Đòn phủ đầu thuế quan

Các đối tác bị ông Donald Trump áp thuế quan bảo hộ đều đã trả đũa trước đây, thậm chí bắt Mỹ phải trả giá

Mãi đến ngày 20-1 sang năm, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump mới chính thức nhậm chức cho nhiệm kỳ 4 năm tới. Tổng thống Joe Biden vẫn tại nhiệm trên cả danh nghĩa chính thức lẫn trên cương vị thực quyền hành pháp ở nước Mỹ.

Thế nhưng, ông Trump đã sớm có hành động. Một trong những việc ấy là tuyên bố sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại 25% đối với hàng hóa của Mexico và Canada, cũng như thêm 10% đối với hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu đến thị trường Mỹ ngay trong những quyết định hành pháp - tức là không phải thông qua quốc hội - khi trở lại cầm quyền ngày đầu tiên.

Đòn thuế quan bảo hộ thương mại này đã được ông Trump sử dụng ở nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên, nhằm vào nhiều đối tác thương mại quan trọng của Mỹ. Mục tiêu ông Trump muốn đạt được khi ấy là khắc phục tình trạng Mỹ bị thâm hụt lớn trong cán cân trao đổi thương mại song phương với các đối tác này.

Có thể đơn giản hóa cách tiếp cận của ông Trump như sau: Nếu dựng thêm rào cản thương mại, trong trường hợp này là thuế quan bảo hộ, các đối tác sẽ khó xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ vì phải chịu chi phí cao hơn. Điều này sẽ khiến họ nhụt chí xuất khẩu và chuyển sang đầu tư sản xuất, kinh doanh bên trong nước Mỹ, qua đó tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ.

Dòng xe đợi đi qua cửa khẩu Otay Mesa ở TP Tijuana - Mexico để vào Mỹ hôm 27-11. Ảnh: REUTERS

Dòng xe đợi đi qua cửa khẩu Otay Mesa ở TP Tijuana - Mexico để vào Mỹ hôm 27-11. Ảnh: REUTERS

Ông Trump phớt lờ hệ lụy tai hại đối với người tiêu dùng Mỹ là nếu hàng hóa không được cung ứng đầy đủ và kịp thời, giá cả tiêu dùng sẽ gia tăng và lạm phát tăng theo, đe dọa tăng trưởng kinh tế sau khoảng thời gian nhất định.

Ấy là còn chưa kể đến việc các đối tác bị ông Trump áp thuế quan bảo hộ đều đã trả đũa trước đây, bắt Mỹ phải trả giá chứ đâu có để ông Trump muốn làm gì thì làm.

Nhưng lần áp thuế quan mới này của ông Trump lại rất khác. Cũng với công cụ và cách thức khi xưa nhưng lý do sử dụng không còn vì quan hệ trao đổi thương mại của Mỹ với Trung Quốc, Mexico và Canada, cũng chẳng liên quan gì đến thương mại hay kinh tế.

Lần này, ông Trump lấy cớ Canada và Mexico không hành động kiên quyết và hiệu quả để ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép và ma túy vào Mỹ, khiến tội phạm ở Mỹ gia tăng.

Ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều nhất thế giới chất ma túy cực độc Fentanyl nhưng lại không ngăn chặn ma túy này tuồn vào Mỹ, gây tổn hại sức khỏe người dân.

Như thế có nghĩa là ông Trump tấn công vào mối quan hệ với đối tác bên ngoài để xử lý chuyện đối nội, bất chấp những hệ lụy và phản tác dụng của việc làm này tới chính kinh tế và xã hội trong nước.

Ông Trump chủ ý như vậy vì muốn cầm quyền từ khi chưa chính thức trở lại Nhà Trắng, cũng như muốn thể hiện là con người của hành động và thực hiện những gì đã cam kết khi tranh cử.

Bằng kiểu hành xử này, ông Trump chủ ý phủ bóng và lấn át Tổng thống Biden, làm cho thế giới bên ngoài cũng như người dân trong nước không còn chú ý đến nhà lãnh đạo này nữa dù ông vẫn đang tại nhiệm.

Qua đây cũng có thể thấy ông Trump đặc biệt coi trọng việc thực hiện cam kết trục xuất ồ ạt người nhập cư bất hợp pháp và gia tăng xung khắc thương mại với Trung Quốc.

Trong khi đó, ba đối tác kia hiện vừa chuẩn bị ứng phó, bao gồm áp thuế quan trả đũa, vừa tìm cách dàn xếp trực tiếp với ông Trump.

Canada, Mexico chạy đua xử lý

Thủ tướng Canada Justin Trudeau vừa đến bang Florida - Mỹ để gặp Tổng thống đắc cử của nước này là ông Donald Trump.

Báo Globe and Mail dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết Thủ tướng Trudeau đã gặp và dùng bữa tối với ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hôm 29-11. Cuộc gặp trên diễn ra vài ngày sau khi ông Trump dọa áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico cho đến khi những quốc gia này kiểm soát ma túy và dòng người di cư đến Mỹ thông qua biên giới của họ.

Theo Reuters, Canada đang xem xét phương án trả đũa dù một số quan chức cho rằng tuyên bố thuế quan của ông Trump có thể đơn thuần là hù dọa. Thủ tướng Trudeau đã bác bỏ quan điểm này khi khẳng định "tuyên bố như vậy đồng nghĩa là ông Trump đã có kế hoạch thực hiện chúng".

Giới chức Mexico, Canada và Trung Quốc cùng với các nhóm công nghiệp lớn cảnh báo kế hoạch áp thuế quan của ông Trump có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của tất cả quốc gia liên quan, khiến lạm phát tăng vọt và gây thiệt hại cho thị trường việc làm.

Trước đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum hôm 28-11 thông báo bà đã có "cuộc điện đàm thân thiện" với ông Trump để thảo luận những vấn đề liên quan đến di cư và ma túy. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump tuyên bố Tổng thống Sheinbaum đã đồng ý "ngăn chặn dòng người di cư qua Mexico để vào Mỹ, cũng như đóng cửa phần biên giới giáp phía Nam của Mỹ một cách hiệu quả".

Dù vậy, nhà lãnh đạo Mexico nhấn mạnh bà không đồng ý đóng cửa biên giới. Bà Sheinbaum cũng cho biết cuộc điện đàm không đề cập chuyện thuế quan nhưng khiến bà yên tâm rằng hai bên sẽ không sa vào cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng trong tương lai.

Cao Lực

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/don-phu-dau-thue-quan-196241130212450627.htm
Zalo