Quảng Ngãi: Suy giảm diện tích trồng chuối ngự 'tiến vua'

Chuối ngự 'tiến vua' từng mang về nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân vùng chuyên canh ở xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), nhưng đến nay chỉ còn những mảnh vườn rải rác vì chuối ngự bị bệnh, chết liên tục.

Chuối ngự nhiễm bệnh, chết hàng loạt

Xã Hành Tín Đông nổi tiếng là vùng trồng chuối ngự lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, hầu như 100% hộ dân đều trồng chuối ngự, nhà nào cũng có từ 1 đến 2 sào, có người đến 1ha.

Chuối ngự thích nghi tốt với đất phù sa ven sông Vệ lại được ưa chuộng trên thị trường. Hằng năm, nguồn thu nhập từ chuối ngự đến hàng trăm triệu đồng mỗi hecta giúp cải thiện đời sống người dân. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, “thủ phủ” chuối ngự hơn 25 ha chỉ còn hơn 5 ha nằm rải rác, không còn vùng chuyên canh lớn như trước kia.

Chuối ngự héo vàng lá từ dưới lên, nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Chuối ngự héo vàng lá từ dưới lên, nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Trương Tín (xã Hành Tín Đông) cho biết: “Tôi trồng 4 sào chuối ngự, tất cả đều bị bệnh chết, cây mẹ lây cây con, tôi buộc phải phá bỏ, chỉ cố gắng giữ lại vài cây con khỏe mạnh để làm giống”.

Tương tự, ông Tô Văn Tĩnh (xã Hành Tín Đông) có 1 ha diện tích trồng chuối ngự, đến nay, chuối vàng lá, nhiễm bệnh, vườn xơ xác.

Chuối ngự bị bệnh, cây mẹ lây cây con. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Chuối ngự bị bệnh, cây mẹ lây cây con. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Vì cây chuối ngự nhiễm bệnh, chết liên tục, nhiều hộ dân không bám trụ được, đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như bắp, đậu…

Khôi phục vùng trồng chuối ngự

Ông Lê Quang Nhu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết: “Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành, Phòng NN-PTNT huyện cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi đã lấy mẫu, kiểm tra và xác định cây chuối ngự chết do nhiễm nấm, bệnh này chưa có thuốc đặc trị để xử lý”.

Theo ông Lê Quang Nhu, do người dân trồng cây chuối ngự trên cùng mảnh đất trong thời gian liên tục, không có khâu xử lý đất nên tạo ra môi trường cho nấm phát triển, dẫn đến tỷ lệ cây chuối ngự nhiễm bệnh, chết cao.

Trồng chuối trên cùng một vùng đất liên tục nhiều năm dẫn đến sinh sôi bệnh nấm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trồng chuối trên cùng một vùng đất liên tục nhiều năm dẫn đến sinh sôi bệnh nấm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết: “Trước mắt, ở những vùng cây chuối ngự bị bệnh, chết nên cho đất nghỉ một thời gian hoặc cải tạo đất, trồng các loại cây khác để phục hồi lại đất”.

Dấu hiệu của bệnh: lá chuối héo vàng từ dưới lên, cây chuối kiệt sức, dần héo rụi, không thể giữ được gốc cho vụ sau.

Sản phẩm chuối ngự của xã Hành Tín Đông nằm trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, nâng cao về chất lượng, đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn. Trước việc suy giảm vùng trồng chuối do bệnh nấm, chính quyền địa phương hết sức lo lắng.

Sản phẩm chuối ngự của xã Hành Tín Đông được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Sản phẩm chuối ngự của xã Hành Tín Đông được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Trịnh Bê, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cho biết: “Trước tình trạng vùng chuối bị suy giảm do bệnh nấm, địa phương đang cố gắng giữ lại những vườn trong dân vẫn còn trồng được chuối. Đối với diện tích chuối ngự bị bệnh thì chọn lọc, duy trì lại những cây còn khả năng phát triển, có thể chuối không được đẹp như các năm nhưng không thể để địa phương không còn chuối ngự”.

Theo ông Trịnh Bê, các vùng đất trồng chuối đã bị bệnh thì chuyển sang các cây trồng khác để tái tạo đất, dùng thuốc, phân bón xử lý đất. Còn các vùng trước kia không trồng chuối thì nay chuyển sang trồng chuối để duy trì vùng trồng.

Chuối ngự từ nuôi cấy mô đang phát triển tốt. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Chuối ngự từ nuôi cấy mô đang phát triển tốt. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Để có nguồn giống mới đảm bảo khôi phục vùng trồng chuối ngự, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã đưa giống nuôi cấy mô về với diện tích dự kiến trồng thí điểm 2 ha. Hiện người dân đang chăm sóc cây giống, ban đầu cho thấy giống chuối ngự từ nuôi cấy mô phát triển tốt, thích nghi các điều kiện khí hậu miền Trung, dự kiến đến cuối tháng 7 này, người dân sẽ chuyển cây giống ra trồng trên đất được quy hoạch vùng trồng chuối ngự mới của xã Hành Tín Đông.

Bà Lâm Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Tín Đông cho biết: Trước kia, mỗi nhà vườn đều có 2-3 thương lái đến mua 2 lần vào Rằm và Mùng 1 hằng tháng. Họ đưa chuối ngự đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Địa phương cũng hỗ trợ người dân các kênh đầu ra sản phẩm, quảng bá trên Facebook, Zalo, sàn giao dịch điện tử bưu điện. Ngoài ra, có nhiều cơ sở bán sản phẩm nông sản, siêu thị cũng đặt vấn đề cung cấp chuối hằng ngày.

Từ đó, người dân bán chuối rất nhanh. Với 1 sào chuối ngự, mỗi buồng chuối có 5-7 nải, giá từ 15.000 - 25.000 đồng/nải, mỗi tháng bán 2 lần, nông dân trồng chuối có thể thu từ 700.000 đến 2 triệu đồng/sào, đối với những vườn chuyên canh, có thể thu về 100 - 150 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, sau khi chuối bị bệnh thì không còn cảnh tấp nập nữa, vườn chuối xơ xác, đìu hiu.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-ngai-suy-giam-dien-tich-trong-chuoi-ngu-tien-vua-post693115.html
Zalo