic Advisory.

“Máy bay thì lúc nào chả có”, ông nói, “Nhưng biến nó thành trung tâm chỉ huy tuyệt mật, có thể điều hành cả quân đội và chính phủ từ mọi nơi trên thế giới trong mọi tình huống – đó mới là chuyện lớn.”

Được biết, chiếc Boeing 747 từ Qatar đã nằm tại San Antonio, Texas suốt một tháng qua, theo một nguồn tin quen thuộc.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ro-tranh-cai-viec-tong-thong-trump-nhan-qua-xa-xi-tu-qatar-lam-chuyen-co-khong-luc-mot-20250512083420599.htm
Zalo