Thị trường toàn cầu vẫn bấp bênh
Thị trường toàn cầu giảm điểm khi giới đầu tư thận trọng trước các số liệu kinh tế mới của Trung Quốc và việc Moody's hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ
Thị trường chứng khoán châu Á, châu Âu và các hợp đồng tương lai Mỹ hôm 19-5 đồng loạt giảm điểm sau khi Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's (Mỹ) hạ bậc tín dụng quốc gia của Mỹ do không kiểm soát được nợ công ngày càng tăng.
Thị trường phản ứng tiêu cực trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi Moody's hôm 16-5 hạ một bậc điểm tín dụng quốc gia Mỹ từ mức cao nhất Aaa về mức Aa1. Lý do mà Moody's đưa ra là gánh nặng tài khóa gia tăng do thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ và chi phí ngày càng lớn của việc đảo nợ trong bối cảnh lãi suất cao.
Việc hạ bậc xếp hạng có thể gây áp lực lên giá trái phiếu và làm tăng lợi suất trái phiếu giữa lúc nền kinh tế Mỹ chịu căng thẳng từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Theo hãng tin AP, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt khoảng 4,52%, tăng từ mức 4,44% hôm 16-5. Ông Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Công ty Tư vấn tài chính Bleakley Financial Group (Mỹ), cho rằng nhu cầu mua trái phiếu Mỹ của nước ngoài đang giảm trong khi số nợ công lớn cần được tái cấp vốn liên tục.

Bảng điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm điểm tại một công ty chứng khoán ở thủ đô Tokyo hôm 19-5 Ảnh: AP
Trong khi đó, theo đài CNBC, dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 19-5 cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã chậm lại vào tháng 4, cho thấy tiêu dùng vẫn là mối lo ngại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Doanh số bán lẻ vào tháng 4 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức ước tính 5,5% và thấp hơn mức tăng tháng trước đó là 5,9%. Sản lượng công nghiệp trong tháng 4 tăng 6,1% so với cùng kỳ, vượt mức kỳ vọng 5,5% của các nhà phân tích nhưng chậm lại so với mức tăng 7,7% trong tháng 3. Điều này cho thấy ảnh hưởng của thuế quan Mỹ với Trung Quốc không nặng nề như dự đoán.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Tianchen Xu tại Công ty Nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (Anh) lập luận khả năng phục hồi trong tháng 4 một phần là nhờ kết quả của việc chi tiêu mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc. Lo ngại tác động của thuế quan, Bắc Kinh hồi đầu tháng này đã công bố các biện pháp kích thích, bao gồm cắt giảm lãi suất và bơm một lượng thanh khoản lớn.
Tuy nhiên, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cảnh báo môi trường bên ngoài vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn. Theo hãng tin AP, ông Julian Evans-Pritchard của Công ty Tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) nhận định sau khi có sự cải thiện vào tháng 3, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ đã chậm lại vào tháng trước, khi các công ty và hộ gia đình trở nên thận trọng hơn do chiến tranh thương mại.
Mặt khác, theo đài CNBC, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tăng cao hơn dự kiến vào tháng 4, khi lượng hàng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á tăng vọt giúp bù đắp cho lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ vốn giảm mạnh.
Trong tháng 4, lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ đã giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc Fu Linghui cho rằng việc cắt giảm thuế quan chung giữa hai nước gần đây sẽ có lợi cho thương mại của cả hai bên.
Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng lên quanh mức 3.241 USD/ounce hôm 19-5 do 2 yếu tố là đồng USD yếu đi và Moody's hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ.