Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ cải thiện

Từ tháng 8 đến nay, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường vẫn giảm so với cùng kỳ 2023 nhưng đà giảm đã được thu hẹp qua từng tháng…

Thị trường bảo hiểm nhân thọ nỗ lực phục hồi.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ nỗ lực phục hồi.

Thông tin về diễn biến thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết đến 30/11, toàn thị trường có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanhnghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm 11 tháng ước đạt 204,109 nghìn tỷ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước (gồm: lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71,905 nghìn tỷ đồng, tăng 13,02%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 132,204 nghìn tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ 2023).

Như vậy, đà giảm của doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đã và đang được thu hẹp. Cụ thể: tháng 8 giảm 7,3%; tháng 9 giảm 6,4%; tháng 10 giảm 6,17%; tháng 11 giảm 5,5% so với cùng kỳ.

Đến hết tháng 11/2024, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86,368 nghìn tỷ đồng, tăng 17,13% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838,319 nghìn tỷ đồng, tăng 12,58%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 986,586 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7%. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 664,396 nghìn tỷ đồng, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, báo cáo tài chính quý 3/2024 được các ngân hàng công bố cho thấy một số ngân hàng đã ghi nhận tín hiệu tích cực từ bán chéo bảo hiểm (bancassurance).

Theo đó, có 9/27 ngân hàng niêm yết thuyết minh chi tiết về thu nhập từ hoạt động bảo hiểm. Trong đó, có 4/9 ngân hàng ghi nhận thu nhập từ bán bảo hiểm tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2024.

Thống kê doanh số bancasurance như sau: Kienlongbank +74%; VPBank +51,34%), Techcombank + 29,69%), SeABank +14,29%. Trong khi đó, một số ngân hàng như VIB -49,3%, PGBank -47,37%, LPBank -27,68%, TPBank -0,34% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, nếu xét tổng doanh thu từ bán bảo hiểm của 9 ngân hàng vẫn tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 10.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới do các quy định nghiêm ngặt từ Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư 34 của Ngân hàng Nhà nước có quy định các ngân hàng không được bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cùng với tín dụng và/hoặc sản phẩm ngân hàng không bắt buộc mua bảo hiểm như trước đây, thay vào đó, các ngân hàng chỉ được bán sản phẩm này sau 60 ngày sau khi đã giải ngân tín dụng cho khách hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; trong đó đề xuất phạt từ 400-500 triệu đồng nếu các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo ghi nhận của VnEconomy, các quý gần đây các ngân hàng chủ yếu bán chéo được sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ do phí sản phẩm này thấp hơn so với bảo hiểm nhân thọ và mức độ cam kết với hợp đồng bảo hiểm cũng ít hơn rất nhiều mà vẫn phục vụ được nhu cầu bảo vệ của khách hàng.

Cũng vì vậy mà các ngân hàng bắt đầu tham gia vào thị trường này nhiều hơn, ví dụ: Techcombank cũng đã góp 11% vốn cho công ty bảo hiểm phi nhân thọ TCGIns vào tháng 10 vừa qua. Hiện nay đã có 6/31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ là công ty được ngân hàng góp vốn vào và trực thuộc các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước như: BIDV, VietinBank, Agribank, và 3 ngân hàng tư nhân lớn nhất khác là MB, VPBank và Techcombank.

Có lẽ do lường đón được những khó khăn liên quan đến kênh bancassurance nên kể từ sau khủng hoảng niềm tin xảy ra trên thị trường bảo hiểm năm 2022 – 2023, thị trường ghi nhận các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tích cực rà soát, đào tạo, nâng cao chất lượng tư vấn viên bảo hiểm và đầu tư mạnh vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết nhanh quá trình bồi thường nhằm lấy lại lòng tin của khách hàng.

Theo cập nhật của VnEconomy, hiện một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ứng dụng "công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR)" thế hệ mới nhằm tự động hóa quy trình giải quyết các yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm cấp thiết như chăm sóc sức khỏe ngoại trú, hỗ trợ viện phí, phẫu thuật…

OCR thế hệ mới có khả năng tự động đọc và phân tích các thông tin trên chứng từ bảo hiểm mà khách hàng nộp dưới dạng hình ảnh. Nhờ vậy, khách hàng có thể nhanh chóng nhận được phản hồi từ hệ thống cũng như kết quả giải quyết quyền lợi bảo hiểm chỉ trong vài phút. Song song với đó, tư vấn viên có thể theo dõi sát sao quá trình xử lý yêu cầu của khách hàng và chủ động hỗ trợ kịp thời khi cần.

Ghi nhận từ một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn từ Anh đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy trong khoảng thời gian từ 19/10 đến 5/11, giải pháp OCR thế hệ mới đã hỗ trợ giải quyết hơn 50% các trường hợp yêu cầu quyền lợi bảo hiểm của doanh nghiệp này, giúp giảm thiểu đáng kể thời gian chờ của khách hàng. Trong đó, có 243 yêu cầu nhận được kết quả chi trả chỉ trong vòng 3 phút, và 1.636 yêu cầu nhận được kết quả trong vòng 30 phút tính từ thời gian khách hàng nộp yêu cầu thành công cho đến thời gian nhận kết quả chi trả.

Hoàng Lan

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-thu-phi-bao-hiem-nhan-tho-cai-thien.htm
Zalo