Quốc hội ủng hộ đột phá quy trình làm luật

Đảm bảo số lượng, thời gian rút ngắn tối đa, song vẫn nâng cao chất lượng, những đề xuất mới mang tính đột phá khi sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ được nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ.

Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Duy Linh

Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Duy Linh

Cơ quan trình luật phải chịu trách nhiệm đến cùng

Sáng 12/2, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra trong phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Trước đó, phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Dự thảo Luật được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện, với những thay đổi lớn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

“Một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; Chính phủ và các cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật do cơ quan mình trình”, ông Mẫn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất 7 vấn đề mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật, trong đó có quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết trong một kỳ họp Quốc hội (thay vì hai kỳ họp như hiện tại).

Theo đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cơ quan trình dự án có trách nhiệm tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục có ý kiến phản biện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở dự thảo đã được tiếp thu, hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua nếu đủ điều kiện. Trường hợp dự thảo chưa được thông qua và Quốc hội quyết định cho lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại, thì cơ quan trình dự án tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục có ý kiến phản biện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và báo cáo Quốc hội quyết định việc thông qua.

Theo Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật), quy định như vậy đã thể hiện được trách nhiệm đến cùng của cơ quan trình dự án; trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc xem xét, cho ý kiến, chỉ đạo công tác tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản; cũng như trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội có ý kiến, phản biện đến cùng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với dự thảo luật, nghị quyết.

Nêu ý kiến khi thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội nói, trước đây, cơ quan trình luật làm 50-60%, rồi đưa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên các ủy ban của Quốc hội hết sức vất vả.

“Có luật, Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội ngồi 7-8 cuộc, như Luật Đất đai 2024. Việc này, nhiều lần tôi đã nhắc nhở trong các cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật. Không thể giao cho thứ trưởng, vụ trưởng, mà bộ trưởng, trưởng ngành không sâu, không biết. Cái này Thủ tướng cũng chỉ đạo như thế”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa bày tỏ: “Khi tiếp cận tờ trình của Chính phủ thì cảm nhận dự thảo là cuộc cách mạng cho công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm. Định hướng xây dựng luật này hoàn toàn đúng với thực tiễn hiện nay, để vừa đảm bảo số lượng, thời gian rút ngắn tối đa, song vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng”.

Bà Hoa cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, một văn bản quy phạm pháp luật từ khởi thảo đến thông qua rút ngắn thời gian từ 22 tháng xuống còn 10 tháng nếu đủ các bước và thậm chí theo quy trình rút gọn chỉ còn 2 tháng. “Thay đổi này đáp ứng yêu cầu thực tiễn diễn biến nhanh, mạnh”, bà Hoa nhận xét.

Đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị quán triệt tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, giao thẩm quyền nhiều hơn cho HĐND cấp tỉnh.

“Cần giao thêm thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh; mở rộng năng lực xây dựng chính sách cho chính quyền địa phương. Đây là việc hoàn toàn khả thi đối với những địa phương như Hà Nội, TP.HCM”, ông Mãi nêu quan điểm.

Cho rằng, Trung ương không nên “ôm” quyền, đặc biệt là trong việc ban hành những văn bản nhằm tháo gỡ kip thời những vướng mắc phát sinh thường xuyên trong thực tế, Chủ tịch UBND TP.HCM phân tích, ngay cả kinh phí xây dựng pháp luật của địa phương, vốn không lớn, cũng được quy định là vừa thực hiện theo cơ chế khoán sản phẩm, vừa theo Luật Đầu tư công, dẫn đến nhiều khó khăn, chậm trễ.

Cần không gian sáng tạo, phân cấp, phân quyền nhiều hơn

Tham gia thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh quan điểm phải tạo dư địa và không gian sáng tạo để các chủ thể liên quan có thể sáng tạo trong điều hành và giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.

Nhấn mạnh yêu cầu phải “đúng vai, thuộc bài”, Thủ tướng cho rằng, cần phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, vì càng rõ thì càng dễ đánh giá và xác định trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. Theo người đứng đầu Chính phủ, đó là những nguyên tắc rất cơ bản.

Bày tỏ sự ủng hộ quan điểm, một cơ quan có thể làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao một cơ quan, Thủ tướng cho rằng, rạch ròi như vậy để rõ trách nhiệm. Đó cũng là một đổi mới quan trọng trong giai đoạn này.

Dẫn chứng, Thủ tướng nhắc lại giai đoạn đại dịch Covid-19, Chính phủ phải ban hành nghị quyết để đưa ra chính sách giãn cách xã hội, ai ở đâu ở đó, vì “chết người thì không thể không làm”, mà Chính phủ là cơ quan hành pháp, nên phải quyết định.

Hay như trong siêu bão Yagi năm vừa qua, việc có phá đập Thác Bà hay không, có di dân hay không, phải có người quyết định. Từ thực tế đó, Thủ tướng cho rằng, với những vấn đề biến động, cần trao quyền cho cơ quan hành pháp.

“Như tôi phải đứng trước quyết định có phá đập Thác Bà hay không, rất mong manh. Thẩm quyền này giao Thủ tướng cũng không phù hợp. Người quản lý đê điều là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phá đập hay không thì giao cho Bộ trưởng, chứ giao Thủ tướng, tưởng quyền là to, nhưng thực tiễn là không phù hợp”, Thủ tướng nói.

Nêu thực tế cuộc sống diễn ra rất nhanh, luật không thể dự báo được, Thủ tướng góp ý, luật pháp cần quy định khung mang tính nguyên tắc, để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện chính sách hiệu quả, miễn là không tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Về quy trình, Thủ tướng cho rằng, “phải nhanh”. Tiết kiệm thời gian, phát huy trí tuệ và hành động quyết đoán, theo Thủ tướng, là ba yếu tố quyết định thành công trong công việc.

“Thời gian rất quan trọng, lãng phí thời gian đã được nhiều đại biểu phân tích. Phải phát huy trí tuệ, nhất là trí tuệ cá nhân, tập thể. Cá nhân phải phục tùng tập thể. Để xử lý vấn đề cá biệt, cấp bách thì phải là trách nhiệm cá nhân, chứ lúc đó mang ra bàn thì như người dân nói đùa, cái gì không muốn làm thì mang ra bàn, để có anh nào nói không làm thì thôi. Tức là, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhưng cần có cơ chế bảo vệ những người đó”, Thủ tướng nói.

Theo nghị trình, sáng 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Thảo luận điều chỉnh chỉ tiêu GDP

Theo nghị trình, từ 16 giờ hôm nay (14/2), Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên.

Thảo luận cùng khung giờ này còn có chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM.

Buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Đầu giờ chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quoc-hoi-ung-ho-dot-pha-quy-trinh-lam-luat-d246164.html
Zalo