Lý do tổng thống Palestine chỉ định người kế nhiệm

Ngày 27/11, tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, đã đề cử ông Rawhi Fattouh tiếp quản vị trí tổng thống lâm thời nếu ông không thể tiếp tục giữ chức vụ của mình.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh, Israel tiếp tục cuộc chiến ở Gaza khiến hơn 44.000 người thiệt mạng và làm nhiều người khác bị thương cũng như chết đói, những lời chỉ trích đối với ông Abbas ngày càng tăng cao.

Ông Abbas, 89 tuổi, người cũng lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), được bầu làm tổng thống Chính quyền Palestine (PA) vào năm 2005, một năm sau khi nhà lãnh đạo khi đó là Yasser Arafat qua đời.

Tại sao ông lại đề cử người kế nhiệm vào lúc này và quá trình kế nhiệm sẽ diễn ra như thế nào?

PA được thành lập như một chính phủ lâm thời của Palestine theo Hiệp định Oslo năm 1993, mà Thủ tướng Israel khi đó là Yitzhak Rabin đã ký với ông Arafat.

PA ban đầu được hình thành để quản lý các nhu cầu cơ bản như giáo dục, an ninh, nước và điện cho người Palestine sống dưới sự chiếm đóng của Israel ở Gaza và một số khu vực của Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem bị chiếm đóng.

Hiệp định Oslo chia Bờ Tây thành khu vực A, B và C, trao cho PA quyền an ninh và kiểm soát hành chính đối với khu vực A và quyền kiểm soát hành chính đối với khu vực B. Nhưng Israel thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bạo lực trên khắp Bờ Tây bị chiếm đóng. Những người chỉ trích đã đặt câu hỏi về quyền lực thực sự của PA.

Tại sao PA vẫn còn tồn tại?

Hiệp định Oslo do Mỹ hậu thuẫn về cơ bản nhằm xây dựng Nhà nước Palestine vào năm 1999 tại Gaza và Bờ Tây với Đông Jerusalem là thủ đô. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một năm sau khi các hiệp định được ký kết, Israel đã xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây.

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Rabin bởi một người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu Israel cũng làm mờ đi mọi hy vọng rằng Israel sẽ giao lại lãnh thổ bị chiếm đóng cho PA.

Mặc dù không thể giúp người dân Palestine thành lập được Nhà nước Palestine, nhưng PA vẫn tiếp tục tồn tại vô thời hạn dưới sự lãnh đạo của ông Abbas, mặc dù nhiệm kỳ của chính trị gia này về mặt kỹ thuật đã kết thúc vào năm 2009.

Tại sao ông Abbas vẫn là chủ tịch của PA?

Năm 2006, nhóm Hamas, vốn không công nhận Israel, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử để lãnh đạo Dải Gaza. Các nước phương Tây đã đóng băng tài trợ để buộc PA phải công nhận Israel, điều mà họ (PA) từ chối làm cho đến khi Israel công nhận Nhà nước Palestine.

Một nỗ lực chia sẻ quyền lực đã được thực hiện giữa Hamas và đảng đối thủ, nhánh Fatah, cũng do ông Abbas lãnh đạo, nhưng giao tranh nổ ra và Hamas đã buộc Fatah ra khỏi Gaza.

Kể từ đó, Fatah đã điều hành PA ở Bờ Tây bị chiếm đóng, không ngăn chặn được sự xâm nhập của Israel và mất đi sự ủng hộ. Các nhà phân tích cho biết ông Abbas tránh các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống vì ông sợ Fatah thua Hamas.

Người Palestine hy vọng họ sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu Quốc hội và tổng thống vào tháng 5/2021, nhưng ông Abbas đã hoãn cuộc bầu cử với ký do Israel không cho phép bỏ phiếu ở Đông Jerusalem bị chiếm đóng.

Điều gì xảy ra khi ông Abbas lâm bệnh

Ông Abbas chỉ mới chọn người kế nhiệm cách đây vài ngày. Ông Rawhi Fattouh là cựu chủ tịch Hội đồng Lập pháp Palestine, chủ tịch hiện tại của Hội đồng Quốc gia Palestine , cơ quan lập pháp của PLO, và là thành viên của Ủy ban Trung ương Fatah.

Nếu ông Abbas không thể tiếp tục làm tổng thống, ông Fattouh sẽ đảm nhận chức chủ tịch PA trong 90 ngày cho đến khi có thể tổ chức bầu cử. Ông đã từng làm như vậy trước đây, vào năm 2004 khi ông Arafat qua đời.

Ông Fattouh không phải là người ham quyền lực và sẽ sẵn sàng từ chức khi một nhân vật mới được bầu. Bà Tahani Mustafa, một chuyên gia về chính trị Palestine của Nhóm khủng hoảng quốc tế, cho biết: "Rawhi Fattouh ... không có bất kỳ tham vọng chính trị nào. Ông ấy là người sẽ chỉ trao lại quyền lực".

Tại sao ông Abbas lại làm như vậy vào lúc này?

Có thông tin cho rằng, vì áp lực từ Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh. Vào tháng 9, Saudi Arabia đã liên minh với một số quốc gia Ả Rập và châu Âu (tuy nhiên không rõ là những quốc gia nào) để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt xung đột Palestine-Israel.

Sau đó vào tháng 9, Riyadh đã cam kết cung cấp cho PA, vốn đang thiếu tiền mặt, khoảng 60 triệu USD để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, theo bà Mustafa, Saudi Arabia đã đặt điều kiện cho khoản thanh toán cuối cùng là 10 triệu USD nếu ông Abbas chọn người kế nhiệm. PA cũng đồng thời lâm vào cảnh khủng hoảng tài chính bởi Israel giữ lại 188 triệu USD tiền thuế mà họ thu được (thay mặt cho PA), một điều khoản nằm trong Hiệp định Oslo.

Tổng thống Abbas vẫn còn quyền lực trong chính trường Palestine

Ông Abbas vẫn đứng đầu Fatah, nhóm chính trị Palestine lớn nhất và lâu đời nhất và đã chọn Mahmoud al-Aloul, phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương, để kế nhiệm ông tiếp quản nhóm này. Quan trọng hơn, ông Abbas đứng đầu Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), tổ chức quyền lực hơn nhiều so với PA.

PLO là một phong trào bao trùm của các phe phái Palestine do Fatah kiểm soát, vận động hành lang cho quyền của người Palestine và đưa ra quyết định thay mặt họ trên trường quốc tế.

Theo bà Mustafa, ông Abbas đã đảm bảo rằng người bạn thân thiết của ông là Hussein al-Sheikh, Tổng thư ký PLO, sẽ kế nhiệm ông làm người đứng đầu. Để làm được điều này, ông Abbas đã bố trí những người trung thành vào Hội đồng Điều hành của PLO để đảm bảo họ bầu một người nào đó trong nhóm của ông lên nắm quyền nếu cuộc bầu cử diễn ra.

Bà Mustafa kết luận: “PA đóng vai trò không thực sự quan trọng bởi thực chất tổ chức này chỉ là người điều hành. Những người thực sự tinh hoa ở đây là PLO và Fatah”.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo aljazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-tong-thong-palestine-chi-dinh-nguoi-ke-nhiem-20241130215802615.htm
Zalo