Quảng Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
Với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) theo cụm liên kết ngành, phấn đấu đưa tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực về công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, tỉnh Quảng Nam tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguyên liệu… tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt sản xuất. Đồng thời, chú trọng vấn đề thu hút đầu tư và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trên địa bàn.
Chuyển dịch theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường
Đặt vấn đề thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo lên hàng đầu, tỉnh Quảng Nam những năm gần đây đã và đang thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Kết quả, huy động được quy mô khá lớn vốn đầu tư phát triển, đạt 217.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD) trong giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng bình quân 12%/năm.
Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thu hút một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và các bộ phận phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô; nguyên vật liệu và phụ liệu, hóa chất phục vụ sản xuất ngành may mặc; linh kiện điện tử phục vụ ngành điện, điện tử.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam Lê Vũ Thương cho biết, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển dịch theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.Tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế tạo động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, dệt may, da giày. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân hàng năm gần 10% (giai đoạn 2016 - 2020).
Các sản phẩm ngành công nghiệp khẳng định được chất lượng và thương hiệu như ô tô, sản phẩm điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp ở vùng Đông Nam của tỉnh đã được triển khai thực hiện.
Theo Sở Công Thương Quảng Nam, tỉnh đã hình thành Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải với 31 dự án từ sản xuất linh, phụ kiện cho ngành ô tô đến lắp ráp ô tô nguyên chiếc và các ngành cơ khí; Khu công nghiệp Dệt may tại Khu Công nghiệp Tam Thăng đã thu hút được 27 dự án (trong đó 21 dự án của nhà đầu tư nước ngoài và 6 dự án của nhà đầu tư trong nước) với các nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định. Cụ thể, các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn ít, chủ yếu là gia công sản phẩm, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, công nghệ, máy móc sản xuất lạc hậu... việc tiếp cận chương trình, đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ còn khó khăn, hạn chế.
Phát triển CNHTtheo cụm liên kết ngành
Theo Sở Công Thương Quảng Nam, các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chính cần tập trung phát triển bao gồm CNHT ngành cơ khí, CNHT cho sản xuất lắp ráp ô tô, CNHT lĩnh vực dệt – may; ngoài ra còn có CNHT lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao.
Để góp phần thực hiện thành công quy hoạch tỉnh, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, doanh nghiệp CNHT nói riêng vào đầu tư vào địa bàn, tỉnh Quảng Nam cần tập trung triển khai thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Quảng Nam về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trọng tâm tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguyên liệu, cung cấp điện ổn định phục vụ tốt cho sản xuất… tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt sản xuất, thúc đẩy các dự án đi vào hoạt động, gia tăng năng lực sản xuất mới. Có các đề xuất phương án, tham mưu UBND tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.
Song song với đó, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc cho doanh nghiệp và tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tập trung rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; đẩy mạnh hoạt động người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam; tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch phát triển thương mại điện tử, Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP và các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên; Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của tỉnh… nhằm kích cầu tiêu thụ.
Để đạt mục tiêu đặt ra, tỉnh Quảng Nam xác định sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phát triển các ngành công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đưa ngành công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế.
"Tỉnh thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp, hướng vào phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực và ưu tiên thúc đẩy phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, bảo đảm tính chủ động của nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.