Diễn biến mới ở Syria khiến Nga và Iran đau đầu

Lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Syria vừa giành quyền kiểm soát hầu hết Aleppo - thành phố lớn thứ hai của đất nước, gây ra những vấn đề đau đầu đối với Nga và Iran ở quốc gia Ả-rập bất ổn.

Để mất hầu hết thành phố 2 triệu dân Aleppo không chỉ là thất bại quân sự nghiêm trọng đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh, mà đối với cả phong trào Hezbollah ở Li-băng, Nga và Iran.

Ngày 30/11, quân đội Syria cho biết vài binh lính của họ đã bị giết hại trong cuộc tấn công của lực lượng HTS, còn gọi là Mặt trận Nusra, vào Aleppo.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, không quân của họ đã triển khai không kích ở Syria để hỗ trợ chính quyền nước này, báo chí Nga đưa tin.

Tại Washington, Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng (NSC) cho biết đang theo dõi sát sao tình hình và đã liên lạc với các quốc gia ở khu vực.

Phát ngôn viên NSC Sean Savett cho rằng việc Syria từ chối tham gia tiến trình chính trị và phụ thuộc vào Nga và Iran “đã tạo ra những điều kiện cho sự việc vừa xảy ra, trong đó có sự sụp đổ của lực lượng chính quyền ở vùng tây bắc Syria”.

Ông Savett khẳng định Mỹ không liên quan đến hoạt động trên, đồng thời thúc giục xuống thang và thực hiện tiến trình chính trị nghiêm túc theo Nghị quyết số 2254 mà Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thông qua năm 2015.

Nhiều xe bị thiêu rụi trong cuộc không kích chống lực lượng nổi dậy ở Aleppo cuối ngày 29/11. (Ảnh: AP)

Nhiều xe bị thiêu rụi trong cuộc không kích chống lực lượng nổi dậy ở Aleppo cuối ngày 29/11. (Ảnh: AP)

Diễn biến mới khiến tình hình Syria trở thành điểm nóng một lần nữa, trong bối cảnh khu vực vẫn đang vật lộn với chiến sự ở Dải Gaza và Li-băng.

Với việc Nga và Iran hậu thuẫn Tổng thống Syria Assad, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một số nhóm khác ở vùng tây bắc, diễn biến lần này cho thấy tình hình Syria phức tạp về địa - chính trị như thế nào.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng Sergei Lavrov có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan trong ngày 30/11 để thảo luận về tình hình Syria. Hai bên đồng ý cần phải phối hợp hành động chung để ổn định tình hình.

Một số quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cho biết, Ankara đã ngăn chặn kế hoạch mà các nhóm đối lập muốn triển khai, nhằm tránh gây thêm căng thẳng ở khu vực.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi nói trong cuộc điện đàm với ông Lavrov, rằng cuộc tấn công lần này nằm trong kế hoạch của Mỹ và Israel nhằm gây mất ổn định khu vực, báo chí Iran đưa tin.

Nhiều hàm ý

“Tôi nghĩ việc các lực lượng chống chính quyền Assad kiểm soát được những địa điểm nhạy cảm ở Syria là rất đáng lo ngại. Đã có báo cáo về việc lực lượng đó đã kiểm soát Trung tâm nghiên cứu khoa học Syria, nơi thực hiện chương trình vũ khí hóa học của (Tổng thống) Bashar al-Assad”, Jason Brodsky, giám đốc chính sách của Tổ chức đoàn kết chống hạt nhân Iran (trụ sở tại Mỹ), nói với Fox News.

“Vì nhóm tấn công có liên hệ với Al-Qaeda, nên diễn biến này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng và có thể mang những hàm ý đối với an ninh quốc gia của Israel”, ông Brodsky nói.

Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được cho là đã họp khẩn trong tối 29/11 để bàn về những diễn biến mới nhất ở Syria.

Năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama thời điểm đó đã ký thỏa thuận với Tổng thống Assad để loại bỏ chương trình vũ khí hóa học của Syria.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ sau đó nói rằng ông Assad có thể vẫn giữ lại một phần kho vũ khí hóa học. Chính quyền của nhà lãnh đạo này bị cáo buộc đã nhiều lần dùng khí độc để tấn công người dân tham gia phong trào nổi dậy chống chính quyền năm 2011.

Hiện còn khoảng 900 lính Mỹ hiện diện ở Syria để tiếp tục sứ mệnh đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo các chuyên gia Trung Đông, sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng ngăn cản Iran mở rộng ảnh hưởng ở nhiều khu vực của Syria.

Ông Brodsky cảnh báo HTS cũng là một tổ chức nguy hiểm với Mỹ. HTS sinh ra từ Al-Qaeda và mục tiêu là tạo ra xã hội giống như của Taliban.

“Chúng ta không được quên một nhóm trong đó – HTS, đã bị Mỹ đưa vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Tôi nghĩ việc Israel tấn công Hezbollah khiến các lực lượng chống chính quyền Assad trở nên táo bạo hơn. Đây không chỉ là thất bại của Hezbollah mà còn là thất bại của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, thách thức cấu trúc mà Iran xây dựng nên ở Syria”, ông Brodsky nói.

Chính phủ Mỹ xác định cả Iran và Syria là quốc gia bảo trợ khủng bố. Một nhóm thân Mỹ của người Kurd là SDF cũng đang hiện diện ở Aleppo. SDF từng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại IS ở Syria trước đây.

Thu Loan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dien-bien-moi-o-syria-khien-nga-va-iran-dau-dau-post1696443.tpo
Zalo