Quỹ đất quanh tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô:Làm thế nào để sử dụng hiệu quả?

Với việc quy hoạch quỹ đất rộng quanh tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thành phố Hà Nội đang đứng trước cơ hội đặc biệt quan trọng để mở rộng không gian phát triển, hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vậy, làm thế nào để khai thác hiệu quả nguồn lực này nhằm tránh lãng phí, tạo giá trị bền vững cho thành phố và người dân?

Cơ hội lớn, thách thức lớn

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa phận huyện Mê Linh đang hình thành. Ảnh: Quang Thái

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa phận huyện Mê Linh đang hình thành. Ảnh: Quang Thái

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài hơn 112,8km, trong đó 58,2km đi qua địa phận Hà Nội, được xác định là một trong những công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Không chỉ đóng vai trò chiến lược trong kết nối liên vùng, tuyến đường còn mở ra quỹ đất dọc hai bên, hứa hẹn tạo “cú hích” mạnh mẽ cho phát triển đô thị và kinh tế.

Theo thống kê sơ bộ, quỹ đất phụ cận tuyến đường trên địa bàn 8 quận, huyện của Hà Nội có diện tích khoảng 18.450ha. Trong đó, diện tích có khả năng khai thác phục vụ phát triển đô thị lên tới 8.725ha. Đây chính là “nguồn lực vàng”, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nếu được khai thác đồng bộ, bài bản và gắn với quy hoạch. Tuy nhiên, nếu không có quy hoạch đồng bộ, quỹ đất dọc hai bên tuyến có thể trở thành những "vùng trũng", dễ rơi vào tình trạng phát triển tự phát, manh mún hoặc bị lãng phí.

Theo các chuyên gia, quỹ đất quanh đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có thể đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành những khu đô thị vệ tinh hiện đại, công viên sinh thái, không gian xanh điều tiết môi trường...

Tuy nhiên, việc phân bổ tỷ lệ đất đai cho các chức năng cần dựa trên nghiên cứu khoa học, tính toán thấu đáo, cơ chế điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với biến động thị trường, nhu cầu phát triển xã hội, tác động của biến đổi khí hậu...

Việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là giải pháp quan trọng, tạo vốn cho hạ tầng giao thông, đòi hỏi khảo sát kỹ lưỡng và xác định rõ định hướng sử dụng đất. Nếu thiếu bài bản, có thể dẫn tới định hướng mơ hồ, vận dụng chủ quan, lãng phí tài nguyên...

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa phận huyện Mê Linh đang hình thành. Ảnh: Quang Thái

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa phận huyện Mê Linh đang hình thành. Ảnh: Quang Thái

Đặc biệt, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cũng cần thay đổi tư duy, gắn với tiêu chí về năng lực tài chính, ý tưởng quy hoạch, khả năng thực hiện cam kết môi trường và đóng góp cho cộng đồng.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, nhà đầu tư cần được coi là đối tác phát triển đô thị, chứ không đơn thuần là người mua đất. Họ có trách nhiệm với dự án đầu tư, diện mạo, chất lượng sống của cả khu vực và sự phát triển bền vững của thành phố...

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Hà Nội Lê Anh Tuấn lưu ý, quỹ đất phụ cận sẽ chịu tác động không nhỏ khi bộ máy hành chính và mô hình đô thị thay đổi theo hướng sáp nhập, tái cơ cấu. Nếu không tính toán từ đầu sẽ dẫn tới chồng chéo quy hoạch, lãng phí, không hiệu quả...

Đặt lợi ích lâu dài lên hàng đầu

Để khai thác hiệu quả quỹ đất này, theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, việc khai thác quỹ đất cần gắn chặt với các quy hoạch lớn đã được duyệt, đồng thời cần cơ chế điều chỉnh linh hoạt, tránh rơi vào thế bị động trước biến động của thị trường và sự thay đổi về mô hình tổ chức hành chính, không gian đô thị.

Còn Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhấn mạnh, quỹ đất quanh đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cần được nhìn nhận như nguồn lực chiến lược, không nên chỉ dừng ở việc tạo vốn cho các dự án hạ tầng giao thông ngắn hạn. Dự kiến, Hà Nội sẽ khai thác khoảng 8.725ha đất đô thị để thu về 140.000 tỷ đồng (tương đương 5,4 tỷ USD) và con số này còn biến động khi dự án đi vào khai thác.

Việc định giá quỹ đất vùng phụ cận cần được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát. Quỹ đất này cần được xác định là dự trữ chiến lược cho tương lai của Thủ đô, phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo, đường sắt đô thị, cầu vượt sông…

Hà Nội cần tư duy tổng thể, đặt lợi ích lâu dài lên hàng đầu, gắn quy hoạch không gian với chiến lược phát triển bền vững; tỷ lệ phân bổ đất cho các mục đích: Đô thị, dịch vụ, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật cần được tính toán kỹ, linh hoạt theo giai đoạn phát triển...

