Quỹ nhà ở quốc gia: Hy vọng cuối cho giấc mơ an cư giá rẻ?

Quỹ nhà ở quốc gia được kỳ vọng sẽ là cứu cánh cho hàng triệu người dân lao động thu nhập thấp có cơ hội an cư lạc nghiệp.

Quỹ nhà ở quốc gia được đề xuất thành lập nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Hoàng Anh.

Quỹ nhà ở quốc gia được đề xuất thành lập nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Hoàng Anh.

Bước ngoặt trong phát triển nhà ở xã hội

Hàng triệu người dân lao động có thu nhập trung bình hoặc thấp, công nhân trong khu công nghiệp, viên chức, đối tượng chính sách đang đầy hy vọng về cơ hội sở hữu nhà ở khi quỹ nhà ở quốc gia đang dần hình thành.

Theo những thông tin mới nhất, quỹ phát triển nhà ở quốc gia là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, do nhà nước thành lập (không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước). Quỹ được thành lập nhằm hỗ trợ nhà ở cho người dân thông qua các gói vay ưu đãi, lãi suất thấp, trợ cấp.

Chức năng chính của quỹ phát triển nhà ở quốc gia được Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh trong cuộc họp với Quốc hội gần đây là đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi.

Với những chính sách đang được xây dựng, đây được xem là đòn bẩy quan trọng, tạo ra một nguồn lực đủ lớn để triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội.

Trước đó, Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào 2030. Song đến nay, chỉ 103 dự án được hoàn thành với quy mô hơn 66.755 căn, chưa bằng 7% mục tiêu đề ra. Còn lại 137 dự án đã khởi công (114.618 căn) và khoảng 415 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư (412.200 căn).

Từ những con số trên, dễ hiểu tại sao ngay sau buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương hồi đầu năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo xây dựng quỹ nhà ở quốc gia để giải quyết các vấn đề cấp bách trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội.

Trước đó, nhiều cơ chế chính sách cho vay ưu đãi đối với việc phát triển nhà ở xã hội, các chương trình tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại đã được triển khai. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn khó được khơi thông là nguồn vốn cho vay ưu đãi hạn hẹp.

Để đảm bảo triển khai khả thi, nhanh và hiệu quả, Chính phủ cần một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trước 2030.

Trong đó, việc thành lập quỹ phát triển nhà ở quốc gia như dự thảo nghị quyết của Quốc hội đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ thực hiện cả ba nội dung về hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Nhìn nhận về vai trò quan trọng của quỹ nhà ở này, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là tin vui rất lớn đối với nhiều người lao động có mức thu nhập thấp, không có khả năng sở hữu nhà ở.

Trong quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường bất động sản. Mặc dù vậy, sự phát triển này không đồng đều, dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho thuê với chất lượng tốt và giá cả phù hợp với thu nhập của người lao động.

Tại nhiều khu công nghiệp, công nhân thường phải thuê nhà trọ với điều kiện sống thiếu thốn, không đảm bảo an toàn và vệ sinh, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Chính vì vậy, việc phát triển quỹ nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở cho thuê, là một chủ trương đúng đắn và cấp thiết. Có thể nói, đây là một giải pháp đột phá, mở ra cơ hội an cư cho hàng triệu người lao động.

Quỹ nhà ở quốc gia không chỉ giúp người dân tiếp cận nhà ở có giá phù hợp mà còn góp phần điều tiết thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng đầu cơ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, ông Đính khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Nam,Tổng giám đốc Công ty Cổ phần G-Home, doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội cũng cho rằng, đây là chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ.

Điều này sẽ tạo thêm cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân, để họ yên tâm làm việc. Chính sách này cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, các đô thị lớn, khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu, đảm bảo tính bền vững của thị trường bất động sản.

Nỗi lo nguồn vốn triển khai quỹ nhà ở quốc gia

Mô hình quỹ nhà ở quốc gia được nhiều chuyên gia đánh giá là cần thiết đối với Việt Nam, song để đảm bảo hiệu quả lâu dài, cần có thiết kế phù hợp với đặc thù thị trường và nguồn lực tài chính trong nước.

