Đưa làng anh hùng Núp thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Làng Stơr - nơi người anh hùng Đinh Núp sinh ra và lớn lên - đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhờ dấu ấn lịch sử, văn hóa độc đáo.

Làng Stơr, thuộc xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, nổi tiếng với lịch sử kháng chiến hào hùng và văn hóa đặc sắc của người Ba Na.

Làng anh hùng

Nhắc tới làng Stơr, nhiều người sẽ biết ngay đây là ngôi làng kháng chiến, quê hương của anh hùng Đinh Núp (hay còn gọi là anh hùng Núp), người đã lãnh đạo nhân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, người anh hùng Núp đã phát động và tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Theo tài liệu từ bảo tàng tỉnh Gia Lai, từ năm 1931, nhân dân làng Stơr và các làng lân cận đã nổi dậy, dùng tên nỏ giết 10 tên địch, mở đầu cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Đến tháng 5-1941, khi biết tin địch cho lính càn vào làng Stơr, anh hùng Núp đã quyết định ở lại chiến đấu. Những mũi tên của người con dân tộc Ba Na đã giết chết tên quan Pháp giúp người dân vững tin vào khả năng đánh thực dân Pháp bằng vũ khí thô sơ.

Làng Stơr anh hùng được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia

Làng Stơr anh hùng được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia

Sau trận này, làng Stơr nhiều lần bị địch đánh phá, phải dời làng, nhưng anh hùng Núp đã vận động người dân ở lại lập làng chiến đấu. Dân làng Stơr thành lập đội tự vệ đầu tiên với hơn 40 người, do ông Đinh Núp chỉ huy. Tận dụng địa hình, đá, tre sẵn có, những người anh hùng làng Stor đã chế tạo nhiều bẫy đá, bẫy chông, cung tên biến làng Stơr trở thành nỗi ám ảnh của quân thù.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai ghi: “Từ tháng 9-1950 đến tháng 2-1951, quân Pháp đã tổ chức 10 cuộc hành quân đánh lên làng Stơr, có lần (tháng 12-1950) chúng đã sử dụng tới 400 quân vây quét, suốt lúa, phá rẫy, đốt làng, quyết phá cho được dấu tích làng Stơr. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và Thôn trưởng Núp, dân làng Stơr đã dựa vào núi rừng hiểm trở, tổ chức đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch”.

Già làng Đinh Yom (bên trái) kể những câu chuyện về làng Stơr, về người anh hùng Núp với niềm tự hào và kính trọng sâu sắc

Già làng Đinh Yom (bên trái) kể những câu chuyện về làng Stơr, về người anh hùng Núp với niềm tự hào và kính trọng sâu sắc

Già làng Đinh Yom, năm nay vừa tròn 80 tuổi, kể rằng năm 1982, lực lượng Fulro quấy nhiễu, làng lại ở xa, khó bảo vệ nên nhà nước đã vận động để người dân làng Stơr về vị trí làng ngày nay. Người làng về đây được nhà nước định canh, định cư, cấp đất thì người dân cùng nhau khiêng nhà từ làng cũ về. Đến nay, ngôi làng đang có 104 hộ với 478 nhân khẩu sinh sống ổn định, đoàn kết.

Chúng tôi đến làng Stơr, được nghe cán bộ, đảng viên, người dân kể về làng kháng chiến và anh hùng Núp với lòng kính trọng, niềm tự hào sâu sắc.

Trở thành địa điểm du lịch

Từ đường Đông Trường Sơn trải nhựa phẳng lì, qua cánh đồng Đê Ba thơm mùi lúa mới, từ xa làng Sơr đã hiện ra với những căn nhà sàn thấp thoáng giữa núi rừng.

Ông Đinh Rơi, Bí thư Chi bộ làng thôn làng Stơr, dẫn chúng tôi dạo quanh làng. Ngôi làng được quy hoạch ô bàn cờ, đường thảm bằng bê tông, nhà nào cũng khang trang, sạch sẽ. "Trước đây người dân làng có cuộc sống khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước nên đời sống người dân đã phát hiện, đến nay chỉ con 9 hộ nghèo" - ông Rơi kể.

