Động lực và kỳ vọng từ Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024
Dư luận ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tập thể, cá nhân tham gia soạn thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và đặt nhiều kỳ vọng khi dự án Luật được thực thi.
Chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 (gọi tắt là Luật Điện lực 2024) với 439/463 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỉ lệ 91,65%) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025.
Luật Điện lực 2024 bao gồm 9 chương với 81 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Luật Điện lực 2024 là dự án luật quan trọng, được kỳ vọng tạo động lực tích cực đến nền kinh tế, bảo đảm cho các mục tiêu tăng trưởng và an ninh năng lượng quốc gia.
Một số nội dung mới quan trọng của Luật Điện lực 2024
Điểm mới nổi bật của Luật Điện lực 2024 là quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh, như quy định tại Điều 41 về việc mua bán bán thông qua hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện giữa các bên bán điện và bên mua điện. Đồng thời, quy định giá điện trúng thầu là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu, giao Chính phủ quy định chi tiết việc đàm phán, giao kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của các bên.
Luật Điện lực 2024 cũng quy định thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định. Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; xây dựng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng đặc thù theo các chủ trương của Nhà nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ.
Một điểm mới đáng chú ý nữa của Luật Điện lực 2024 là xác lập cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho từng loại hình nguồn điện, trong đó, có các dự án thủy điện nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi; khuyến khích đầu tư các dự án tham gia thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời, làm rõ việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và việc hỗ trợ của Nhà nước đối với tiền điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt của hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Bên cạnh đó, quy định ưu tiên ngân sách nhà nước, kết hợp huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện bảo đảm cung cấp điện an toàn, thường xuyên, tin cậy cho các hộ gia đình và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Đồng thời, ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi, hỗ trợ khác đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài xây dựng nguồn, lưới điện, kinh doanh cấp điện cho các hộ gia đình bảo đảm bền vững và hiệu quả. Làm rõ các yêu cầu điều kiện và cơ chế ưu đãi để đầu tư xây dựng điện năng lượng tái tạo phụ thuộc vào nguồn năng lượng tái tạo, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và áp dụng cho cả trường hợp khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo đáp ứng đủ các điều kiện đó, bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mớ; đồng thời, giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.
Luật Điện lực 2024 cũng nêu rõ, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Dự án điện lực sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước được vay lại vốn và cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Bên cạnh đó, Luật Điện lực 2024 cũng quy định sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn và thời gian áp dụng, nguyên tắc tính giá điện, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, thời hạn của chính sách đối với từng trường hợp phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và Nhân dân, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.
Luật cũng quy định, khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp, lắp đặt các thiết bị, hệ thống thu giữ carbon để giảm phát thải ra môi trường, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, Luật Điện lực 2024 còn bổ sung quy định về chính sách phát triển điện hạt nhân; theo đó, quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện; đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng.
Doanh nghiệp, người dân kỳ vọng gì ở Luật Điện lực 2024?
Việc sửa đổi Luật Điện lực được đánh giá là rất cần thiết và cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt để phát triển ngành điện.
Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và những tồn tại, hạn chế như: Thiếu quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi, phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ, để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; chưa có chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện hệ thống điện từng thời kỳ...
Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng tính bền vững.
Luật cũng "mở cửa" cho nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất, phân phối và kinh doanh điện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia vào thị trường. Điều này tạo ra cạnh tranh, dẫn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm chi phí cho các doanh nghiệp sử dụng điện.
Với tinh thần đó, dư luận ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực tập thể và cá nhân tham gia soạn thảo Luật Điện lực năm 2024; đồng tình và kỳ vọng vào tác động tích cực tới phát triển thị trường điện cạnh tranh của những nguyên tắc quan trọng nhất về quản lý giá điện đã được thể chế hóa thành luật. Cụ thể: Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh; bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong hoạt động điện lực; giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện và có hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong trường hợp và cho đối tượng cần thiết phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ...
Bên cạnh đó, dư luận cũng mong muốn, trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện lực năm 2024 làm rõ hơn các khái niệm cần thiết liên quan đến giá điện, để việc hiểu và sử dụng được thống nhất, tránh lệch lạc và phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực, như: Giá điện thị trường; giá điện thỏa thuận; giá điện bình quân; giá bù chéo/bù chéo giá điện; giá mua - bán điện cho hoạt động lưu trữ điện; giá điện áp mái tự sản tự tiêu có kết nối hệ thống bán cho EVN, các chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý và tỷ suất lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực.
Giá điện có vai trò quan trọng đặc biệt trong quản lý nhà nước và trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Bởi vậy, cần bảo đảm quyền quyết định giá mua bán điện trực tiếp theo hợp đồng tự nguyện không có kết nối hệ thống truyền tải của EVN. Nếu có kết nối, tính thêm phí vận tải điện của EVN vào giá điện hợp đồng tự nguyện này.
Nói cách khác, khung giá điện do Nhà nước quy định không nên là bắt buộc cho tất cả các hoạt động mua - bán điện trực tiếp trên thị trường để bảo đảm quyền tự do thỏa thuận giá mua-bán điện trực tiếp giữa người mua - người bán điện trên thị trường điện cạnh tranh không cần nằm trong khung giá điện của EVN, kể cả có hay không có hòa mạng điện truyền tải của EVN, nhất là đối với nguồn điện tái tạo.
