Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo
Sáng 06/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Quang cảnh phiên họp.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, dự thảo đã được rút gọn còn 9 chương, 46 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8), thể hiện tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, đảm bảo tính ổn định, phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo sau chỉnh lý. Nhiều ý kiến đóng góp tập trung vào các chính sách đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo là người dân tộc thiểu số; chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo khi làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách cử tuyển để phát triển đội ngũ nhà giáo là người dân tộc thiểu số; chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhà giáo là người dân tộc thiểu số để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo gắn bó lâu dài với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với quy định về phương thức tuyển dụng nhà giáo, có ý kiến cho rằng quy định bắt buộc “phải có thực hành sư phạm” là chưa hợp lý, yêu cầu này gây khó khăn cho các đơn vị tuyển dụng trong bối cảnh số lượng ứng viên đông và không cần thiết vì sinh viên sư phạm đã được thực tập sư phạm trong chương trình đào tạo. Do đó, đề xuất nên linh hoạt lựa chọn hình thức tuyển dụng theo quy định tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Liên quan đến việc thuyên chuyển, điều động nhà giáo, có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong phối hợp với người đứng đầu cơ sở giáo dục, tránh tình trạng cục bộ trong tuyển dụng và điều chuyển, đồng thời kiến nghị bổ sung cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục công lập tự chủ, liên kết quốc tế trong tuyển dụng nhà giáo.
Phản ánh thực tế tình trạng các thầy, cô “cắm bản”, đại biểu tán thành với quy định “nhà giáo có thời gian công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên tính từ thời điểm được tuyển dụng, được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển”. Tuy nhiên, đối với quy định “nơi đến đồng ý tiếp nhận” như dự thảo Luật sẽ là rào cản đối với giáo viên công tác lâu năm ở vùng khó khăn có nguyện vọng chuyển công tác về gần gia đình. Nếu giao cho hiệu trưởng phê duyệt tiếp nhận hay không tiếp nhận thì các thầy, cô công tác ở miền núi sẽ không thể thuyên chuyển được. Do đó, cần giao cơ quan quản lý giáo dục địa phương được điều động, luân chuyển chỗ thiếu, chỗ thừa để thầy cô “cắm bản” được về gần nhà, có điều kiện chăm lo cho gia đình.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trực tiếp giải trình và tiếp thu nhiều nội dung đại biểu nêu, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe để tiếp tục hoàn thiện dự luật.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu. Bà nhấn mạnh, Luật Nhà giáo sẽ là một bước đột phá góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới giáo dục - đào tạo.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu và giải trình thấu đáo, đầy đủ các ý kiến của các ĐBQH, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật vào chiều 11/6 theo chương trình của Kỳ họp./.