Quốc hội tranh luận việc thành lập tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ

Có đại biểu tán thành chủ trương lập tòa chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ nhằm phù hợp với xu thế phát triển, tuy nhiên cũng có đại biểu đề nghị cân nhắc vì 'chưa cần thiết'.

Ngày 19-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.

Một trong những nội dung đáng chú ý, điểm a khoản 1 Điều 60 dự thảo quy định “thành lập các tòa chuyên trách gồm tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực. Ủy ban Thường vụ QH quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ”.

 Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: LÂM HIỂN

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: LÂM HIỂN

“Không hợp lý” hay “rất phù hợp”

Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) tán thành chủ trương thành lập các tòa chuyên trách, bởi điều này phù hợp với xu hướng phân hóa và chuyên môn hóa hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng dự thảo luật đang thiếu tiêu chí lựa chọn địa bàn và điều kiện thành lập tòa chuyên trách. Chẳng hạn, khu vực nào cần thành lập tòa sở hữu trí tuệ, tòa phá sản; bao nhiêu vụ việc/năm mới đủ điều kiện thành lập; nguồn nhân lực chuyên môn lấy từ đâu?...

Theo ĐB Bình, điều này có thể dẫn đến nguy cơ dàn trải, thiếu trọng điểm nếu mở rộng quá nhiều tòa chuyên trách nhưng không tập trung đủ vụ án hoặc thiếu thẩm phán có chuyên môn sâu sẽ gây kém hiệu quả, tăng chi phí vận hành.

Từ phân tích trên, ĐBQH tỉnh Trà Vinh kiến nghị bổ sung quy định việc thành lập tòa chuyên trách như tòa sở hữu trí tuệ, tòa phá sản tại các TAND khu vực được căn cứ vào bốn điều kiện. Cụ thể, số lượng trung bình các vụ án thuộc lĩnh vực tương ứng phát sinh trong ba năm liên tiếp trên địa bàn; căn cứ nhu cầu thực tiễn và tính chất phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; đội ngũ thẩm phán có trình độ chuyên môn phù hợp; năng lực hạ tầng, cơ sở vật chất và nguồn hỗ trợ khác.

Ngoài ra, ông Bình cũng kiến nghị giao Chánh án TAND Tối cao ban hành thông tư hướng dẫn tiêu chí cụ thể cho mỗi loại tòa chuyên trách, quy trình đề xuất và đánh giá hiệu quả hoạt động của các tòa này sau khi được thành lập.

 ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: LÂM HIỂN

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: LÂM HIỂN

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lại cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc thành lập tòa phá sản và tòa sở hữu trí tuệ ở cấp khu vực, vì thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy số lượng vụ án trong hai lĩnh vực này là không lớn, thậm chí tại nhiều tỉnh, TP hầu như không phát sinh loại án này trong cả năm.

Do vậy, nữ ĐB đánh giá quy định này “không hợp lý”, kéo theo việc bổ nhiệm thêm các chức danh lãnh đạo trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này trong bối cảnh hiện nay còn thấp. Thay vì thế, bà Nga cho rằng có thể bố trí thẩm phán chuyên trách trong các tòa kinh tế hoặc tòa dân sự đảm nhiệm các vụ việc về phá sản hoặc sở hữu trí tuệ sẽ phù hợp với thực tế hiện nay hơn.

Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất để TAND tỉnh xét xử các loại án trên. Còn ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng quy định như dự thảo “rất phù hợp, không có gì phải băn khoăn”. “Chắc sắp tới, TAND Tối cao sẽ tham mưu cho Ủy ban Thường vụ QH thành lập một số khu vực nào có nhiều yêu cầu về phá sản, sở hữu trí tuệ” - ông Tô Văn Tám nói.

Giải trình về nội dung này, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí nhìn nhận hiện nay vấn đề giải quyết án phá sản và sở hữu trí tuệ “chưa phải quá lớn, quá nhiều”. Tuy nhiên, theo xu hướng cũng như yêu cầu về phát triển và hội nhập, phá sản là một nhu cầu của doanh nghiệp. “Khi bỏ tiền đầu tư, người ta cũng cần phải kết thúc nếu hoạt động không hiệu quả” - ông Lê Minh Trí nói.

Tương tự, sở hữu trí tuệ đã trở thành tài sản, các nước phát triển càng quan tâm hơn đến tài sản vô hình này. “Doanh nghiệp và kể cả quan chức các nước có nhu cầu đầu tư lớn ở Việt Nam đều quan tâm đến tòa án về sở hữu trí tuệ cũng như phá sản. Họ tới làm việc là hỏi về hai tòa này” - Chánh án Lê Minh Trí nói và cho biết TAND Tối cao sẽ tiếp tục đào tạo đội ngũ thẩm phán chuyên theo lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu của đất nước.

 Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: LÂM HIỂN

Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: LÂM HIỂN

Dù miễn thuế 100% cũng không nhà đầu tư nào dám để lại 1 USD, nếu...

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của QH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dành trọn thời gian phát biểu để nêu ý kiến về việc thành lập tòa án chuyên biệt ở Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế.

Theo bà Thủy, ngày 6-5 vừa qua, Bộ Chính trị đã kết luận một số nội dung của TTTC quốc tế, trong đó giao TAND Tối cao nghiên cứu thành lập tòa chuyên biệt ở TTTC quốc tế (dự kiến tổ chức tại TP.HCM và Đà Nẵng). Đáng chú ý, Bộ Chính trị cho phép áp dụng các nguyên tắc của hệ thống thông luật Common Law (hệ thống pháp luật dựa trên các án lệ, tức là các phán quyết của tòa án trong các vụ án cụ thể) trong giải quyết các tranh chấp tại trung tâm này.

Dẫn ý kiến các chuyên gia, bà Thủy cho rằng sự thành công của một TTTC quốc tế là yếu tố then chốt trong tạo niềm tin của các nhà đầu tư. “Nếu thiếu một hệ thống pháp luật và thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy thì chắc chắn không có một nhà đầu tư nào dám để lại 1 USD cho dù có cam kết miễn thuế 100% hoặc cơ sở hạ tầng có hiện đại đến mấy đi nữa” - bà Thủy nói.

Nữ ĐB tỉnh Bắc Kạn khẳng định hầu hết mô hình TTTC quốc tế trên thế giới thành công đều hoạt động dựa trên việc áp dụng hệ thống thông luật Common Law. “Đây là hệ thống pháp luật dựa trên án lệ, rất uyển chuyển, linh hoạt nhưng cũng rất ổn định, đặc biệt là tính minh bạch rất cao” - bà Thủy nói và dẫn chứng TTTC quốc tế tại Dubai.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của QH Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: LÂM HIỂN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của QH Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: LÂM HIỂN

Theo đó, trung tâm này cho phép áp dụng hệ thống thông luật để giải quyết các tranh chấp tại trung tâm này và trung tâm có các quy tắc giải quyết tranh chấp riêng, có tòa án riêng và tách bạch hoàn toàn với hệ thống luật Hồi giáo…

“Đây là một trong những yếu tố then chốt khiến cho Trung tâm Dubai trở thành TTTC quốc tế số 1 ở Trung Đông, hiện thu hút hàng ngàn doanh nghiệp tài chính, ngân hàng đa quốc gia…” - theo bà Thủy.

Hay TTTC quốc tế tại Kazakhstan, tất cả tranh chấp được áp dụng hệ thống thông luật để giải quyết, có tòa án riêng, tất cả văn bản được ban hành trong tòa án này đều bằng tiếng Anh, thậm chí còn mời thẩm phán người Anh sang làm việc.

Bà Thủy nhấn mạnh nguồn nhân lực giải quyết tranh chấp tại TTTC quốc tế đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực rất cao, được đào tạo và thực hành theo đúng chuẩn mực quốc tế. Điều này nhằm bảo đảm có đủ năng lực để giải quyết, ra phán quyết một cách chính xác, nhanh chóng đối với các tranh chấp giữa các nhà đầu tư quốc tế với nhau, giữa nhà đầu tư quốc tế với cơ quan quản lý nhà nước.

Từ phân tích trên, ĐB Thủy kiến nghị bổ sung vào dự luật bốn nội dung, trong đó đề nghị bổ sung thêm tòa chuyên biệt thuộc TTTC quốc tế, bên cạnh TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực.

Bà Thủy cũng kiến nghị bổ sung Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có thêm nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc của hệ thống thông luật làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp tại TTTC quốc tế…

Theo Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí, cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo, giao Đảng ủy TAND Tối cao nghiên cứu, khẩn trương xây dựng đề án liên quan đến việc thành lập tòa án chuyên biệt ở TTTC quốc tế.

“Đây là yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, là vấn đề lớn và rất mới đối với chúng ta” - ông Lê Minh Trí nói và cho hay TAND Tối cao sẽ tiếp thu, thể hiện trong dự thảo luật theo hướng quy định nguyên tắc trong Luật Tổ chức TAND, giao Ủy ban Thường vụ QH quyết định thành lập để quy định phạm vi, thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND chuyên biệt.

“Chúng tôi sẽ suy nghĩ và tính toán kế hoạch đào tạo cán bộ thẩm phán có năng lực, có trình độ, đáp ứng yêu cầu giải quyết các tranh chấp này…” - ông Lê Minh Trí nói thêm.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-hoi-tranh-luan-viec-thanh-lap-toa-pha-san-toa-so-huu-tri-tue-post850590.html
Zalo