Ra mắt sách nghệ thuật 'Cửu Long Giang khói lửa - Ký họa và thơ'

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước NXB Kim Đồng vừa phát hành cuốn art book (sách nghệ thuật) 'Cửu Long Giang khói lửa - Kí họa và thơ'. Đây là những ký ức nghệ thuật chân thực, sinh động về một thời đạn bom của các văn nghệ sĩ sáng tác trong thời kỳ tham gia chiến trường. Điều đặc biệt là, cuốn sách do Nhà báo, giám tuyển người Mỹ Sherry Buchanan cùng Nam Anandaroopa Nguyen - một nhà nghiên cứu nghệ thuật người Mỹ gốc Việt biên soạn, dịch giả Phan Thanh Hảo chuyển ngữ tiếng Việt.

“Cửu Long Giang khói lửa - Kí họa và thơ” được dịch giả Phan Thanh Hảo chuyển ngữ tiếng Việt, gồm những ký họa, tranh màu nước, thơ và thư từ của các họa sĩ - chiến sĩ được sáng tác ngay giữa chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Phiên bản tiếng Anh của cuốn sách “Cửu Long Giang khói lửa - Kí họa và thơ” đã được Asia Ink và NXB Đại học Chicago xuất bản vào năm 2008, được Quỹ hỗ trợ nghệ thuật Quốc gia tài trợ.

Họa sĩ Nguyễn Toàn Thi (ở giữa) cùng bạn bè sinh viên mỹ thuật tham dự một lớp học tại Trung ương Cục Miền Nam ở Tây Ninh từ đầu những năm 1960. (Ảnh từ bộ sự tập của họa sĩ)

Họa sĩ Nguyễn Toàn Thi (ở giữa) cùng bạn bè sinh viên mỹ thuật tham dự một lớp học tại Trung ương Cục Miền Nam ở Tây Ninh từ đầu những năm 1960. (Ảnh từ bộ sự tập của họa sĩ)

Giữa bom đạn khốc liệt, dưới hầm, trong khu lán trại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các lớp học mỹ thuật của Trung ương Cục miền Nam giữa rừng già Cà Mau, Tây Ninh, Đồng Tháp Mười... được mở ra. Các họa sĩ chiến trường có mặt trong đoàn quân chiến sĩ văn hóa chi viện chiến trường miền Nam từ những ngày đầu như Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Nguyễn Văn Trừ, Nguyễn Thanh Châu…

Họ đã sáng tác, ghi lại những hình ảnh chân thực về chiến trường, hậu phương và phong cảnh chiến trường miền Nam từ Tây Ninh, Bến Tre đến Cà Mau trong giai đoạn 1964-1975. Họ ghi lại những khoảnh khắc sống động, chan chứa yêu thương, và đầy niềm tin vào con người. Các họa sĩ say mê vẽ chân dung từ em bé giao liên, người chiến sĩ đến các du kích quân địa phương để tạc khuôn mặt của những người con Việt Nam bình dị mà anh hùng trong chiến đấu

Nhờ đó, nhiều câu chuyện về đời sống chiến sĩ, em nhỏ, người mẹ, cảnh rừng núi, địa đạo, thôn xóm đậm chất trữ tình được ghi lại giữa lửa đạn, thể hiện tình yêu quê hương, lòng dũng cảm và khát vọng hòa bình. Cuốn sách còn giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Duy và Lê Anh Xuân - nhà thơ tiêu biểu cho văn học kháng chiến, như bài “Dáng đứng Việt Nam”. Các bài thơ được đan xen giữa những ký sự, nhật ký, thư từ đầy cảm động gửi về từ chiến trường.

Cuốn sách “Cửu Long Giang khói lửa - Kí họa và thơ” phiên bản tiếng Việt.

Cuốn sách “Cửu Long Giang khói lửa - Kí họa và thơ” phiên bản tiếng Việt.

Trong lời nói đầu cuốn sách“Cửu Long Giang khói lửa - Kí họa và thơ” đã in những chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Toàn Thi - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (đã mất năm 2016): “Từ Hà Nội, các nghệ sĩ đi theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam, báo cáo nhận nhiệm vụ với Bộ Tư lệnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó được phân công đến các chiến khu khắp Đồng bằng Cửu Long Giang. Nhiều khóa học nghệ thuật chính thức được mở để đào tạo về nghệ thuật cho một thế hệ họa sĩ mới… Cuộc sống thời chiến gian khổ, thiếu thốn vô cùng. Chúng tôi thiếu họa phẩm, thiếu cả màu vẽ. Nhưng chúng tôi vẫn sáng tác, tìm mọi cách khắc phục khó khăn. Chúng tôi ký họa nhanh bằng bút chì, bút máy, bút mực hay màu nước… trên bất kỳ tờ giấy nào kiếm được, kể cả trên mảnh báo cũ hay sổ tay.…”.

Để có được cuốn sách nghệ thuật “Cửu Long Giang khói lửa - Kí họa và thơ” ra mắt độc giả, nhà báo, giám tuyển người Mỹ Sherry Buchanan đã cùng với Nam Anandaroopa Nguyen đã thực hiện hành trình tìm hiểu, sưu tầm và giới thiệu đến thế giới tác phẩm giới thiệu nghệ thuật chiến tranh Việt Nam. Sherry Buchanan và Nam Anandaroopa Nguyen đã đi khắp Việt Nam trong gần hai thập niên (1998-2015), phỏng vấn hàng chục họa sĩ chiến trường, sưu tầm các bức ký họa, tranh màu nước và các tài liệu chưa từng công bố để giới thiệu cho thế giới hiểu sâu sắc hơn về mỹ thuật tại chiến trường Việt Nam.

Đây còn là nguồn tư liệu quý giá giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến dưới một góc nhìn đầy cảm xúc, nhân bản, giàu hình ảnh dưới lăng kính và sự thấu hiểu, chia sẻ của những học giả người nước ngoài.

Nguyệt Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/ra-mat-sach-nghe-thuat-cuu-long-giang-khoi-lua-ky-hoa-va-tho-i766873/
Zalo