Rắc rối pháp lý trong, ngoài bủa vây Thủ tướng Netanyahu
Những rắc rối pháp lý từ cả trong và ngoài nước đang tác động thế nào đến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu?
Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt hàng loạt rắc rối pháp lý cả trong và ngoài nước, nguy cơ tác động đến bản thân ông cũng như các cuộc chiến ở Dải Gaza và Lebanon.
Loạt rắc rối pháp lý
Ngày 21-11, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột với nhóm vũ trang Hamas ở Gaza.
ICC cáo buộc ông Netanyahu và ông Gallant - người mà ông Netanyahu sa thải hồi đầu tháng này - nhắm vào dân thường và sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh. ICC cũng ban hành lệnh bắt thủ lĩnh quân sự Hamas Mohammed Deif - người mà Israel tuyên bố đã loại bỏ trong một không kích vào tháng 7.
Ông Netanyahu đã lên án phán quyết của ICC là bài Do Thái và cam kết rằng phán quyết sẽ không ngăn cản Israel bảo vệ công dân nước này. “Israel vô cùng phẫn nộ trước những hành động vô lý và sai trái mà ICC đưa ra” - theo văn phòng của ông Netanyahu.
Lệnh bắt của ICC được đưa ra chưa đầy hai tuần trước khi ông Netanyahu dự kiến ra hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng - một vụ kiện đã đeo bám ông suốt nhiều năm và có thể chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông nếu bị kết tội.
Thủ tướng Israel đang đối mặt các cáo buộc gian lận và lạm dụng tín nhiệm trong hai vụ án, cũng như tội hối lộ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm trong một vụ khác.
Cuộc điều tra về hành vi của ông Netanyahu bắt đầu vào năm 2016 với các cáo buộc rằng thủ tướng thường thực hiện các “ân huệ công vụ” cho những doanh nhân giàu có để đổi lấy quà tặng, bao gồm vật chất lẫn phi vật chất. Ông Netanyahu bị cáo buộc nhận xì gà, rượu champagne, vòng tay, túi xách và trang phục xa xỉ; cản trở quá trình điều tra và tư pháp; thậm chí yêu cầu hai tờ báo lớn của Israel đưa tin theo chiều hướng có lợi cho ông
Vào tháng 2-2018, cảnh sát chính thức khuyến nghị truy tố ông Netanyahu. Đến tháng 1-2019, ông Netanyahu bị truy tố, và phiên tòa bắt đầu vào tháng 5-2020. Tòa án Quận Jerusalem đã xử lý danh sách hơn 300 nhân chứng. Tuy nhiên, phiên tòa, ban đầu dự kiến kéo dài hơn một năm, đã nhiều lần bị trì hoãn vì nhiều lý do, bao gồm một lần vào năm 2021 khi một nhân chứng quan trọng lấy lý do “cá nhân”, một lần khác vì các hạn chế do đại dịch COVID-19, xung đột Israel-Hamas,...
Ông Netanyahu liên tục phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng đây là những cáo buộc bịa đặt trong một “cuộc săn phù thủy” do cảnh sát và cơ quan công tố Israel dẫn đầu.
Tác động của các rắc rối pháp lý
Đối với các cáo buộc trong nước, Thủ tướng Netanyahu có thể bị cách chức và đối mặt với nhiều năm tù nếu ông bị kết tội.
Tranh chấp pháp lý kéo dài nhiều năm, cộng với những quyết định ông Netanyahu đưa ra trong các cuộc xung đột của Israel ở Trung Đông khiến nhà lãnh đạo này vấp phải nhiều chỉ trích từ người dân và sự ủng hộ dành cho ông cũng suy giảm.
Còn với phán quyết của ICC, theo tờ Independent, dù phán quyết này khiến ông Netanyahu thành nghi phạm bị truy nã quốc tế, nhưng mức độ tác động thực tế của lệnh bắt vẫn chưa rõ ràng vì Israel và đồng minh chính của nước này là Mỹ không phải là thành viên của tòa án.
Bản thân ICC không có lực lượng cảnh sát để thực thi lệnh bắt nên ông Netanyahu không có khả năng phải ra hầu tòa tại The Hague (Hà Lan).
Tuy nhiên, thủ tướng Israel có nguy cơ bị bắt nếu đi đến bất kỳ quốc gia nào trong số 124 quốc gia thành viên của ICC, bao gồm hầu hết các nước châu Âu. Đến nay, hai thành viên của ICC là Jordan và Hà Lan đã tuyên bố tôn trọng lệnh bắt của ICC, cho thấy việc đi lại quốc tế sẽ khó khăn hơn nhiều đối ông Netanyahu.
Theo truyền thông Israel, các quan chức nước này đang đàm phán với những người đồng cấp phương Tây để kêu gọi bỏ qua phán quyết của ICC.
Ngoài ra, lệnh bắt của ICC cũng khiến các nhà lãnh đạo khác miễn cưỡng trong mối quan hệ với ông Netanyahu và ảnh hưởng uy tín quốc tế của Israel. “Dễ thấy nhất là nhà nước Israel sẽ ngày càng bị cô lập hơn trong tương lai” - ông Yuval Shany, thành viên cấp cao tại Viện Dân chủ Israel, nói với Reuters.
Có ý kiến cho rằng phán quyết của ICC có thể khiến Israel khó đạt được lệnh ngừng bắn nhanh chóng với nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) hoặc đạt thỏa thuận để giải thoát các con tin vẫn bị Hamas giam ở Gaza.
“Có thể sẽ dẫn tới hệ lụy vì các nhóm như Hezbollah và Hamas có khả năng sẽ thay đổi điều kiện đàm phán vì cảm thấy rằng họ đang có sự hỗ trợ của ICC” - theo ông Ofir Akunis, Tổng lãnh sự Israel tại TP New York (Mỹ)
Dù vậy, nhiều chuyên gia tin rằng động thái của ICC đang giúp ông Netanyahu nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ mọi phe phái chính trị ở Israel, mang đến cho thủ tướng một cú hích quan trọng trong thời điểm khó khăn.
“Người Israel thực sự khó chịu nếu nghĩ rằng thế giới chống lại họ cũng như nhà lãnh đạo của họ, ngay cả khi ông ấy phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích” - ông Yonatan Freeman, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Hebrew (Israel), nhận định.