Tâm lý học trong đào tạo và hành nghề kiến trúc

Ngày 15/4, Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế và Khoa Kiến trúc (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) phối hợp tổ chức talkshow 'Tâm lý học ứng dụng trong kiến trúc' dành cho sinh viên.

Lĩnh vực tâm lý học ứng dụng trong kiến trúc là phần kiến thức tâm lý học mà các kiến trúc sư nên làm quen như một phần trong nghề nghiệp, nhằm định hướng tốt hơn trong bối cảnh tác động của công việc của họ đối với xã hội và để đặt mình đúng chỗ trong quá trình tạo ra một môi trường nhân tạo.

Sự kiện thu hút đông đảo sinh viên và giảng viên.

Tâm lý học ứng dụng trong kiến trúc tập trung ba chủ đề: Tâm lý của tác giả và người sử dụng; Tâm lý giao tiếp giữa tác giả và người sử dụng; Tâm lý của việc tạo thành và ảnh hưởng của môi trường kiến trúc.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, KTS An Việt Dũng cho hay, về lĩnh vực kiến trúc, dường như các trường đại học ở Việt Nam vẫn chỉ chú trọng phát triển đúng chuyên môn. Những kỹ năng khác như giao tiếp, thuyết trình… chưa được quan tâm đúng mức.

Nghiên cứu của TS Karel Smejkal, Đại học Kỹ thuật Czech, đã mở rộng nhiều vấn đề của kiến trúc. Đó là làm kiến trúc như thế nào, chuyên môn ra sao, cách thức giao tiếp, đóng gói câu chuyện, kể truyện, truyền thông… Đây là những kỹ năng mà sinh viên Việt Nam thường bị động.

Ngược lại, sinh viên nước ngoài có kỹ năng rất tốt. Họ biết rõ mình đang làm gì, muốn gì và cách sẽ kể thông điệp bằng ngôn ngữ kiến trúc thế nào. Trong khi đó, sinh viên Việt Nam khá bị động, không biết cách tương tác khi đặt câu hỏi, nêu vấn đề.

Theo TS Karel Smejkal, không chỉ mang đến những kiến thức tâm lý học sâu sắc mà còn mở ra một góc nhìn mới đầy cảm hứng về ngành kiến trúc, một lĩnh vực giao thoa giữa nghệ thuật sáng tạo, khoa học kỹ thuật và thấu hiểu con người.

TS Karel Smejkal chia sẻ với sinh viên.

KTS An Việt Dũng nhấn mạnh, tâm lý học là một trong những bài học rất hữu ích, bởi tâm lý học ở đây đến từ cả nhà đầu tư, những người liên quan kiến trúc, sử dụng kiến trúc. Cần nắm rõ họ mong muốn, tìm kiếm, kỳ vọng gì khi tìm đến kiến trúc sư. TS Karel Smejkal đã nhấn mạnh, rất rõ câu chuyện này. Nếu các nghiên cứu được đúc rút thành nguyên lý và cách thức tiếp cận, nó sẽ rất hữu ích cho các kiến trúc sư hành nghề.

Theo TS Karel Smejkal, thông điệp lớn nhất ông muốn truyền tải là hãy hiểu chính mình, hiểu về con người, từ đó giúp sinh viên mở rộng hơn về chuyên môn, học tập.

Sinh viên Nguyễn Quang Huy, Khoa Kiến trúc, Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế cho hay, qua phần chia sẻ của thầy, bạn hiểu kiến trúc và tâm lý học là hai thứ song song với nhau. Thực ra, kiến trúc là sự kết nối về mặt tâm lý, giữa kiến trúc sư với khách hàng. Hai bên sẽ thấu hiểu nhau để làm nên công trình, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

"Đối với lĩnh vực mình đang theo đuổi, tâm lý học trực tiếp ảnh hưởng kinh nghiệm của tôi sau này và cho biết phải làm gì sau khi tốt nghiệp", Huy tâm sự.

Tuệ Minh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tam-ly-hoc-trong-dao-tao-va-hanh-nghe-kien-truc-192250415170137174.htm
Zalo