Đa số đại biểu tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục
Các đại biểu cho rằng, ngành giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng.

Sáng ngày 6/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh: quochoi.vn
Tham gia góp ý dự án Luật Nhà giáo tại phiên thảo luận sáng ngày 6/5, đa số đại biểu tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục.
Lý giải điều này, các đại biểu cho rằng, ngành giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.
Hiện, Dự thảo luật đang giao thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Phân tích quy định này, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội Kon Tum) cho rằng, chỉ nên giao cho cơ quan quản lý giáo dục được chủ trì tuyển dụng, bởi các cơ quan này có chuyên môn sâu về giáo dục và nắm rõ yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để có thể đánh giá đúng chất lượng của đối tượng dự tuyển.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum. Ảnh: quochoi.vn
Đồng tình với đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa) phân tích thêm lý do nên giao thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục, không nên giao cho cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, công lập do khả năng tổ chức của các nhà trường để tuyển dụng nhà giáo là khó khăn, hơn nữa sẽ khó khăn trong tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển giáo viên giữa các trường khi thừa, thiếu giáo viên.
Song, để đảm bảo chặt chẽ về tiêu chuẩn tuyển dụng, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội Lào Cai) đề nghị cần có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, thiếu đồng bộ, làm phát sinh bất cập trong chất lượng đội ngũ giáo viên.
"Đề nghị Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng nhà giáo, xác lập cơ chế thanh, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện quyền tự chủ tuyển dụng. Quy định rõ trách nhiệm giải trình người đứng đầu cơ sở giáo dục, cơ sở quản lý, cấp trên khi xảy ra sai phạm. Có chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm minh với các hành vi vi phạm trong tuyển dụng, đặc biệt là lạm quyền, tuyển dụng không công khai, minh bạch", Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn Lào Cai. Ảnh: quochoi.vn
Nêu thực tế trong tình hình hiện nay đang bỏ cấp huyện, như vậy không còn Phòng Giáo dục, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp) đặt câu hỏi, không còn Phòng Giáo dục thì cơ quan quản lý giáo dục của địa phương là tổ chức nào?
"Cơ quan quản lý giáo dục thực hiện nhiệm vụ tuyển dụng giáo viên hay là Ủy ban nhân dân cấp xã tuyển dụng giáo viên. Vì sắp tới đây chúng ta sẽ giao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã tuyển dụng công chức, viên chức, còn đối giáo viên thì sao, trong thiết kế này chưa nghĩ tới chuyện nhập xã nhập tỉnh", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế.
Đồng thời kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét kỹ vấn đề này để thiết kế chính sách bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.
Nguồn: Tổng hợp: Quochoi.vn