Đại biểu Quốc hội: Giấc mơ có nhà của đông đảo người lao động vẫn quá xa vời
Góp ý về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần chính sách thiết thực hơn để giấc mơ an cư của người lao động thu nhập thấp không mãi là điều xa xỉ.
Sáng 24-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Nội dung này nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt từ các đại biểu đại diện cho các địa phương có đông công nhân, người lao động.
“Họ chỉ ước có một mái nhà nhỏ để an cư”
Mở đầu phần phát biểu, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) xin Quốc hội dành cho 2 phút để bà chuyển tải “tâm tư người lao động” đến hội trường Diên Hồng.
“Họ là những người đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất với mong ước rất giản dị: sống, làm việc, có gia đình và một mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ” – bà Trân xúc động chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà, mức lương trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng không đủ để người lao động vượt qua gánh nặng chi tiêu hằng ngày, nói gì đến mua nhà. “Giá nhà, kể cả nhà ở xã hội, vẫn quá xa tầm với, thủ tục lại phức tạp khiến nhiều người đành từ bỏ” – nữ đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương)
Bà Trân kiến nghị Quốc hội cần có cơ chế trợ giá, bù giá từ ngân sách Nhà nước hoặc Quỹ nhà ở quốc gia, đồng thời đảm bảo việc xét duyệt minh bạch, công bằng. “Đừng để những khu nhà ở xã hội bị bỏ hoang trong khi người lao động vẫn phải ôm giấc mơ nhà ở suốt đời”, bà nhấn mạnh.
Còn đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) đề xuất cho phép đầu tư xây nhà ở xã hội để cho thuê trên phần đất đang được quy hoạch là đất thương mại, nhằm đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội.
Theo ông Minh, nhu cầu thuê nhà gần nơi làm việc ngày càng cao, đặc biệt với người đã có nhà ở nơi khác nhưng cần rút ngắn thời gian di chuyển và chi phí sinh hoạt.
Đại biểu cũng đánh giá cao việc cắt giảm thủ tục hành chính trong dự thảo nghị quyết, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ.
Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ nhìn nhận dù nhiều chính sách đã được ban hành, nhưng nguồn cung nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt, mức giá hiện tại là rào cản lớn.
“25 triệu đồng/m2 là quá cao với người thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng. Giá thuê 6 triệu đồng/tháng cũng không phù hợp với người trẻ, thu nhập thấp, công việc không ổn định”, đại biểu Hạ phân tích.
Tháo gỡ về thủ tục cho nhà ở xã hội
Giải trình cuối phiên họp, làm rõ thêm ý kiến các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh khẳng định Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ cũng đã có đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Tuy nhiên thực tế trong 5 năm qua, cả nước mới có 679 dự án, trong đó hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn, tương đương 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay mới có 15.600 căn hoàn thành, còn 19.492 căn khởi công, như vậy mới đạt 44% mục tiêu.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do vướng mắc ở thế chế, chính sách, quy trình, thủ tục, nên Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết để đề xuất các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: Phạm Thắng
Dự thảo Nghị quyết tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là quỹ; đối tượng; giá mua, thuê,…; điều kiện được hưởng chính sách. Nhóm thứ hai dành liên quan đến các nhà đầu tư, bao gồm các trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện dự án.
“Nếu theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thông qua đấu thầu, riêng thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày", Bộ trưởng Xây dựng nói điều này khiến nhà đầu tư cũng rất ngán ngẩm.
Để khắc phục điều này, dự thảo Nghị quyết đã có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục.
Trước ý kiến của các đại biểu về giá nhà ở xã hội hay đề xuất cần quy định giá sàn, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định không thể quy định giá sàn và tới đây sẽ có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện.
“Đơn cử, sau khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được vênh lên 10% so với dự toán. Nếu đưa giá sàn thì khó thực hiện vì mỗi nơi có đơn giá vật liệu khác nhau”, ông Minh cho hay.