Ngoài ra, cần cụ thể hóa hơn các quy định liên quan đến cơ chế kiểm soát, ngăn chặn và xử lý lợi ich nhóm, xung đột lợi ích trong hoạt động mua và độc quyền phân phối điện của EVN trong hệ thống điện quốc gia.
Đồng thời, cần xác lập thêm quy định điều tiết hoạt động mua điện theo nguyên tắc đấu thầu công khai, minh bạch giá mua điện của EVN đối với các nguồn điện khác nhau, bởi trong Luật Điện lực năm 2024 mới chỉ quy định giá bán điện, mà không có quy định giá mua điện, trong khi EVN có cả hai tư cách là người mua và người bán điện; bổ sung nguyên tắc tối ưu xã hội và hợp lý kỹ thuật trong hoạt động mua bán và phân phối điện của EVN nhằm tăng năng lực, trách nhiệm và phòng ngừa lợi ích nhóm trong hoạt động quản lý nhà nước khi EVN độc quyền phân phối điện như một số vụ án xảy ra trong thời gian vừa qua đã chứng minh.
Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định về nguyên tắc xác định và áp dụng giá điện 2 thành phần; giá điện giờ cao điểm và thấp điểm; giá điện khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả;
Đặc biệt, cần bổ sung giải pháp đảm bảo về ổn định giá điện (mức giá và thời gian tối thiểu) và đảm bảo giá điện có tính thị trường minh bạch cao, có tăng, có giảm, chứ không chỉ tăng một chiều và tăng theo đề nghị và giải trình chỉ của EVN.
Hơn nữa, quy định về việc lập và điều chỉnh giá điện được căn cứ chỉ trên báo cáo tài chính, dữ liệu chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán của các đơn vị điện lực là chưa đủ để bảo đảm tính thị trường trong quản lý giá điện, và dễ tạo hệ lụy xin-cho, nói dối hay lợi ích nhóm trong quản lý giá điện; Đây cũng là gốc rễ kéo dài tình trạng giá điện chỉ lên một chiều, không bao giờ giảm như đã thấy suốt thời gian qua ở nước ta. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tăng giá điện không chỉ làm thiệt hại trực tiếp quyền lợi của người dùng điện, mà còn gây áp lực lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%.
Bởi vậy, cần bổ sung thêm các căn cứ khác hợp lý và chặt chẽ và các quy định đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả tình trạng trên theo hướng tăng cạnh tranh cung cấp điện lành mạnh, công khai giá và quy mô, cơ cấu của các bên và nguồn cung cấp điện; Đồng thời, làm rõ, cụ thể hóa trách nhiệm và các chế tài nghiêm khắc cho các hành vi lạm dụng trục lợi khi lập và thẩm định báo cáo tài chính, dữ liệu chi phí sản xuất kinh doanh điện của các đơn vị điện lực và của đơn vị kiểm toán, cũng như
Trong nội dung quản lý giá điện, cần có thêm các quy định cụ thể về tăng cường kiểm toán giá và chính sách điện năng; khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại, hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng.
Để tăng tính minh bạch, góp phần giải bài toán giá điện theo nguyên tắc thị trường trong thời gian tới, cần xác lập tư duy và tâm thế mới, xuất phát từ lợi ích quốc gia tổng thể và dài hạn, tuân thủ các quy luật, nguyên tắc, quy trình thị trường, các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới để giải quyết các vấn đề đặt ra trong ngành điện; đẩy nhanh quá trình tự do hóa thực chất về đầu tư sản xuất và cung ứng điện thông qua các hợp động cung ứng điện trực tiếp, công bằng, minh bạch có độ ổn định và hiệu lực pháp lý cao nhất giữa các bên liên quan.
Đặc biệt, cần quán triệt nghiêm túc tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó: Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng/điện đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng/điện; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt trong phân ngành điện, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và một số ngành khác; Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới; Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, các nguồn phát điện với cơ cấu và phân bố hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hóa, chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; Phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng/điện quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.
Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.
Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch cho phép phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất...; hoàn thiện cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện; tách bạch vai trò quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cần có những quy định mới và nâng cấp những quy định cũ liên quan đến kiểm toán và công khai các chỉ tiêu kỹ thuật và chi phí hoạt động của ngành điện; cung cấp rộng rãi thông tin và khuyến khích phản biện khoa học và phản biện xã hội về cung - cầu, thuận lợi - khó khăn, các kế hoạch và dự án phát triển trong ngành điện để “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”.
Đồng thời, tăng cường sự giám sát, kiểm tra chủ động của Nhà nước và các tổ chức xã hội, báo chí, xử lý kịp thời và nghiêm khác các sai phạm của bất kỳ cá nhân và tổ chức nào trong toàn bộ quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII. Theo đó, Việt Nam sẽ có thị trường điện cạnh tranh đầy đủ và đến năm 2050, điện tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trên 80% trong nguồn điện ở Việt Nam, trong khi suất đầu tư cho nguồn điện này ngày càng giảm như là xu hướng chung của thế giới. Điều này đồng nghĩa với giá điện bán lẻ ở Việt Nam cũng sẽ ngày càng giảm, thay vì chỉ tăng một chiều liên tục như hiện nay...