Khám phá vùng đất biên cương Cao Bằng trong áng ca dao đượm tình sâu nặng

Cao Bằng là nơi đất trời gửi gắm những nét đẹp nguyên sơ, nơi mỗi ngọn núi, dòng sông đều kể chuyện về tình người, về lịch sử và bản sắc văn hóa đậm sâu...

 Mảnh đất biên cương Cao Bằng là khúc ca lịch sử, nơi thiên nhiên hùng vĩ hòa quyện cùng linh hồn văn hóa đậm đà bản sắc

Mảnh đất biên cương Cao Bằng là khúc ca lịch sử, nơi thiên nhiên hùng vĩ hòa quyện cùng linh hồn văn hóa đậm đà bản sắc

"Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng." Từ bao đời nay, bài ca dao ấy vẫn lắng đọng trong lòng người Việt như một lời tiễn biệt đầy cảm xúc, gói trọn cả nỗi niềm yêu thương, chia ly và hy vọng. Câu chữ mộc mạc ấy không chỉ nói về thân phận người phụ nữ, mà còn khơi dậy một địa danh gợi nhiều xúc cảm. Cao Bằng là vùng đất địa đầu Tổ quốc, nơi chan chứa tình người và hùng vĩ vẻ đẹp non sông.

VÙNG ĐẤT LỊCH SỬ VÀ THIÊNG LIÊNG

Cao Bằng nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, là vùng đất biên cương giáp Trung Quốc với tổng diện tích gần 6.700 km², dân số chủ yếu là các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, H’Mông... Chính sự đa dạng văn hóa này đã tạo nên một bức tranh xã hội độc đáo, giàu bản sắc, đầy cuốn hút đối với du khách gần xa.

Nằm ở độ cao trung bình trên 200 mét so với mực nước biển, Cao Bằng mang khí hậu mát mẻ quanh năm, đặc biệt lý tưởng để nghỉ dưỡng, tránh cái oi nồng của mùa hè miền xuôi.

 Vẻ đẹp hữu tình của vùng đất biên cương Cao Bằng

Vẻ đẹp hữu tình của vùng đất biên cương Cao Bằng

Không chỉ nổi bật bởi cảnh sắc núi non trùng điệp và những bản làng ẩn hiện giữa đại ngàn, Cao Bằng còn là cái nôi cách mạng, gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu kháng chiến trở tại Pác Bó. Đó là nơi Người “sáng ra bờ suối, tối vào hang”, dịch sử Đảng, viết tài liệu tuyên truyền, gieo mầm độc lập cho đất nước.

Từ nét cổ kính của những di tích cách mạng, cho đến tiếng thác đổ vang vọng giữa rừng già, Cao Bằng luôn khiến trái tim người lữ khách thổn thức khi đặt chân tới.

Bên cạnh đó, Cao Bằng còn là một phần trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng, một trong những công viên địa chất đẹp và rộng lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á, với diện tích hơn 3.000 km². Tại đây, du khách có thể chứng kiến các di sản địa chất có niên đại hàng trăm triệu năm, từ các hang động đá vôi kỳ vĩ đến hóa thạch sinh vật cổ, dấu tích núi lửa và những tầng địa chất độc đáo.

NHỮNG ĐIỂM ĐẾN LÀM NÊN LINH HỒN CAO BẰNG

Đặt chân đến Cao Bằng, du khách không chỉ được đắm mình trong bầu không khí trong lành giữa đại ngàn, mà còn có cơ hội khám phá những tuyệt tác mà thiên nhiên và lịch sử ban tặng. Mỗi địa danh nơi đây như một chương sách sống động, kể lại câu chuyện về đất, về người, về hành trình của thời gian. Từ những kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ đến những chứng tích lịch sử lắng đọng, hành trình "trẩy hội non nước Cao Bằng" sẽ đưa du khách đi qua những địa danh không thể bỏ lỡ.

 Thác Bản Giốc được mệnh danh là viên ngọc quý giữa biên cương Cao Bằng, chảy cuồn cuộn như dải lụa trắng vắt ngang núi rừng, vang vọng khúc ca thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng

Thác Bản Giốc được mệnh danh là viên ngọc quý giữa biên cương Cao Bằng, chảy cuồn cuộn như dải lụa trắng vắt ngang núi rừng, vang vọng khúc ca thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng

Nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, thác Bản Giốc được xem là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam. Đây cũng là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ tư thế giới trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia. Thác có độ cao hơn 60 mét, trong đó đoạn dốc dài nhất khoảng 30 mét, tung bọt trắng xóa như dải lụa bạc vắt qua những tầng đá phủ rêu phong tạo nên một khung cảnh hùng vĩ trải.

Giữa không gian rộng lớn, tiếng nước rì rầm như khúc hát ngàn đời của núi rừng, khiến du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thị giác, mà còn thấy lòng mình lắng lại, như được gột rửa sau bao ồn ào phố thị.

