Quanh chuyện nhà sàn và bếp lửa của người Êđê ở Phú Yên
Từ những chuyến đi tác nghiệp ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên), tôi có dịp tìm hiểu nhiều nét đẹp truyền thống văn hóa của người Êđê. Trong đó có những câu chuyện thú vị về nhà sàn và bếp lửa chỉ còn lại trong ký ức của một số già làng.
Nhà văn Y Điêng là người Êđê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để bước tới văn học viết, người Êđê đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Êđê - Việt và cũng là người Êđê đầu tiên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Gia tài văn học của ông có hàng chục tập truyện ngắn, truyện dài, trường ca mang đậm hơi thở của đại ngàn và cuộc sống ở những buôn làng. Sắp đến trăm tuổi và từng bị tai biến nặng nên mấy năm qua ông nằm nhà ở buôn Dành, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh.
Thế nhưng, chuyện về nhà sàn và bếp lửa của người Êđê mà nhà văn Y Điêng đã kể trong những cuộc tiếp xúc trước đây vẫn đọng mãi trong tôi.

Nhà sàn của người Êđê ở huyện Sông Hinh.
Trước kia, người Êđê tín ngưỡng đa thần, mọi vật trên trời, dưới đất, không gian và trong đời sống của họ đều có thần linh, như thần nước (Yang Ea), thần núi (Yang Chứ), thần gió (Yang Angin), thần mưa (Yang Oi Yut), thần rừng (Yang Dliê), thần mặt trăng (Yang Mlan), thần mặt trời (Yang H’roi)... Vì thế, trong căn nhà sàn và bếp lửa của họ cũng có thần linh. Họ gọi nhà sàn là “San dôk”, có kết cấu khung bằng gỗ, vách nhà, sàn nhà cũng làm bằng gỗ hoặc tre nứa chẻ đôi, đập giập tạo thành mặt phẳng, mái lợp cỏ tranh. Tất cả đều được lắp ghép và có thể tháo rời từng phần, di dời từ nơi này sang nơi khác để dựng lại nhanh gọn.
Những vùng đất trù phú gần sông, suối có nhiều cá, rừng nhiều thú, đất màu mỡ, đồng nhiều cỏ... là nơi người Êđê xưa kia lập buôn làng. Theo một công trình nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, nhà sàn người Êđê Mdhur ở Phú Yên có chiều dài ngắn hơn nhà người Êđê Adham, Ktul, Kpă ở Đắk Lắk, nhưng dài hơn nhà người Êđê Kdrao ở Khánh Hòa.
Thập niên 80 thế kỷ trước, nhà sàn người Êđê Mdhur ở Phú Yên có chiều rộng 4-5m, chiều dài 30-40m; cá biệt, có căn nhà dài 50-60m. Phía trước và sau căn nhà đều có sàn hiên (Adring gah) được nâng đỡ bởi 2 cột gỗ to nhô lên khỏi mặt sàn được gọi là cột hiên (Kmeh adring), trên sàn hiên có chiếc ghế (Kpan adring) để gia chủ ngồi hóng mát. Kế đó là cột phơi chỉ (Kgưng mrai) có chạm khắc hình hoa chuối, phía sau là 2 cột gỗ phụ (Kmeh knul) có chạm khắc hình nồi đồng hoặc cặp ngà voi, trái bầu khô. Từ sân đất lên sàn hiên có cầu thang bản gỗ được cưa cắt, đẽo gọt nhiều bậc, phía trên cùng có chạm khắc bầu vú phụ nữ cùng vầng trăng lưỡi liềm hoặc ngôi sao.