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa phận huyện Thanh Oai đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Quang Thái

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa phận huyện Thanh Oai đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Quang Thái

Hà Nội đang bước vào giai đoạn phát triển mới, trong đó quy hoạch quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không chỉ dừng lại ở bài toán tài chính, mà còn bảo đảm cân đối giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống.

Nhiều chuyên gia đồng thuận rằng, để tránh rơi vào “bẫy” phát triển nóng, cần gắn khai thác quỹ đất với các quy hoạch đã được duyệt, đồng thời ưu tiên những dự án có giá trị gia tăng cao về môi trường, xã hội. Quỹ đất này cũng cần được coi là không gian dự trữ phát triển cho các mô hình mới sáng tạo, logistics hiện đại, hệ thống công viên cây xanh và mặt nước điều tiết, bảo đảm chống ngập úng, điều hòa khí hậu...

Sử dụng hiệu quả quỹ đất quanh đường Vành đai 4 giúp thành phố tạo nguồn lực phát triển hạ tầng, kiến tạo không gian sống chất lượng, văn minh, bền vững và là nơi cân bằng tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển hiện đại, giữ gìn bản sắc.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mê Linh Trần Nguyễn Ngọc: Tạo động lực cho huyện Mê Linh tái cấu trúc kinh tế

Quỹ đất dọc tuyến Vành đai 4 sẽ là nguồn lực quan trọng, tạo động lực cho huyện Mê Linh tái cấu trúc kinh tế theo hướng dịch vụ - đô thị, giảm dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp truyền thống. Việc khai thác quỹ đất quanh đường Vành đai 4 không dừng lại ở bài toán tài chính trước mắt mà cần đặt trong tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững cho cộng đồng cư dân và môi trường sống.

Đối với những khu vực đất nông nghiệp gần tuyến đường Vành đai 4, chúng tôi kiến nghị thành phố cần có cơ chế linh hoạt, cho phép người dân chuyển đổi mô hình canh tác sang nông nghiệp công nghệ cao hoặc kết hợp phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp gắn với bảo vệ cảnh quan và hệ sinh thái, giúp người dân tăng thu nhập, giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Mê Linh mong thành phố tiếp tục hoàn thiện khung chính sách sử dụng quỹ đất dọc đường Vành đai 4, khuyến khích các nhà đầu tư đủ năng lực tham gia các dự án để Mê Linh trở thành điểm sáng của Hà Nội về phát triển kinh tế...

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa: Cơ hội để nông dân phát triển kinh tế tại chỗ

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô mở ra trục giao thông chiến lược, góp phần định hình không gian phát triển mới cho Hà Nội, tạo quỹ đất rộng lớn với tiềm năng kinh tế rất lớn. Vì vậy, Hà Nội cần quy hoạch bài bản, cân đối giữa mục tiêu mở rộng đô thị, phát triển kinh tế và bảo đảm quyền lợi, sinh kế của người dân địa phương.

Việc thành phố xác định quy hoạch 40 phân khu đô thị dọc tuyến đường Vành đai 4 là chiến lược rõ ràng, có tầm nhìn, song vẫn cần dành “đất” cho nông nghiệp, cụ thể là nông nghiệp đô thị. Đây sẽ là vùng bổ trợ quan trọng cho khu vực lõi đô thị, giữ gìn cảnh quan sinh thái, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch, rau, quả hữu cơ, hoa, cây cảnh, dịch vụ cảnh quan, du lịch nông nghiệp. Vành đai 4 không chỉ là tuyến giao thông mà còn là cơ hội để nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất, tiếp cận thị trường, phát triển kinh tế tại chỗ...

Ông Ngô Doãn Liêm, phường Đồng Mai, quận Hà Đông:Sử dụng quỹ đất sao cho đồng bộ, hiệu quả

Việc mở tuyến đường Vành đai 4 giúp giao thông thuận tiện, mang lại cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh khai thác quỹ đất để tăng nguồn thu cho ngân sách, điều mà người dân nhường đất mong muốn là quá trình quy hoạch, sử dụng quỹ đất sao cho đồng bộ, hiệu quả, có tầm nhìn lâu dài.

Quỹ đất hai bên tuyến đường sau khi hoàn thành chắc chắn sẽ có giá trị gia tăng mạnh mẽ. Vì vậy, thay vì tập trung vào việc đấu giá, thu hồi, cần chú trọng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn kết chặt chẽ với khu dân cư hiện hữu, tạo không gian đô thị thống nhất, văn minh, tránh tình trạng rời rạc, thiếu kết nối...

Chúng tôi mong thành phố Hà Nội sớm rà soát, giải quyết dứt điểm những dự án đô thị dở dang, chậm tiến độ từ nhiều năm quanh khu vực đường Vành đai 4; đồng thời, chúng tôi cũng tin tưởng, quỹ đất quanh đường Vành đai 4 sẽ nâng cao giá trị sống, giúp người dân địa phương hưởng lợi công bằng...

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quy-dat-quanh-tuyen-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-lam-the-nao-de-su-dung-hieu-qua-700738.html
Zalo