Tình biển, tình người Trường Sa (kỳ cuối)
Kỳ cuối: 'Neo đậu' tình quân dân trên đảo
Làm nhiệm vụ trong điều kiện đặc thù nơi đầu sóng ngọn gió, những cán bộ, quân và dân ở quần đảo Trường Sa luôn có sự gắn bó mật thiết, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Cách trở với đất liền, giữa biển khơi mênh mông, Trường Sa là nơi “neo đậu” của nghĩa tình quân dân.

Đảo Đá Tây B (quần đảo Trường Sa) là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Những ngày ở Trường Sa, tôi cảm nhận được cái nghĩa, cái tình qua ánh mắt, nụ cười của cán bộ, quân và dân nơi này.
Cứu nhiều ngư dân gặp nạn
Chúng tôi đến Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đúng lúc các bác sĩ trên đảo hoàn thành ca phẫu thuật cứu giúp ngư dân Nguyễn Sang, quê ở TX Hoài Nhơn (Bình Định), thoát cơn nguy kịch do viêm ruột thừa. Ngư dân Nguyễn Sang cho hay, trong lúc tàu của ông đang đánh bắt cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 30 hải lý thì ông bị viêm ruột thừa, các thành viên trên tàu đưa ông đến Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa để được cứu chữa, hiện sức khỏe ông đã ổn định. “Tôi trân trọng cảm ơn các bác sĩ, chiến sĩ đã tận tình cứu chữa, điều trị. Đó cũng là động lực để về sau chúng tôi tiếp tục vươn khơi bám biển trên ngư trường quần đảo Trường Sa”, ông Sang nói.
Bác sĩ Hồ Sĩ Ngọc cho hay: Trong năm 2024, Trung tâm Y tế thị trấn đã chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị cho gần 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, người dân; cấp cứu 98 ca, tiến hành phẫu thuật 168 ca bệnh… Cụ thể, cuối năm 2024, trong quá trình khai thác hải sản trên vùng biển cách đảo Trường Sa 32 hải lý về phía Nam, ngư dân Trần Hoài Sang (37 tuổi, trú TP Tuy Hòa) cảm thấy mệt, ho, khó thở, tự dùng thuốc không đỡ. Anh Sang được tàu cá PY90036TS đưa vào Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt siêu vi, nổi ban, dị ứng toàn thân và tiến hành các biện pháp cấp cứu… Về sau, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Bác sĩ trên đảo vừa hoàn thành ca phẫu thuật cứu giúp ngư dân Nguyễn Sang, quê ở TX Hoài Nhơn (Bình Định) thoát cơn nguy kịch do viêm ruột thừa. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Các đảo thị trấn Trường Sa, Đá Tây A, Đá Tây B, Đá Đông B (quần đảo Trường Sa) từ lâu đã là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân Việt Nam đánh bắt trên ngư trường quần đảo Trường Sa. Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Khi đang làm Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông B, tôi phát hiện một tàu cá bị mắc cạn cách đảo khoảng 2 hải lý. Ngay lập tức, sau khi báo cáo cấp trên, tôi cùng một chiến sĩ trực tiếp dùng xuồng máy chạy ra, tiếp cận tàu gặp nạn và cứu được 10 ngư dân vào đảo an toàn. Chủ tàu là ông Đặng Nhu cùng các ngư dân gặp nạn quê ở Phú Yên. “Tôi đã trực tiếp tìm cách liên hệ với tàu cá khác để đưa các ngư dân vào bờ. Sau đó, tôi vận động đơn vị, hỗ trợ cho ông Nhu phần nào tài sản thiệt hại. Nhờ ân tình sâu nặng với những người lính biển, ông Nhu trở lại vươn khơi bám biển quê hương”, trung tá Cấn Ngọc Sơn nói.
Trong hải trình công tác đi qua các đảo, điểm đảo, chúng tôi gặp các tàu ngư dân Phú Yên đang đánh bắt, tránh, trú trong lòng hồ (rạn san hô ngăn sóng) đảo Đá Tây A, Đá Tây C, Đá Đông B. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện Phú Yên có 6.146 tàu cá với 29.000 lao động thường xuyên đánh bắt hải sản, trong đó số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ là 518 phương tiện, chủ yếu hoạt động câu cá ngừ đại dương tại khu vực biển quần đảo Trường Sa và vùng biển phía Đông Nam biển Đông.

Lớp học ở đảo Đá Tây A. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Lớp học đặc biệt
Trường tiểu học thị trấn Trường Sa núp mình dưới những hàng cây tra, bàng vuông, tạo nhiều bóng mát cho các em nhỏ vui chơi sau giờ học. Chúng tôi nhìn ngôi trường giữa ngàn trùng sóng gió có tiếng ríu rít của trẻ thơ, sau một hồi hỏi thăm xa gần, thầy Cao Văn Truyền cho biết lớp mẫu giáo của thầy gộp chung ba lớp mầm, chồi, lá. Cùng lúc thầy phải dạy ba lứa tuổi khác nhau nên công việc giảng dạy rất đặc thù. “Quê tôi ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Tôi viết đơn xung phong ra đảo dạy học, quyết tâm thực hiện nguyện vọng của mình, cống hiến cho Trường Sa thân yêu”, thầy Truyền nói.
Cấp tiểu học của Trường tiểu học thị trấn Trường Sa là một lớp học duy nhất rất đặc biệt. Thầy Lê Xuân Hạnh, giáo viên trường này cho hay: Lớp ghép 5 trình độ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Trên bảng, những nội dung học từng lớp được ngăn cách bởi vạch phấn kẻ dọc; còn phòng học ngăn ra bởi các dãy bàn ghế ngồi theo lớp.
Đoàn công tác ghi nhận những nỗ lực của các nhà báo đã vượt qua sự khắc nghiệt của sóng gió trong suốt hải trình đến với Trường Sa để tìm hiểu, ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực trong công tác, học tập, sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo và các điểm đóng quân, qua đó lan tỏa tình yêu biển đảo. Thời gian đến, Khánh Hòa cùng cả nước tiếp tục xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh, giàu đẹp, xứng đáng với vị thế tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
Thượng tá Mai Quang Tiên, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân)
Trong hải trình từ đảo thị trấn Trường Sa đến đảo Đá Tây A, chúng tôi ấn tượng với những ngôi trường vô cùng đặc biệt. Tại Trường tiểu học đảo Đá Tây A, sau khi kết thúc buổi học bằng bài hát về biển đảo quê hương, thầy Ưng Văn Tuấn tham gia các hoạt động trang trí không gian xuân để các em học sinh, phụ huynh thấy không khí tết quê nhà gần gũi nơi đảo xa.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến có con học ở Trường tiểu học đảo Đá Tây A, chia sẻ: Điều kiện học tập của con em các hộ dân trên đảo luôn được bảo đảm. Hằng ngày, các con được học tập, vui chơi đầy đủ. Các con rất yêu trường, mến bạn, yêu quý cán bộ, chiến sĩ đang ngày ngày canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Chia tay quần đảo Trường Sa, chúng tôi xốn xang lắng nghe lời hô của quân và dân chào đoàn công tác về đất liền: “Trường Sa vì Tổ quốc”. Mọi người đứng trên boong tàu, đồng thanh hô đáp lại: “Tổ quốc vì Trường Sa”, “Cả nước vì Trường Sa”. Nói lời tạm biệt Trường Sa, đồng thời chúng tôi cũng nói lời chúc tốt đẹp nhất tới những người lính hải quân đang ngày đêm canh gác, bảo vệ đảo giữa trùng khơi.