Tạo động lực cho sản xuất theo hướng bền vững, tuần hoàn

Thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ đó, góp phần khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực đổi mới thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tạo động lực cho sản xuất theo hướng bền vững, tuần hoàn.

Trợ lực vững chắc cho doanh nghiệp

Năm 2023, bám sát mục tiêu, kế hoạch của Chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, các đề án tập trung hướng đến các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương với tổng kinh phí thực hiện của khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 73,5 tỷ đồng, đạt 93,5% so với kế hoạch năm (78,6 tỷ đồng).

Trong 9 tháng năm 2024, tổng kinh phí khuyến công toàn vùng đã thực hiện đạt 33,8 tỷ đồng, đạt 52,03% kế hoạch năm. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện hơn 9 tỷ đồng; kinh phí khuyến công địa phương thực hiện 24,8 tỷ đồng.

 Nghiệm thu, bàn giao máy móc thiết bị cho Công ty CP Việt Séc. Nguồn: ITN

Nghiệm thu, bàn giao máy móc thiết bị cho Công ty CP Việt Séc. Nguồn: ITN

Theo kế hoạch năm 2024, có 5/15 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thực hiện tư vấn phát triển công nghiệp và đặt mục tiêu doanh thu 6,04 tỷ đồng với dự kiến 128 dự án. 9 tháng năm nay, các đơn vị đã tư vấn cho 76 dự án, doanh thu đạt gần 8 tỷ đồng, đạt 115,6% kế hoạch năm.

Xác định vai trò quan trọng của công tác khuyến công, năm 2024, Đà Nẵng dành 5,5 tỷ đồng cho hoạt động này. Trong đó, hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu; kinh phí còn lại hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất sạch hơn.

Công ty CP Việt Séc (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) là đơn vị được chương trình khuyến công Đà Nẵng hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn. Đại diện Công ty cho biết, với trợ lực từ nguồn vốn khuyến công, Công ty đã đầu tư máy bào bốn mặt và định hình tự động (1,36 tỷ đồng), giúp sản xuất xanh, sạch hơn, đồng thời giảm được số lượng lao động trong khi sản lượng tăng gấp 3 lần. Ngoài ra, công ty còn tiết kiệm nguyên vật liệu, máy thu được các bụi dăm trong quá trình sản xuất làm giảm bụi bẩn, giảm phát thải ra môi trường.

Nhằm phát huy thế mạnh về sản xuất nông, thủy sản, năm 2024, Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên đã xây dựng đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến các sản phẩm từ nông - thủy sản. Đối tượng thụ hưởng là những hộ kinh doanh trên địa bàn như: Hộ kinh doanh hải sản Sông Cầu; Hộ kinh doanh Thi Nga; Hộ kinh doanh Phạm Thị Bích Thủy. Tổng kinh phí thực hiện hơn 899 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 286 triệu đồng; kinh phí đối ứng hơn 613 triệu đồng. Đề án đã góp phần đa dạng sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; quảng bá thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi...

Cũng trong năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Đắk Lắk đã thực hiện đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất nước đá viên tinh khiết tại hộ kinh doanh Nguyễn Thiên Ban xã Cư Né, huyện Krông Búk; tổng kinh phí đầu tư 800 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 190 triệu đồng. Sau khi đi vào hoạt động, hộ kinh doanh đã tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.

Tập trung sản xuất theo hướng tuần hoàn

Có thể khẳng định, hoạt động khuyến công ngày càng đóng vai trò quan trọng, tiếp tục là trợ lực vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và cả nước nói riêng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, Cục Công Thương địa phương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các tổ chức dịch vụ khuyến công triển khai xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025.

Theo đó, định hướng các nội dung hoạt động khuyến công năm 2025 sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; lựa chọn xây dựng các mô hình về chế biến nông - lâm - thủy sản, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, mô hình tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn, phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn; mô hình khác theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững. Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; ưu tiên các đề án có sản phẩm được bình chọn, cấp giấy chứng nhận cấp khu vực, quốc gia (giấy chứng nhận còn hiệu lực)…

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn; tư vấn, hướng dẫn lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực, liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh và thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói... Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động khuyến công.

Để thực hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024 và chuẩn bị tốt cho công tác khuyến công năm 2025, các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ tiếp tục đồng bộ các giải pháp cụ thể, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-dong-luc-cho-san-xuat-theo-huong-ben-vung-tuan-hoan-post398198.html
Zalo