Nhà lưu niệm anh hùng Núp là một trong những địa điểm du khách thường ghé tới khi tham quan làng Stơr

Nhà lưu niệm anh hùng Núp là một trong những địa điểm du khách thường ghé tới khi tham quan làng Stơr

Cũng theo ông Đinh Rơi, làng Stơr nằm giữa núi rừng Trường Sơn, có nhiều nét văn hóa, ẩm thực truyền thống, là ngôi làng bất khuất trong lịch sử nên đang được đầu tư xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn.

Ngoài cảnh sắc tự nhiên, du khách khi đến đây sẽ được tham quan Khu nhà lưu niệm anh hùng Núp; ngôi làng kháng chiến với những nếp nhà sàn, kho lúa....đã được phục dựng trên đỉnh một quả đồi. Tại đây, du khách sẽ được xem các nghệ nhân dệt vải, đan lát theo cách truyền thống của người Ba Na.

Đặc biệt, du khách được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người Ba Na như: canh tác nương rẫy, hái măng le, lấy mật ong rừng và tận hưởng không khí trong lành của núi rừng, tắm mình trong dòng suối T'tung trong vắt và thưởng thức ẩm thực truyền thống của người dân nơi đây ... Khi ra về, du khách cũng có thể mua những sản vật này để về làm quà trong hành trang du lịch.

Đến thăm làng Stơr, du khách sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống, độc đáo - Ảnh Huy Tịnh

Đến thăm làng Stơr, du khách sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống, độc đáo - Ảnh Huy Tịnh

Theo ông Đinh Đình Chi, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Kbang, cho biết làng Stơr đã được chọn để xây dựng mô hình điểm du lịch nông thôn. Huyện đã tổ chức khảo sát, lựa chọn và hỗ trợ làng để hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng.

Trong đó, có hoạt động tham quan, trải nghiệm làm nương rẫy gắn với những loại cây trồng bản địa, thu hái, sơ chế măng le rừng, khai thác mật ong rừng… theo truyền thống của người Ba Na.

Ngoài ra, huyện còn đề ra nhiệm vụ hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm đặc trưng để tham gia chứng nhận sản phẩm OCOP, làm nơi tham quan, bán sản phẩm cho du khách làm quà tặng. Gắn xây dựng mô hình du lịch nông thôn với khai thác giá trị di tích Làng kháng chiến Stơr và Khu nhà lưu niệm Anh hùng Núp.

Trong đó, huyện Kbang đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa truyền thống. Khôi phục các ngành nghề, lễ hội truyền thống của đồng bào Ba Na, chỉnh trang, nâng cấp nhà rông văn hóa làng Stơr. Hỗ trợ xây dựng các nhà lưu trú tại làng để phục vụ nhu cầu của du khách…

"Được chọn làm mô hình điểm về xây dựng du lịch nông thôn, người làng Stơr đã đồng thuận rất cao. Trong làng đã thành lập được đội cồng chiêng, xoang phục vụ khách du lịch, phục dựng được nhiều lễ hội truyền thống và lưu giữ giá trị ẩm thực phong phú" - ông Chi nói và kỳ vọng mô hình du lịch nông thôn làng Stơr sẽ thành công, thu hút khách du lịch.

Hướng dẫn người dân làng Stơr làm du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã triển khai một số hoạt động như: đào tạo, hướng dẫn người dân về kỹ năng tiếp đón khách, hướng dẫn du lịch, phục vụ lưu trú, ẩm thực; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng Stơr.

Mới đây, Sở cũng đã mời các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch đến khảo sát đánh giá tiềm năng, góp ý hoàn thiện các dịch vụ, đồng thời làm cầu nối đưa du khách đến làng Stơr tham quan, trải nghiệm.

Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dua-lang-anh-hung-nup-thanh-diem-den-du-lich-hap-dan-19624112510294845.htm
Zalo