Quy đổi điểm xét tuyển đại học: Các trường chuẩn bị ra sao?

Hầu hết cơ sở đào tạo đang chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ để triển khai khung quy đổi cụ thể cho mùa tuyển sinh năm 2025...

Học sinh THPT tại Hà Nội tham dự chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp năm 2025”. Ảnh: ITN

Học sinh THPT tại Hà Nội tham dự chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp năm 2025”. Ảnh: ITN

Trước yêu cầu mới của Bộ GD&ĐT về việc quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển, nhiều trường đại học chủ động xây dựng phương án chuyển đổi, phân tích dữ liệu tuyển sinh những năm trước để đảm bảo công bằng và minh bạch cho thí sinh. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở đào tạo đang chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ để triển khai khung quy đổi cụ thể cho mùa tuyển sinh năm 2025.

Khoảng 300.000 lượt thí sinh tham gia các kỳ thi riêng

Đầu tháng 4/2025, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025 do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức thu hút hơn 10.000 thí sinh đăng ký dự thi. Kỳ thi năm nay gồm 6 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Thí sinh có thể chọn một hoặc nhiều môn phù hợp với nguyện vọng xét tuyển vào các ngành của trường hoặc đại học đối tác.

Trước đó, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức cũng ghi nhận sự tham gia của khoảng 126.000 thí sinh trên cả nước - con số cao nhất trong 8 năm qua. Đợt 2 của kỳ thi này dự kiến diễn ra vào ngày 1/6 tại 11 tỉnh, thành phố, gồm: Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang và An Giang. Trước đó, năm 2024, kỳ thi đã giúp Đại học Quốc gia TPHCM tuyển được hơn 9.200 sinh viên, chiếm hơn 38% tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn hệ thống.

Theo thống kê sơ bộ, năm nay, cả nước có gần 10 kỳ thi độc lập phục vụ tuyển sinh đại học, bao gồm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (Đại học Sư phạm TPHCM), kỳ thi đánh giá tư duy (Đại học Bách khoa Hà Nội), kỳ thi V-SAT do 18 trường đại học phối hợp tổ chức…

Tổng lượt thí sinh đăng ký các kỳ thi này ước tính gần 300.000, trong đó không ít thí sinh đăng ký nhiều đợt thi cùng một kỳ thi. Về phía các trường, gần 200 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả từ kỳ thi của 2 Đại học Quốc gia, khoảng 50 trường áp dụng điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội… Điều này cho thấy xu hướng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, giảm áp lực ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Năm nay, Thông tư sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm do Bộ GD&ĐT ban hành có điểm mới quan trọng là yêu cầu các cơ sở đào tạo quy đổi tương đương điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển đối với một ngành đào tạo. Theo dự thảo hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng năm 2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu quy tắc quy đổi tương đương phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng.

Theo phương án tuyển sinh dự kiến được nhiều trường đại học công bố gần đây, trung bình mỗi trường áp dụng từ 3 đến 4 phương thức tuyển sinh cho mỗi ngành hoặc nhóm ngành. Trong đó, ba phương thức phổ biến nhất bao gồm: Xét kết quả học tập THPT (xét học bạ), xét điểm thi đánh giá năng lực hoặc các kỳ thi riêng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Với việc áp dụng quy chế tuyển sinh mới, điểm chuẩn được xác định riêng cho từng phương thức, tổ hợp xét tuyển, dựa trên tổng chỉ tiêu của ngành và quy tắc quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức. Quá trình xét tuyển thực hiện bằng cách điều chỉnh điểm chuẩn tương đương tăng hoặc giảm của tất cả phương thức, tổ hợp xét tuyển cho đến khi đạt đủ số lượng thí sinh trúng tuyển phù hợp với tổng chỉ tiêu đã đề ra cho ngành đó.

 Học sinh tham gia buổi tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tại Đồng Tháp, tháng 4/2025. Ảnh: Lê Nam

Học sinh tham gia buổi tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tại Đồng Tháp, tháng 4/2025. Ảnh: Lê Nam

Các trường chờ hướng dẫn

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, trước khi Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, nhà trường đã chủ động chuẩn bị phương án quy đổi điểm.

“Nhà trường đang phân tích phổ điểm kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển trước đây. Đồng thời, chúng tôi xây dựng hàm tương quan sơ bộ và chỉ chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ GD&ĐT để công bố trong thông báo tuyển sinh năm nay”, ông Nhân chia sẻ.

Cũng theo TS Nhân, đến thời điểm hiện tại, công tác phân tích dữ liệu và xây dựng hệ số tương quan đã tạm ổn, dựa trên phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của 2 năm gần đây. Trường cũng chờ phổ điểm của Kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 để áp dụng và triển khai ngay khi có thể. Riêng hàm tổng quát cho việc quy đổi điểm vẫn tiếp tục hoàn thiện, dự kiến công bố vào cuối tháng 4.

Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM nhấn mạnh, quy đổi điểm không ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh vì nhà trường đã dự trù các khó khăn ngay từ khi xác định điểm trúng tuyển và ngưỡng đảm bảo đầu vào cho từng phương thức.

Việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển cũng khá ổn định trong những năm gần đây. “Năm nay, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM xây dựng hàm tương quan với mục tiêu tuyển được những thí sinh có năng lực đồng đều ở các phương thức. Nói chung, quá trình này không gặp quá nhiều trở ngại”, TS Nhân khẳng định.

Cùng quan điểm, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho rằng, quy đổi điểm cần đảm bảo công khai và dựa trên tiêu chí rõ ràng để thí sinh hiểu rõ cách thức xét tuyển. “Các kỳ thi riêng thường có độ khó và cách đánh giá khác nhau, nên việc quy đổi điểm cần dựa trên phân tích khoa học để đảm bảo công bằng cho thí sinh từ các hình thức thi khác nhau”, bà Dung nói.

HUTECH đã phân tích và tính toán việc quy đổi điểm, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng giữa các kỳ thi, đồng thời đồng bộ với quy định chung của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, nhà trường đang chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ để xây dựng khung quy đổi phù hợp.

Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho biết: “Nhà trường vẫn chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ GD&ĐT. Nếu Bộ ban hành kế hoạch, nhà trường sẽ thực hiện theo đúng quy định”.

Về việc quy đổi điểm xét tuyển giữa các phương thức, ông Sơn cho rằng đây là quy trình bình thường và nhà trường hoàn toàn đồng thuận với chủ trương này. “Tất cả ý kiến đóng góp cần thiết, chúng tôi đã gửi trước đó. Giờ là lúc triển khai theo hướng dẫn chứ không phải thời điểm để tiếp tục đưa ra ý kiến”, ông nói thêm.

Trường Đại học Công Thương TPHCM sử dụng 5 phương thức xét tuyển. Trong đó, 3 phương thức gồm: Xét tuyển học bạ THPT, xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM và xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM đều cần áp dụng quy đổi điểm.

“Về nhân sự, trường có 3 cán bộ chuyên trách, giàu kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh. Khi Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn cách quy đổi chi tiết, chúng tôi sẽ triển khai công việc theo đúng quy trình”, ông Sơn cho biết thêm.

Quốc Hải - Lê Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-doi-diem-xet-tuyen-dai-hoc-cac-truong-chuan-bi-ra-sao-post727148.html
Zalo