Cầu thang bản gỗ nhà sàn thời xưa của người Êđê.
Tại những gia đình giàu có, uy thế, đều lắp 3 cầu thang bản gỗ kết nối sàn hiên trước và 2 cầu thang gỗ kết nối sàn hiên sau. Trong 3 cầu thang phía trước có cầu thang lớn nhất đặt ở giữa là lối đi của chủ nhà, cầu thang bên phải dành cho khách, cầu thang bên trái dành cho đàn ông trong gia đình, 2 cầu thang phía sau dành cho phụ nữ.
Bước qua cửa nhà sàn là gian khách có bếp lửa khách (Kpur gah) đặt ở phía Đông, lúc nào cũng đỏ lửa để khách ngồi tựa lưng vào cột khách (Kmeh knang) hay ngồi trên 3 chiếc ghế khách (Sưn gah) để hút thuốc, uống nước. Phía sau bếp khách là bếp chủ (Kpur tuk chil) chỉ đỏ lửa để nấu nướng khi có nghi lễ, trên phên vách ở bếp khách có giắt khiên, đao, nỏ... Ở đó có cột chủ (Kmeh pô san) dành cho chủ nhà ngồi dựa, cột chủ của những gia đình giàu có được chạm trổ hình cái trống (Ireo gơr), cặp ngà voi (Mla man), đôi bầu sữa (Ksau), nồi đồng (Gọ bung)...
Cạnh cột chủ có ghế chủ (Sưn pô san) với 4 chân cong kiểu dáng ngà voi, chỉ có chủ nhà mới được nằm, ngồi trên ghế này. Sát vách nhà ở phía Đông, tính từ cột khách đến cột chủ là nơi đặt các ché rượu. Phía sau cột chủ là phòng khách nữ (Gah mninê) dành để tiếp khách nữ. Sát vách ở phía Tây là nơi đặt chiếc ghế dành cho người ngồi đánh chiêng (Gah kpan) khi gia chủ cúng lễ, kế đến là cột chiêng (Kmeh knah), liền kề phía sau là cột trống (Kmeh hgơr). Trên cây xà gỗ nối cột trống với cột chủ cũng được chạm khắc hình con rùa, kỳ đà, trăng, sao, ngà voi... Không gian phía trên ngôi nhà, từ cột khách đến cột chủ có tấm phên tre (Chur san) dùng để đặt những tấm sạp mừng thọ (Knưt) hoặc những cây lồ ô để cột ché rượu.

Người Êđê ở huyện Sơn Hòa tổ chức lễ nghi theo phong tục bên trong nhà sàn.
Sau phòng khách nữ là nơi ở của những người trong nhà. Phía bên phải, tính từ trước ra sau, ngăn đầu tiên là nơi sinh hoạt của con gái chưa chồng, các ngăn liền kề dành cho những cặp vợ chồng hoặc con trai chưa vợ, kế đến là ngăn con gái út (Adu hong) - người cai quản tài sản gia đình, chăm sóc cha mẹ lúc già yếu và thay thế mẹ làm chủ ngôi nhà sau này; ngăn cuối cùng dành cho vợ chồng chủ nhà. Phía bên trái có một bếp chung dành để nấu ăn cho cả gia đình, ở góc bếp xếp đặt nhiều quả bầu khô, nồi, niêu... Bên trên những vật dụng đó là tấm phên tre đặt chén, bát, tô, đĩa, thìa, đũa và dây treo những chùm bắp giống, túi hạt giống cây trồng, da bò, thịt hong khói... Không gian ở giữa nhà sàn là nơi gia đình quây quần bên những bữa cơm, phía trên là tấm phên tre để xếp cần rượu, nhạc khí, khung dệt thổ cẩm, nông cụ...
Sàn hiên phía sau được người Êđê gọi là (Adring oôk), cũng có mái che (Khjet oôk) và 2 ghế nhỏ. Đây là nơi người phụ nữ đứng giã gạo, xếp đặt cối, chày làm bằng gỗ; sàng, mẹt, thúng, nia đan từ tre nứa cùng những quả bầu khô chứa nước.
Không gian bên dưới sàn là nơi xếp củi khô dự trữ cho bếp lửa trong mùa mưa, thả nuôi gia súc, gia cầm và cũng có một góc dành cho phụ nữ ngồi dệt thổ cẩm trong những buổi chiều.
Sinh thời, ông Ka Sô Liễng - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Yên từng kể về những căn nhà của người Êđê trong sử thi Chi Lơ Kơt do ông biên soạn với nhiều câu chữ giàu hình ảnh: “Nhà của Chi Lơ Kơt nằm giữa buôn, dài một trăm sải tay/ Bên phải hai mươi bốn cột, bên trái hai mươi bốn cột/ To bằng ba người ôm... Cửa sổ trên khắc hình ngà voi/ Cửa sổ dưới khắc sừng trâu rừng...”.
Già làng Ma Nhuôm, ở xã Ea Trol, huyện Sông Hinh nhớ lại: “Thời xưa, để có căn nhà sàn mới, người Êđê phải tổ chức nhiều nghi lễ: xin rời nơi ở cũ, xin chọn nơi ở mới, xin đốn gỗ làm nhà, tạ ơn sơn thần, dựng nhà mới, cúng cột nhà, đặt bếp lửa, nhập nhà mới... Khi xin chọn nơi ở mới phải có lễ vật 3 tảng đá nhỏ, 4 hoặc 7 hạt lúa gói trong lá cây chôn giữa thửa đất, sau đó đổ rượu hòa với huyết gà lên trên rồi đặt một nông cụ như cuốc, liềm ở kế bên trước khi khấn vái; xin đốn gỗ làm nhà, cúng cột nhà hay đặt bếp lửa thì phải có lễ vật là ché rượu, gà tơ hay con heo thiến... Ngoài những lễ vật nêu trên, người Êđê còn dâng cúng thần linh trầu cau, thuốc lá, ống điếu, vải thổ cẩm, cơm trắng...

