Quyết liệt thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chính phủ xác định thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng
Chính phủ vừa có báo cáo số 54/BC-CP gửi Quốc hội về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đã xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Một trong 6 nhiệm vụ, giải pháp đó là thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
![Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá - Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433103/8076dda6e6e80fb656f9.jpg)
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá - Ảnh minh họa
Theo đó, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi; khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Trong đó, trọng tâm là: Quyết liệt thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
Khẩn trương có giải pháp phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo…; xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng mô hình “đầu tư công - quản trị tư”, “đầu tư tư – quản trị công”, bảo đảm quyền chủ động của nhà khoa học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế gắn với thúc đẩy thương mại, thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Đẩy mạnh thương mại hóa 5G; nghiên cứu công nghệ 6G; phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Sớm hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng, hoàn thiện chính sách ưu đãi về tài chính, khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh; hoàn thiện bộ tiêu chí xanh quốc gia
Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự hình thành, hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số, tạo thêm nhiều “việc làm số”. Tận dụng hiệu quả các cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại… trên cơ sở củng cố, phát huy vị thế của nước ta trên bản đồ công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Phát triển, hoàn thiện, tối ưu hóa các nền tảng theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Chính phủ cũng xác định triển khai hiệu quả các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án về trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, các khu thương mại tự do tại một số địa phương, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn… Trong đó: Bố trí ngay nguồn lực và có cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai ngay Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
![Nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam (Ảnh: Quỳnh Nga)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51433103/92e8c138fa7613284a67.jpg)
Nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam (Ảnh: Quỳnh Nga)
Triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới đã được Quốc hội cho phép áp dụng. Sớm ban hành, triển khai hiệu quả hành lang pháp lý cho doanh nghiệp để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Mặt khác, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; phát huy hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia gắn với hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và tăng cường kết nối, hợp tác với thế giới, khu vực; phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Đẩy nhanh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo. Thúc đẩy giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học, năng lượng nguyên tử, vật liệu tiên tiến, robot và tự động hóa, xây dựng và vận hành đường sắc tốc độ cao…
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và bảo đảm nguồn lực tài chính cho giáo dục, đào tạo; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư nguồn lực, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Có chính sách hữu hiệu để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được. Xuất khẩu dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhờ hệ thống các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Chính phủ cũng đang đẩy mạnh thu hút FDI chất lượng cao vào các ngành công nghiệp mới (như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo - AI). Đặc biệt, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - đoàn Hà Nội cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm đưa kinh tế năm 2025 đạt mức tăng trưởng trên 8%, thay vì mức 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% như Quốc hội đã quyết nghị. Việc phấn đấu đạt tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 - năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 không phải chỉ là cho riêng năm 2025, hay cho giai đoạn 5 năm 2021-2025, mà quan trọng hơn còn là bước chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030 và xa hơn tới năm 2045.
"Ở trong nước, cũng có nhiều cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025. Trong đó, các động lực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hay việc 63 tỉnh, thành triển khai đồng loạt các quy hoạch trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế… sẽ là những yếu tố đóng góp cho tăng trưởng" - ông Trương Xuân Cừ nói.
Theo Chính phủ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên (cao hơn mục tiêu Trung ương Đảng, Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%), góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.