Kinh tế tuần hoàn, đảm bảo thu nhập và môi trường
Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến... góp phần xây dựng tỉnh phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Nhà máy chế biến phân bón của Công ty cổ phần Phân bón Sông Lam Tây Bắc.
Xác định rõ mục tiêu, lộ trình
Toàn tỉnh hiện có 85.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra. Trong đó, có 2.200 ha áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; hơn 4.750 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và tương đương; 8 vùng trồng trọt được công nhận ứng dụng công nghệ cao.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La “phát triển xanh, nhanh, bền vững”. Theo đó, định hướng tập trung phát triển trên 3 trụ cột: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến và năng lượng sạch, du lịch... góp phần xanh hóa các ngành kinh tế.
Cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận và đề án trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, du lịch. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; và Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Dây chuyền chế biến phân bón Bioway AT - 6H của Công ty cổ phần Phân bón Sông Lam Tây Bắc.
Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, ứng dụng công nghệ số, phát triển hạ tầng bền vững, tận dụng lợi thế cạnh tranh, đồng thời giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Nhiều mô hình nông nghiệp xanh, tuần hoàn được phát triển và nhân rộng, như: VAC (vườn - ao - chuồng); VACB (vườn - ao - chuồng - biogas); VACR (vườn - ao - chuồng - rừng); sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp để bón cây trồng; tận dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón, nuôi trùn quế hoặc bể biogas cung cấp nhiên liệu sinh học cho các hộ gia đình.
Những doanh nghiệp tiên phong
Nhà máy chế biến đường của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La có công suất chế biến 5.000 tấn mía cây/ngày và khoảng 600.000 tấn mía/vụ, thải ra hàng chục nghìn tấn bã mía và bã bùn mía mỗi năm. Công ty sử dụng công nghệ sinh học biến phế thải, rác thải thành nguyên liệu đầu vào trong sản xuất.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nhân dân ủ rơm làm thức ăn dự trữ cho gia súc.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, cho biết: Bã mía thải ra được Công ty dùng làm nhiên liệu đốt phát điện, giúp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, Công ty cũng đã đầu tư phân xưởng sản xuất phân vi sinh từ 5.000 - 6.000 tấn phân bùn ủ men, cùng với 3.000 - 4.000 tấn tro của lò dùng bón cho vùng nguyên liệu mía. Quy trình sản xuất khép kín, tuần hoàn giúp Công ty giảm chi phí tối đa và bảo vệ môi trường.
Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, bã sắn và chất thải chăn nuôi, Công ty CP Phân bón Sông Lam Tây Bắc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng, giúp phát triển nông nghiệp an toàn và bền vững. Tháng 9/2022, Công ty trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tiếp nhận công nghệ Bioway AT-6H từ Công ty Bioway Organic VN để sản xuất phân bón.

Hướng dẫn nhân dân xã Chiềng Cọ, Thành phố ủ phân chuồng bằng phụ phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Phân bón Sông Lam Tây Bắc, cho biết: Với công nghệ lên men vi sinh Bioway AT-6H, mỗi năm, nhà máy xử lý 70.000-80.000 tấn rác thải, phế phụ phẩm từ các cơ sở chế biến nông sản, như: vỏ cà phê, bã sắn, bùn bã mía đường và phụ phẩm chăn nuôi, để sản xuất 45.000 tấn phân bón hữu cơ. Đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, Công ty đã ký hợp đồng thu mua toàn bộ phế phụ phẩm từ các đơn vị sơ chế, chế biến nông sản, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc.
Còn tại Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, thực hiện quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín, toàn bộ thân, lá của cây ngô sinh khối làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sản xuất thức ăn cho bò sữa; sử dụng phế, phụ phẩm chăn nuôi làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ.
Ông Phạm Hải Nam, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty coi việc xử lý môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền với sự phát triển, phối hợp với Viện Nghiên cứu môi trường nông nghiệp áp dụng công nghệ sinh học để xử lý chất thải. Hiện nay, 100% số hộ chăn nuôi đã có hệ thống xử lý, trong đó 36 hộ và Trung tâm giống sử dụng công nghệ ép tách để chế biến phân thành sản phẩm thương mại, tăng thu nhập, với mức đầu tư gần 1 tỷ đồng mỗi hộ.

Chế biến ngô sinh khối tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đang tận dụng phế, phụ phẩm từ trồng trọt làm nhiên liệu phục vụ sản xuất điện, sấy nông sản, làm than sinh học và lấy tro làm nguyên liệu sản xuất phân bón. Các mô hình này giúp giảm rác thải, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ở Sơn La bước đầu phát triển, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhận thức về các mô hình kinh tế này trong xã hội, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân, vẫn chưa rõ ràng, cần được tuyên truyền và nghiên cứu thêm. Đồng thời, việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án xanh còn hạn chế do chi phí chuyển đổi cao và chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.

Xây dựng bể biogas xử lý chất thải chăn nuôi.
Ngày 14/4/2025, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND để thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 tại Sơn La. Mục tiêu đến năm 2030 là giảm khai thác tài nguyên không tái tạo, quản lý hợp lý nguồn nước, đặc biệt là nước sạch dưới đất, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tiết kiệm năng lượng... 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động và truyền số liệu trực tiếp theo quy định. Tất cả cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đều được xử lý đạt 100%, không phát sinh cơ sở mới gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 98% ở đô thị và 90% ở nông thôn. Tỷ lệ xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp đạt trên 70% trước khi xả vào các lưu vực sông, suối.
Để đạt mục tiêu, tỉnh Sơn La tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn cho cán bộ, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, ứng dụng công nghệ mới, để phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm ô nhiễm, bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học... hướng tới phát triển xanh, bền vững và xây dựng Sơn La trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Bắc.