Bí thư Huyện ủy Sông Hinh (bên phải) trò chuyện với phóng viên về những đổi mới trong đời sống văn hóa ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo già làng Ma H’ Lin, ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, trong căn nhà sàn, người Êđê luôn coi bếp lửa là vị thần linh may mắn, xua đuổi cái xấu, đón lấy bình yên, lành mạnh cho gia đình. Ngọn lửa trong bếp cũng biết vui, biết buồn. Đêm Giao thừa mỗi năm, từng gia đình ở các buôn làng đều thổi bùng ngọn lửa trong bếp để đón mừng Tết đến, bếp đỏ lửa mang lại niềm tin và hy vọng một năm mới bình yên, hạnh phúc, mùa vụ ngô, lúa, sắn, khoai bội thu; trâu, bò, heo gà mập mĩm.
Ông Nay Y Blung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh chia sẻ, vùng đất này không chỉ là nơi người Êđê sinh sống lâu đời nhất và đông đảo nhất ở Phú Yên, mà còn lưu giữ rất nhiều phong tục, tín ngưỡng, tập quán, bản sắc văn hóa độc đáo. Đặc biệt, trong các nghi lễ, có “lễ cúng trưởng thành của người Êđê ở Phú Yên” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018.

Già làng Ma Thoan (ngồi giữa), xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa trò chuyện với khách bên dưới nhà sàn.
Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, những phong tục không còn phù hợp, gây lãng phí thời gian, công sức và vật chất của đồng bào thì kiên quyết xóa bỏ để tập trung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Sau 1 năm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện Chỉ thị số 21-CT/HU ngày 9/1/2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Hinh, đến nay rất nhiều hoạt động trong ma chay, cưới hỏi, trả nợ miệng, thách cưới, cúng giải trừ ốm đau, kiêng cữ chết xấu, tảo hôn đã được người dân đồng thuận xóa bỏ hoặc rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí. Nhiều lễ cúng thần linh, trong đó có những nghi lễ liên quan đến nhà sàn và bếp lửa chỉ là câu chuyện thời xưa, nhà sàn của người Êđê bây giờ xây dựng đơn giản hơn, trong nhà cũng không còn nhiều bếp lửa như trước, người dân luôn nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, góp phần đổi mới và phát triển diện mạo kinh tế - xã hội ở địa phương.

Một nhà rông văn hóa ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh lấy từ mẫu nhà sàn truyền thống của người Êđê kết hợp cách tân.
Đi qua những buôn làng đồng bào miền núi Phú Yên giữa không gian trong trẻo ngọt lành buổi sáng tinh khôi, nhìn những ngôi nhà sàn đã được cách tân mái ngói, cầu thang... đang ẩn mình dưới tán cây xanh mướt mát, tôi cảm nhận nhiều nét đẹp truyền thống của người Êđê vẫn được bảo tồn, nhưng những nghi lễ mang màu sắc mê tín dị đoan đã được xóa bỏ, nhường chỗ cho luồng gió mới trong đời sống văn hóa mang đến sinh khí mới cho những buôn làng vươn lên mục tiêu giàu đẹp, văn minh...