Điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của châu Á

Trong khi một số quốc gia châu Âu đã đóng cửa các trung tâm thông tin du lịch thì các nước châu Á lại tăng số lượng các bộ phận nhân viên ở các trung tâm này nhằm hỗ trợ số lượng lớn du khách.

Văn phòng thông tin du lịch này nằm ở tầng 1 của Tokyu Plaza Shibuya, mở cửa vào năm 2019. Ảnh: Christopher Jue/Getty Images

Văn phòng thông tin du lịch này nằm ở tầng 1 của Tokyu Plaza Shibuya, mở cửa vào năm 2019. Ảnh: Christopher Jue/Getty Images

Tammy Mermelstein coi việc ghé thăm các gian hàng tại Trung tâm thông tin du lịch là một trong những điểm nhấn không thể bỏ qua trong hầu hết các kỳ nghỉ của cô tại Nhật Bản.

Mermelstein đến từ thành phố Houston (Mỹ) đã dành hơn một năm để lên kế hoạch cho chuyến đi ba tuần đến Nhật Bản. Mặc dù trở về nhà với nhiều món quà lưu niệm đặc biệt nhưng Mermelstein chỉ thích khoe bộ sưu tập tem đã sưu tầm được từ các trung tâm thông tin du lịch và các điểm tham quan du lịch khác ở "xứ sở mặt trời mọc”.

Mermelstein nói rằng ban đầu cô chỉ muốn đến các gian hàng thông tin du lịch để lấy tem và xin lời khuyên, nhưng cuối cùng gia đình cô lại dành nhiều thời gian ở đây vì cảm giác như một bảo tàng đáng để khám phá.

"Ở đây, nhân viên tại trung tâm thông tin du lịch đã chỉ cho khách cách viết tên của họ bằng tiếng Nhật. Hay một người phụ nữ thậm chí còn mang trang phục kimono ra để khách du lịch mặc và chụp ảnh. Một số trung tâm cũng có khu vui chơi dành riêng cho trẻ nhỏ", Mermelstein nói thêm.

Tại một số quốc gia ở châu Âu, những gian hàng thông tin du lịch đang dần trở thành "dĩ vãng". Pháp đã nói lời tạm biệt với Trung tâm thông tin du lịch cuối cùng còn sót lại, bên cạnh Tháp Eiffel vào tháng 1 năm nay. Hay Scotland đã thông báo rằng tất cả các trung tâm này sẽ đóng cửa vào cuối năm 2025.

Các quan chức du lịch ở cả hai điểm đến trên đều gợi ý các phương tiện truyền thông xã hội để du khách tiếp cận và dễ dàng nắm bắt thông tin điểm đến sau khi đóng cửa các trung tâm thông tin du lịch. Họ cho rằng ngày nay việc tiếp cận rộng rãi với điện thoại thông minh cũng chính là lý do để hai quốc gia châu Âu này đóng cửa các văn phòng thực tế.

Các trung tâm thông tin du lịch hai nước đều đã chuyển sang mô hình “kỹ thuật số”, chuyển trọng tâm sang Instagram và TikTok cũng như thiết lập các kênh WhatsApp chuyên dụng để trả lời du khách những câu hỏi cụ thể liên quan đến du lịch.

Trong khi một số quốc gia châu Âu đã đóng cửa các trung tâm hỗ trợ du lịch trực tiếp thì các trung tâm thông tin du lịch ở châu Á lại tăng số lượng nhân viên nhằm hỗ trợ du khách.

Xiang Li, Giám đốc Khoa Quản lý Khách sạn và Du lịch tại Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, các trung tâm thông tin du lịch của Châu Á đang phát triển mạnh mẽ vì du khách vẫn rất thích đến đây.

"Hầu hết khách du lịch châu Á thường coi trọng sự hướng dẫn trực tiếp của trung tâm thông tin du lịch để nắm bắt thông tin kỹ càng hơn. Nhiều du khách ít có kinh nghiệm đi du lịch quốc tế và gặp rào cản ngôn ngữ, vì vậy, việc tương tác và hỗ trợ trực tiếp trở nên đặc biệt quan trọng hơn.

Ngược lại, khách du lịch châu Âu quen với những trải nghiệm tự tìm tòi hướng dẫn, thường sử dụng nhiều công cụ trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm các ứng dụng và tài liệu in”, ông Xiang Li nói.

Các trung tâm thông tin du lịch phát triển mạnh mẽ ở châu Á

Hàn Quốc có khoảng 300 trung tâm thông tin du lịch vào năm 2015. Hiện tại, con số này đã tăng lên 638.

Con số đó cũng bao gồm cả những nhân viên làm việc tại "Trung tâm thông tin du lịch di động", những người thường đứng ở những khu phố đông đúc như Myeongdong của Seoul — nơi có vô số cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc da và quán cà phê Instagrammable — sẵn sàng trả lời câu hỏi cho du khách.

Những nhân viên này mặc áo sơ mi đỏ tươi và đội mũ cao bồi, có thể nói tiếng Trung, tiếng Nhật hoặc tiếng Anh.

"Các trung tâm thông tin du lịch ở châu Á ưu tiên tương tác và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Ngược lại, các trung tâm thông tin du lịch ở châu Âu lại tập trung vào thông tin số, đáp ứng nhu cầu khách du lịch theo định hướng chủ động tìm kiếm hướng dẫn trực tuyến", ông Xiang nói.

Và Hàn Quốc không phải là quốc gia châu Á duy nhất có các trung tâm thông tin du lịch phát triển mạnh mẽ. Nhật Bản hiện đã mở thêm 250 trung tâm thông tin du lịch trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2024, bởi tình trạng quá tải du lịch cũng như mong muốn đáp ứng nhu cầu khách du lịch trên nhiều ngôn ngữ hơn. Chính phủ Nhật Bản gần đây đã tuyên bố mục tiêu đạt 60 triệu khách du lịch mỗi năm vào năm 2030.

Ngoài việc dịch thuật và tìm kiếm thông tin, các trung tâm thông tin du lịch của Nhật Bản đã trở thành những điểm thu hút du khách theo đúng nghĩa. Mỗi trung tâm ở Nhật Bản đều có con dấu riêng, được gọi là eki sutanpu trong tiếng Nhật.

Nhiều du khách có thói quen sưu tập tem trên hộ chiếu du lịch, thường dừng lại ở một quầy thông tin, ngay cả khi họ không cần giúp đỡ để tìm bất cứ thứ gì. Những con tem này là quà lưu niệm miễn phí để tôn vinh nền văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản. Những người dùng Youtuber và Tiktoker thường so sánh những con tem nào đẹp nhất hoặc khó tìm nhất để thu hút chú ý của người xem.

Ngoài các quầy thông tin du lịch, những con tem này cũng có sẵn tại các điểm tham quan du lịch lớn và những nhà ga xe lửa JR Railway.

Doanh nhân người Thái Patrick Pakanan là người đã dành khoảng thời thơ ấu ở Nhật Bản và nói tiếng Nhật trôi chảy, nhưng anh không bao giờ bỏ lỡ cơ hội dừng lại ở một trung tâm thông tin du lịch.

"Trò chuyện với người dân địa phương, chẳng hạn như nên ăn gì, ở đây nổi tiếng thế nào, hoặc có thể ghé thăm một cửa hàng mà họ giới thiệu. Người dân đã sống ở đây cả đời và họ thực sự muốn giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống địa phương", cô nói.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/diem-thu-hut-khach-du-lich-hang-dau-cua-chau-a-127940.html
Zalo