Động Ngườm Ngao nằm sâu trong lòng một quả núi thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách thác Bản Giốc khoảng 5 km. Được phát hiện từ năm 1921, động bắt đầu đón khách du lịch từ năm 1996 và chính thức được công nhận là danh thắng cấp quốc gia vào năm 1998. Cái tên độc đáo “Ngườm Ngao” mang theo một truyền thuyết thú vị. Trong tiếng Tày, “Ngườm Ngao” có nghĩa là “Hang hổ”. Tương truyền xưa kia, nơi đây từng là nơi trú ngụ của nhiều con hổ dữ thường xuyên xuống các bản làng bắt gia súc. Người dân đã giăng bẫy để bắt hết số hổ này, từ đó cuộc sống được yên bình trở lại, và họ đặt tên hang là Ngườm Ngao. Một truyền thuyết khác lại cho rằng, tiếng gầm dữ dội nghe thấy trong hang thực chất là âm thanh của dòng suối chảy vang vọng, tạo cảm giác như tiếng hổ gầm.

 Động Ngườm Ngao mê hoặc lòng người bằng vẻ đẹp huyền bí của những nhũ đá lung linh, ánh sáng huyền ảo tựa chốn tiên cảnh giữa núi rừng Cao Bằng

Động Ngườm Ngao mê hoặc lòng người bằng vẻ đẹp huyền bí của những nhũ đá lung linh, ánh sáng huyền ảo tựa chốn tiên cảnh giữa núi rừng Cao Bằng

Ngườm Ngao là một tuyệt tác thiên nhiên kỳ vĩ mà đất trời ban tặng cho Cao Bằng. Hang động có tổng chiều dài lên tới 2.144 mét. Theo các nhà khoa học, hang được hình thành từ khoảng 400 triệu năm trước do quá trình kiến tạo của đá vôi. Không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp huyền bí, Ngườm Ngao còn có khí hậu mát mẻ vào mùa hè và ấm áp khi đông về. Với hệ thống nhũ đá đa dạng, tạo hình kỳ ảo và màu sắc lung linh, động như một mê cung huyền ảo mở ra cánh cửa vào lòng đất mẹ.

Quần thể khu di tích lịch sử Pác Bó tọa lạc tại xã Trường Hà, tỉnh Cao Bằng. Theo tiếng Tày – Nùng, “Pác Bó” có nghĩa là “đầu nguồn”, thể hiện đúng đặc điểm địa lý của nơi đây. Đây là địa danh gắn liền với dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cách mạng Việt Nam, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa đầu tiên sau khi trở về Tổ quốc năm 1941 để lãnh đạo phong trào cách mạng. Pác Bó trở thành điểm tựa quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

 Đến với Suối Lê Nin, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, mà còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử cách mạng, về cuộc sống giản dị nhưng đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng kháng chiến

Đến với Suối Lê Nin, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, mà còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử cách mạng, về cuộc sống giản dị nhưng đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng kháng chiến

Trải qua bao biến cố lịch sử, khu di tích Pác Bó vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn những dấu tích gắn liền với cuộc sống, hoạt động của Bác Hồ và phong trào cách mạng. Bao quanh khu di tích là khung cảnh núi non hùng vĩ, những thác nước mát lành, những rặng tre xanh rì trải dài, tạo nên một bức tranh thiên nhiên thanh bình nhưng thiêng liêng. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan mà còn có thể ghé thăm nhiều địa danh lịch sử nổi bật như suối Lê Nin, núi Các Mác, hang Pác Bó, đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Pác Bó cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thi ca do chính Bác Hồ sáng tác trong thời gian sống và làm việc tại đây. Một trong số đó là những bài thơ ngắn gọn mà sâu sắc, thể hiện tinh thần lạc quan và sự hòa quyện giữa tâm hồn người chiến sĩ với vẻ đẹp hùng tráng của non sông đất nước.

Đến với Cao Bằng, thật là đáng tiếc nếu du khách không ghé thăm Khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén. Trong đó nổi bật với đỉnh Phia Oắc, với độ cao 1.931 mét, được ví như “nóc nhà của Cao Bằng”. Về mặt địa chất, khu vực này là sự pha trộn độc đáo giữa các loại đá lục nguyên, đá vôi và đá xâm nhập granit, tạo nên khung cảnh đa dạng với những dãy núi đất xen lẫn núi đá. Từ thời Pháp thuộc, Phia Oắc – Phia Đén đã được người Pháp lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng, hiện nay vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của các biệt thự, nhà nghỉ từng thuộc về các công chức Pháp.

