Khu chợ gần 100 năm tuổi ở Sài Gòn: Xưa chỉ có người Hoa, nay sầm uất bậc nhất

Khu chợ sở hữu gần 2.400 gian hàng, bày bán trên 30 mặt hàng khác nhau dựa theo từng khu.

Chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) có lịch sử lâu đời, gắn liền với nhiều thăng trầm của mảnh đất Sài Gòn xưa. Theo đó ở những năm 1776, vùng đất Sài Gòn (vùng Chợ Lớn ngày nay) là nơi định cư của người Hoa ở Cù Lao Phố (Biên Hòa ngày nay) sau khi chạy lánh nạn do sự kiện lịch sử giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn.

Theo phong tục tập quán, người Hoa thường lập chợ khi đến nơi định cư mới nhằm có chỗ để trao đổi hàng hóa. Do đó Chợ Lớn ra đời, trở thành điểm giao thương phát triển nhất Sài thành bấy giờ, thu hút nhiều người từ địa phương khác tới mua bán và làm ăn.

Vì thế, Chợ Lớn không còn đủ sức chứa số lượng lớn tiểu thương và khách hàng. Chính quyền đành lên kế hoạch xây dựng lại chợ nhưng chưa tìm được địa điểm phù hợp.

Chợ Bình Tây nổi tiếng Sài Gòn.

Chợ Bình Tây nổi tiếng Sài Gòn.

Khi hay tin, Quách Đàm - một thương nhân người Triều Châu (Trung Quốc) sang Việt Nam buôn bán đã mua một mảnh đất sình lầy ở thôn Bình Tây. Sau đó ông cải tạo đất và san lấp, xây dựng chợ mới tên Bình Tây tặng cho nhà nước với mục đích ban đầu là để phục vụ cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn.

Chợ khánh thành khoảng năm 1928, có sự tham dự của Thống đốc Nam kỳ Blanchard de Brosse. Lúc này ông Quách Đàm đã mất, tượng ông được dựng giữa chợ khoảng năm 1930.

Ngôi chợ có kết cấu bê tông cốt thép, dùng kỹ thuật xây dựng hiện đại, kiến trúc kiểu Trung Hoa. Tường sơn vàng, mái lợp ngói âm dương, bông gió được tạo hình tinh tế. Tháp chính nổi cao, mặt trước là phù điêu "lưỡng long chầu châu" khảm sành tinh xảo. Cổng chính chợ đối diện Bến xe Chợ Lớn, thuận tiện giao thương.

Năm 1992, chợ được sửa chữa, trùng tu. Đến năm 2006, chợ mở rộng thêm 2 dãy (phía đường Lê Tấn Kế và Trần Bình). Năm 2015, chợ Bình Tây được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Chợ Bình Tây khánh thành năm 1928, trải qua nhiều lần tu sửa.

Chợ Bình Tây khánh thành năm 1928, trải qua nhiều lần tu sửa.

Khi đến chợ Bình Tây, du khách sẽ bị thu hút bởi tòa tháp chính cao vút nổi bật giữa khu chợ. Xung quanh là bốn mặt đồng hồ được thiết kế đồng bộ, tạo nên điểm nhấn kiến trúc đầy đặc sắc.

Chính giữa chợ là một khoảng sân thoáng mát, nơi đặt bức tượng của Quách Đàm. Bức tượng ban đầu hiện đã chuyển về Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và được thay thế bằng một bức tượng bán thân do các tiểu thương quyên góp dựng lên. Xung quanh khuôn viên là hồ sen nuôi cá và nhiều ghế đá dành cho du khách nghỉ chân và chụp ảnh.

Chợ Bình Tây sở hữu gần 2.400 gian hàng, bày bán trên 30 mặt hàng khác nhau dựa theo từng khu: Khu tầng trệt kinh doanh mặt hàng chén đĩa, đồ gốm sứ, nhang đèn, đinh kẽm, nón lá, gia vị khô, tranh ảnh, túi xách, giày dép, trang sức... Khu tầng lầu bày bán đồ tạp hóa, bánh kẹo, quần áo may sẵn...

Chợ được chia thành nhiều khu.

Chợ được chia thành nhiều khu.

Khu vực Trần Bình dành cho các khách hàng có nhu cầu mua các loại gia vị tổng hợp, trà, cà phê, hay hải sản tươi ngon, hoa quả, trái cây... Khu vực Lê Tấn Kế kinh doanh chủ yếu là đồ khô dầu mỡ, hải sản khô, trầu cau, rau củ, gia vị... Cuối cùng là khu vực Phan Văn Khỏe bày bán nhiều loại thực phẩm tươi ngon như thịt bò, cá biển, cá đồng, tôm, cua, ếch...

Được biết, chợ Bình Tây là khu chợ sỉ lớn nhất Sài thành nên tấp nập người mua kẻ bán từ 2h sáng đến 22h đêm. Du khách ghé đây có thể thỏa sức mua sắm và thương thức ẩm thực mang đậm hương vị truyền thống Trung Hoa nhưng được điều chỉnh sao cho hợp khẩu vị người Việt cùng mức giá phải chăng.

Khai Tâm

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/an-choi-kham-pha/khu-cho-100-nam-o-sai-gon-xua-chi-co-nguoi-hoa-nay-sam-uat-bac-nhat-202411251231474872.html
Zalo