Quảng Nam huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh
Trong số những địa phương tiên phong thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Quảng Nam là một trong những cái tên nổi bật. Nhiều năm qua, tỉnh đã có những bước đi bài bản trong việc lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ cấp tỉnh đến cấp ngành, địa phương.
Từ tư duy đến hành động cụ thể
Tỉnh đã triển khai các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Việc hỗ trợ “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh cũng được chú trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Song song với đó, địa phương cũng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh. Quảng Nam được đánh giá là một trong các địa phương nằm trong top những tỉnh, thành có chất lượng quản trị môi trường tốt thông qua Chỉ số xanh (PGI). Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, ông Phan Thái Bình khẳng định: “Chúng tôi xác định chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là con đường tất yếu. Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giữ vững tỷ lệ che phủ rừng trên 61%, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn, không còn cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường…”.
Chính từ tầm nhìn đó, Quảng Nam đã kiên quyết từ chối các dự án đầu tư có nguy cơ phát thải lớn, tác động tiêu cực đến môi trường. Thay vào đó, tỉnh ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp sạch, có hàm lượng tri thức cao và đóng góp lớn cho ngân sách. Hoạt động khai thác tài nguyên như vàng, đất, cát cũng được siết chặt, chỉ duy trì những mỏ thật sự cần thiết với yêu cầu đổi mới công nghệ rõ ràng.
Không những thế, Quảng Nam còn chú trọng phát triển du lịch xanh. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng bộ tiêu chí du lịch xanh gồm 6 nhóm lĩnh vực, từ khách sạn, nhà nghỉ đến các điểm du lịch cộng đồng, điểm tham quan. Nhiều mô hình du lịch sinh thái như làng Trà Nhiêu, Triêm Tây, Cù Lao Chàm… đã trở thành điểm đến nổi bật, vừa bảo tồn văn hóa – thiên nhiên, vừa thu hút du khách cao cấp.

KCN Điện Nam - Điện Ngọc, một trong những KCN lớn ở Quảng Nam
Huy động nhiều nguồn lực
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng con đường tăng trưởng xanh ở Quảng Nam vẫn còn không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt nguồn lực cả về tài chính lẫn hạ tầng và nhân lực.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ định hướng “xanh hóa” các ngành kinh tế và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, địa phương phải đối mặt với hàng loạt khó khăn: Kinh tế biển chưa được khai thác hiệu quả, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, công nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào gia công, chế biến thô, thiếu ngành phụ trợ...
Cùng với đó, tiến độ đầu tư hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghiệp còn chậm, trong khi phần lớn doanh nghiệp công nghiệp ở Quảng Nam có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về khả năng đổi mới công nghệ. Đặc biệt, địa phương còn nằm trong khu vực thường xuyên hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt, sạt lở đất, khiến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cả du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Đặc biệt, tăng trưởng xanh không thể tách rời yếu tố tài chính. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc tìm kiếm các nguồn tài chính xanh, vốn ODA và các khoản vay ưu đãi từ quốc tế trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh trong thu hút các nguồn vốn này ngày càng cao, đòi hỏi địa phương phải có chiến lược rõ ràng, danh mục dự án cụ thể và cơ chế ưu đãi đủ sức hấp dẫn.
Trên thực tế, đầu tư cho tăng trưởng xanh luôn đắt đỏ hơn trong ngắn hạn, nhưng sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều nếu nhìn ở dài hạn. Một khu công nghiệp xanh có chi phí đầu tư hạ tầng cao hơn, nhưng lại thu hút doanh nghiệp tốt, công nghệ hiện đại, sản phẩm có sức cạnh tranh. Một mô hình du lịch xanh có thể bỏ lỡ phân khúc khách giá rẻ, nhưng lại hút được nhóm khách có khả năng chi tiêu cao, bền vững hơn.
Bởi vậy, Quảng Nam hiện đang nỗ lực tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư cho các dự án xanh, đặc biệt tại những khu vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh cũng cập nhật thường xuyên danh mục dự án tăng trưởng xanh để chủ động tiếp cận các nhà đầu tư, tổ chức tài chính có tiềm lực.
Bên cạnh vấn đề vốn, “nhân lực xanh” cũng là một trụ cột được đặt ra. Theo các chuyên gia, Quảng Nam cần đầu tư mạnh cho đào tạo nguồn nhân lực có tư duy và kỹ năng phục vụ phát triển bền vững. Không còn là lực lượng lao động đơn thuần như trước, nhân lực trong tương lai phải được trang bị kiến thức sinh thái, kỹ năng công nghệ và ý thức bảo vệ môi trường - đây là lực lượng đi đầu trong công cuộc xanh hóa nền kinh tế.
Với quyết tâm rõ ràng, cách tiếp cận bài bản và định hướng dài hạn, Quảng Nam đang đặt những viên gạch nền móng cho một tương lai phát triển bền vững - nơi kinh tế, môi trường và con người cùng phát triển hài hòa.