Quảng Bình nâng chất lượng đội ngũ dạy học theo Chương trình mới

Ngày 19/7, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học.

Việc thực hiện chương trình mới đã dem lại những hiệu quả tích cực.

Việc thực hiện chương trình mới đã dem lại những hiệu quả tích cực.

Chương trình GDPT 2018 được ban hành từ năm học 2019-2020 và bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 cũng là năm được Bộ GD&ĐT xác định là trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông.

Triển khai chương trình GDPT mới ổn định, đúng tiến độ

Tại Quảng Bình, mặc dù quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 bước đầu còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng được sự chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của ngành giáo dục, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều các phương diện.

Hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học.

Hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học.

Cụ thể, triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, đồng bộ trên toàn tỉnh. Kết quả thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại các địa phương, cơ sở giáo dục trong những năm qua về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo tinh thần chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn đã được thực hiện có hiệu quả. Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã được thực hiện ngày càng thực chất. Đặc biệt, điều kiện dạy học theo Chương trình GDPT 2018 cơ bản đảm bảo.

Riêng đối với Tiểu học là cấp đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới, và chuẩn bị bước sang năm thứ 4 theo lộ trình. Ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học qua đó thảo luận, chia sẻ các khó khăn, vướng mắc khi triển khai Chương trình GDPT 2018; đề xuất các giải pháp, cụ thể hóa các nhiệm vụ để năm học mới 2023-2024 đạt kết quả tốt nhất.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Bình, trong 3 năm qua, ngành giáo dục tỉnh nói chung và cấp tiểu học nói riêng đã nỗ lực triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, 2, 3 đảm bảo đúng tiến độ.

Đa số giáo viên đã hiểu và tiếp cận Chương trình GDPT 2018 đúng hướng; năng lực xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học, năng lực ứng dụng CNTT, khai thác, xây dựng kho học liệu số phục vụ dạy học; kĩ năng xây dựng bài giảng trực tuyến dần được nâng cao. Các tổ khối chuyên môn đã chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch dạy học các môn học đảm bảo yêu cầu, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của Chương trình GDPT 2018 bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

Các cơ sở giáo dục linh hoạt trong thực hiện chương trình mới.

Các cơ sở giáo dục linh hoạt trong thực hiện chương trình mới.

Các cơ sở giáo dục cũng thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, phòng tránh tai nạn bom mìn; giáo dục đạo đức; giáo dục quốc phòng và an ninh; giáo dục pháp luật; kỹ năng cho học sinh.

Trong 3 năm qua, quy mô, mạng lưới, cơ sở vật chất trường lớp cơ bản ổn định, từng bước được đầu tư xây dựng đáp ứng với yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương, phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh. Toàn tỉnh có 216 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học, 184 trường độc lập (83,40%), 32 liên cấp TH-THCS (14,73%).

Đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục cũng triển khai tập huấn chương trình mới cho giáo viên, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý đổi mới công tác quản trị trường học (2021-2022), công tác xây dựng kế hoạch phát triển chiến lược, kế hoạch giáo dục nhà trường đáp ứng đổi mới Chương trình GDPT 2018 (2022-2023).

Hàng năm, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức tổng kết công tác triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 3. Qua đó đánh giá lại những kết quả đạt được, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và rút kinh nghiệm từ đó chỉ đạo hiệu quả hơn trong việc thực hiện đối với các lớp tiếp theo.

Khắc phục khó khăn trong giai đoạn quan trọng

Tuy nhiên, quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp Tiểu học tại Quảng Bình vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cơ sở vật chất trường học ở một số đơn vị còn thiếu và chưa đồng bộ so với qui định. Toàn tỉnh vẫn còn 367 điểm trường lẻ với hàng trăm phòng học bán kiên cố. Một số trường có nhiều điểm lẻ gây khó khăn trong công tác quản lý chỉ đạo và nâng cao chất lượng dạy học; việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất dàn trải, khó khăn, tốn kém.

Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới ở một số cơ sở giáo dục hiệu quả chưa cao; một số đơn vị còn lúng túng, chưa thật sự chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số cơ sở giáo dục còn chưa khoa học, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn dẫn tới hiệu quả thực hiện chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục mới còn hạn chế, chưa bảo đảm thực hiện đúng theo yêu cầu của chương trình mới.

Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đạt theo quy định, cơ cấu giáo viên chưa hợp lý. Việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh của một số giáo viên còn hạn chế, đặc biệt là khả năng tổ chức hoạt động trải nghiệm, các hoạt động ứng dụng, kết nối kiến thức vào thực tiễn.

Nội dung sinh hoạt chuyên môn của một số trường chưa đa dạng và hiệu quả chưa cao; giáo viên còn ngại chia sẻ, thảo luận các vấn đề, nội dung đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Việc tự học tự bồi dưỡng của giáo viên chưa thường xuyên, chưa thực sự trở thành nhu cầu, còn mang tính hình thức. Việc biên soạn, thẩm định, đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương chậm.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi nhiều nội dung liên quan đến đổi mới quản trị, xây dựng chương trình nhà trường. Thay đổi phương pháp dạy học, đánh giá học sinh theo hướng phát huy năng lực toàn diện người học. Giải pháp thử nghiệm triển khai học bạ điện tử, quản lí hồ sơ chuyên môn trên môi trường số, mô hình thư viện số. Bên cạnh đó, các giải pháp giáo dục kỹ năng công dân số; triển khai giáo dục STEM cấp Tiểu học cũng được giới thiệu tại hội nghị.

Bà Mai Thị Liên Giang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình đánh giá những kết quả tích cực sau quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bà Mai Thị Liên Giang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình đánh giá những kết quả tích cực sau quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bà Mai Thị Liên Giang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình đánh giá, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, mạng lưới trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; các địa phương đã chủ động thực hiện rà soát mạng lưới trường lớp, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo đủ điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 3.

Việc tổ chức triển khai lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 3 đảm bảo tiến độ thời gian, theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT; công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo được quan tâm.

Tuy vậy, việc triển khai chương trình mới gặp một số khó khăn, đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, chưa hợp lý, đồng bộ về cơ cấu, khó khăn cho việc sắp xếp, bố trí giáo viên để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Cơ sở vật chất mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chỉ đảm bảo ở mức cơ bản...

Các hoạt động trải nghiệm cũng được các đơn vị trường học chú trọng.

Các hoạt động trải nghiệm cũng được các đơn vị trường học chú trọng.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị, trong năm học tới, các Phòng GD&ĐT cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; tham mưu UBND cấp huyện để tuyển dụng, bố trí đội ngũ đảm bảo về số lượng và cơ cấu theo môn học; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng không tổ chức dạy học vì thiếu giáo viên...

Bên cạnh đó, tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung các nguồn lực để xây dựng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng trường tiểu học nhằm đảm bảo hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tạo nền tảng vững chắc, thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018.

Đức Tài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quang-binh-nang-chat-luong-doi-ngu-day-hoc-theo-chuong-trinh-moi-post647350.html
Zalo