Theo dự kiến của Chính phủ, nguồn của quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ được huy động từ ngân sách nhà nước cấp; sự tự nguyện đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn thu từ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại theo quy định và nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân; các nguồn hợp pháp khác.

Tuy nhiên, nguồn vốn để triển khai quỹ nhà ở quốc gia này vẫn đang là một nỗi băn khoăn lớn. Trước đó, một số địa phương lớn như TP.HCM, Đồng Nai đã có quỹ tương tự phát triển nhà ở xã hội, nhưng kết quả không như mong muốn, do thiếu nguồn vốn để hoạt động.

Theo ông Nam, mặc dù công cuộc tinh gọn bộ máy và sáp nhập địa giới hành chính sắp tới dự kiến sẽ mở rộng dư địa đầu tư rất lớn, nhưng nguồn lực dồn cho nhà ở xã hội vẫn không đủ.

"Nói đến quỹ là nói đến tiền. Trong khi đó, số tiền không hề nhỏ", ông Nam tính toán, để xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, mỗi căn trung bình giá khoảng 1 tỷ đồng, cần đến 1 triệu tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, trong khi đó, cả nước không thể dồn lực cho phát triển nhà ở xã hội, mà còn nhiều lĩnh vực khác cần đầu tư.

Dẫn chứng ở các nước trên thế giới, ông Nam cho biết, tại những nước phát triển, họ có sẵn một nguồn tài chính lớn từ ngân sách hoặc có một quỹ nhà ở. Số tiền này được trích từ khoảng 1 - 2% thu nhập hàng tháng của người lao động (đóng như bảo hiểm xã hội).

Chính vì vậy, chính quyền có trong tay một quỹ nhà để cho thuê với giá ưu đãi dành cho người lao động có thu nhập không cao. Đến khi những người thuê nhà đó đủ điều kiện kinh tế để mua hoặc thuê nhà ở thương mại thì họ sẽ trả lại để chính quyền cho người khác thuê.

Ưu điểm của mô hình này là nguồn nhà cho thuê gần như vô hạn, bởi lẽ luôn có người đến và người đi, chính quyền chỉ cần lo việc duy tu, bảo dưỡng căn hộ và xây thêm nhà khi thiếu, chứ không lo nguồn cung cạn kiệt.

Để giải quyết bài toán nguồn vốn cho quỹ nhà ở quốc gia, ông Đính cho rằng, việc huy động nguồn lực từ nhiều phía là điều tất yếu. Nguồn lực không chỉ đến từ nhà nước mà cần có sự chung tay của người lao động thông qua việc đóng góp một phần nhỏ từ tiền lương vào quỹ nhà ở quốc gia. Đây là một giải pháp mang tính xã hội hóa cao, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.

Thế nhưng, theo ông Nam, nếu áp dụng mô hình này tại Việt Nam sẽ không thể thành công, do mức thu nhập của người dân còn ở mức thấp, không thể thu trực tiếp từ thu nhập hàng tháng của họ để đóng góp vào quỹ nhà ở xã hội.

Việt Nam cần một cách tiếp cận khác trong việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có sự kết nối hài hòa giữa nhà nước với doanh nghiệp, nhà phát triển dự án và cả người dân có nhu cầu về nhà ở. Nhà nước cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển xã ở xã hội về quỹ đất, thủ tục pháp lý, ưu đãi vốn vay, ông Nam nhận định.

Bên cạnh đó, ông Đính cũng cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần có trách nhiệm xã hội trong việc phát triển nhà ở xã hội. Việc trích một phần lợi nhuận từ các dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho thuê sẽ góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp.

Đặc biệt, chủ đầu tư các khu công nghiệp cần gắn trách nhiệm của mình với việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Việc phó mặc vấn đề này cho chính quyền địa phương đã gây ra nhiều hệ lụy về an sinh xã hội, môi trường và an ninh trật tự.

Quan trọng hơn, nhà nước cần có quy hoạch và quỹ đất rõ ràng để phát triển quỹ nhà ở xã hội. Việc sử dụng hiệu quả quỹ đất công, kết hợp với các chính sách ưu đãi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thu Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/quy-nha-o-quoc-gia-hy-vong-cuoi-cho-giac-mo-an-cu-gia-re-d40317.html
Zalo