Rà soát các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Từ ngày 21/4, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2025. Nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, các đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương.
63 đoàn kiểm tra công tác coi thi, chấm thi
Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học Chương trình Giáo dục phổ thông 2028 sẽ thi tốt nghiệp. Kỳ thi diễn ra trong hai ngày 26 và 27/6 với 4 môn thi thay vì 6 môn thi như năm trước, gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn lựa chọn trong số các môn học còn lại có điểm số như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Ngoại ngữ...

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra tại điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn, tỉnh Quảng Ngãi trước khi diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Bộ GDĐT.
Theo quy định, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ đăng ký thi từ ngày 21/4 đến 17h ngày 28/4, thay vì mốc từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5 như năm ngoái.
Như vậy, chỉ còn hơn 2 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra. Bộ GDĐT cho biết, dự kiến từ ngày 10/6 đến ngày 23/6, Bộ sẽ thành lập 15 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 30 sở GDĐT theo 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Đối với công tác coi thi, chấm thi, Bộ thành lập 63 đoàn kiểm tra trực tiếp tại 63 sở GDĐT. Riêng công tác chấm thi phúc khảo, Bộ sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 sở GDĐT.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với thanh tra các sở có thể thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất khi có phản ánh về sai phạm, hay có dấu hiệu bất thường ở các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tập dượt, làm quen với thay đổi của kỳ thi
Với những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, để kịp thời tổ chức dạy học và bồi dưỡng học sinh tham gia kỳ thi, Bộ GDĐT đề nghị các sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để chuẩn bị tốt công tác tổ chức thi; công tác in sao đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo và chấm thẩm định; xét công nhận tốt nghiệp THPT và cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo quy định.
Bộ cũng đề nghị các sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giáo dục (nếu cần thiết) theo hướng dẫn của Bộ đảm bảo hoàn thành tiến độ chương trình theo khung kế hoạch thời gian năm học.
Bộ GDĐT đề nghị các sở GDĐT tổ chức cho học sinh tập dượt, làm quen với cách thức tổ chức kỳ thi, trước khi kỳ thi chính thức diễn ra.
Ghi nhận tại Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội năm 2025 gồm 70 thành viên, trong đó Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà làm Trưởng ban; Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương làm Phó Trưởng ban thường trực.
Năm 2025, TP Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước với khoảng 126.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng khoảng 15.000 thí sinh so với năm 2024.
Nhằm giúp học sinh tiếp cận, làm quen với cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên theo chương trình mới, Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức thi khảo sát cho học sinh lớp 12 toàn thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, có gần 32% số bài kiểm tra khảo sát của học sinh dưới trung bình.
Ngay khi kết quả kiểm tra khảo sát được công bố, từng đơn vị, trường học đã tổ chức phân tích, rà soát, đánh giá theo từng môn học, từng lớp, từng nhóm học sinh để điều chỉnh, bổ sung giải pháp, lộ trình bám sát từng nhóm học sinh trong thời gian còn lại từ nay tới trước kỳ thi.
Theo Giám đốc Sở GDĐT Trần Thế Cương, nhằm bảo đảm việc ôn tập hiệu quả, không gây áp lực, căng thẳng với học sinh, Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, nhà trường triển khai kế hoạch ôn tập hợp lý, không kéo dài quá 3 tuần sau khi kết thúc năm học. Mỗi học sinh được ôn tập đầy đủ 4 môn thi tốt nghiệp và có thể tự học thông qua kho học liệu số của trường, học trên truyền hình...
Trước thời gian đăng ký thi chính thức, thí sinh được tập dượt đăng ký thi theo hình thức trực tuyến. Thời gian tập dượt đăng ký từ ngày 15/4 đến ngày 18/4.
Thí sinh lưu ý mốc thời gian này để đăng nhập hệ thống, thực hiện đăng ký dự thi theo hướng dẫn để làm quen với quy trình đăng ký; đồng thời nắm bắt được các thông tin, yêu cầu cần thiết để chủ động chuẩn bị trước khi đăng ký chính thức, qua đó hạn chế được các sai sót, nhầm lẫn.