Ngoài ra, vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén không chỉ nổi bật bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ mà còn được biết đến với giá trị đa dạng sinh học phong phú. Đây là nơi sinh sống của nhiều hệ sinh thái và loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài được ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam như: cây nghiến, bách vàng, hoàng liên chân gà, bảy lá một hoa; các loài động vật như vượn cao vít, khỉ mặt đỏ, rắn hổ chúa… Đặc biệt, những khu rừng nguyên sinh nơi đây, với hệ sinh thái rừng lùn đặc trưng, vẫn giữ được vẻ hoang sơ vốn có.

 Hoàng hôn trên đỉnh Phia Oắc như một bức tranh thủy mặc, nhuộm vàng cả không gian, khiến lòng người lắng lại trong tĩnh lặng

Hoàng hôn trên đỉnh Phia Oắc như một bức tranh thủy mặc, nhuộm vàng cả không gian, khiến lòng người lắng lại trong tĩnh lặng

Khi tham quan tuyến du lịch này, du khách còn có cơ hội khám phá nhiều điểm đến hấp dẫn như di sản hóa thạch tại xã Lang Môn, di tích đồn Phai Khắt, làng dệt thổ cẩm in sáp ong của dân tộc Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, đồi chè Kolia, trang trại cá hồi...

CHẠM VÀO HỒN ĐẤT VÀ NGƯỜI BẰNG TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA

Cao Bằng không chỉ có cảnh đẹp, mà còn là nơi lưu giữ nền văn hóa phong phú của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, H’Mông... Từ trang phục thổ cẩm rực rỡ, những làn điệu then, sli, lượn đến phong tục tập quán đặc sắc. Tất cả hòa quyện tạo nên bức tranh văn hóa sống động.

 Chợ phiên không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là không gian văn hóa đặc sắc, nơi các dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao gặp gỡ, giao lưu

Chợ phiên không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là không gian văn hóa đặc sắc, nơi các dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao gặp gỡ, giao lưu

Hãy thử một lần hòa mình vào phiên chợ vùng cao, nơi người dân bản đem theo gùi đựng đầy nông sản, trò chuyện ríu rít bằng tiếng dân tộc. Cũng đừng bỏ lỡ dịp tham gia lễ hội Lồng Tồng, lễ xuống đồng đầu năm, nơi cầu mùa, cầu an và mừng năm mới theo tín ngưỡng nông nghiệp của người Tày.

Đặc biệt, ẩm thực Cao Bằng còn là một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá vùng đất này. Giống như con người nơi đây với vẻ mộc mạc, chân thành nhưng sâu lắng, mỗi món ăn đều mang theo một câu chuyện, một hương vị đặc trưng khó lẫn.

Bánh cuốn trứng nóng hổi ăn kèm nước hầm xương đậm đà để lại dư vị khó quên ngay từ lần đầu thưởng thức, mở đầu cho hành trình khám phá ẩm thực đầy thú vị nơi đây. Tiếp nối là phở chua Cao Bằng, một món ăn gây ấn tượng với vị chua thanh nhẹ, bánh phồng giòn tan, thịt xá xíu mềm thơm và lạc rang bùi béo, tất cả hòa quyện tạo nên một tổng thể hài hòa, hấp dẫn. Và thật không thể không nhắc đến những đặc sản đậm chất vùng cao như lạp sườn gác bếp, khẩu sli hay rượu men lá...Tất cả đều là kết tinh từ thiên nhiên và bàn tay khéo léo của đồng bào, góp phần tô đậm thêm bản sắc ẩm thực độc đáo của Cao Bằng.

 Bánh cuốn Cao Bằng là món ăn giản dị nhưng đậm đà hương vị vùng cao, nổi bật với lớp bánh mỏng mềm, nóng hổi được cuộn cùng nhân thịt thơm ngon, ăn kèm nước dùng đậm đà từ xương hầm

Bánh cuốn Cao Bằng là món ăn giản dị nhưng đậm đà hương vị vùng cao, nổi bật với lớp bánh mỏng mềm, nóng hổi được cuộn cùng nhân thịt thơm ngon, ăn kèm nước dùng đậm đà từ xương hầm

Có thể thấy rằng, bài ca dao xưa vang lên như một lời gửi gắm. "Anh đi trẩy nước non Cao Bằng" không đơn thuần là đi xa, mà là đến với một vùng đất thiêng liêng, nơi gắn với lý tưởng, với khát vọng tự do. Hình ảnh người phụ nữ ở lại “nuôi cái cùng con” cho thấy sự hy sinh thầm lặng, để người đàn ông vững tâm lên đường.

Ngày nay, du khách đến với Cao Bằng không cần phải “gánh gạo đưa chồng”, cũng không còn chiến tranh gian khổ. Nhưng mỗi người đều có thể mang theo tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn và khát khao khám phá để hành trình ấy thêm phần ý nghĩa.

Yên Đan

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/kham-pha-vung-dat-bien-cuong-cao-bang-trong-ang-ca-dao-duom-tinh-sau-nang-post560192.html
Zalo