Không để sinh viên thực hành khi chưa hiểu rõ thiết bị, quy chuẩn an toàn

Các trường có thể tìm hiểu thêm quy chuẩn an toàn trong các nhà máy, xí nghiệp; từ đó, xây dựng môi trường tiệm cận với nơi làm việc tương lai của sinh viên.

Thời gian qua, sự cố đáng tiếc tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp khiến một nam sinh tử vong trong giờ thực hành, đang ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận về vấn đề an toàn lao động trong quá trình thực hành tại các trường đại học và cao đẳng.

Điều này không chỉ phản ánh trách nhiệm của các cơ sở giáo dục mà còn đặt ra một thách thức lớn trong việc tạo ra môi trường học tập an toàn cho sinh viên. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện quy trình đảm bảo an toàn trong thực hành tại các trường đại học, cao đẳng khối ngành kỹ thuật trở nên vô cùng quan trọng.

Xây dựng các nội quy riêng biệt cho từng phòng thực hành, khu vực chuyên môn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn Mễ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho hay, nhà trường hiện có các ngành đào tạo kỹ thuật thực hành như cơ khí, tự động hóa, cơ điện tử, điện - điện tử, công nghệ ô tô. Đặc thù của các ngành này là chú trọng thực hành, chiếm khoảng 70% thời lượng đào tạo. Điều này đòi hỏi sự đảm bảo chất lượng và an toàn trong quá trình thực hành, từ trang thiết bị, quy trình vận hành, đến ý thức tuân thủ của người học.

 Thạc sĩ Nguyễn Văn Mễ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Mễ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: NVCC.

Vị Phó Hiệu trưởng cho biết, từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã xây dựng và liên tục cập nhật các quy định, quy trình nhằm đảm bảo an toàn lao động trong thực hành cho sinh viên. Các máy móc, thiết bị đều có nội quy, quy trình vận hành rõ ràng. Trước khi sinh viên sử dụng máy móc, giáo viên luôn hướng dẫn kỹ càng, đặc biệt nhấn mạnh các bước kiểm tra an toàn khi máy đang ở trạng thái tĩnh. Điều này nhằm giảm thiểu rủi ro cho người học trong quá trình vận hành.

“Mỗi ngành nghề đều có các tiêu chuẩn bảo hộ lao động riêng phù hợp với tính chất đặc thù, ví dụ như ngành công nghệ ô tô và cơ khí đòi hỏi sử dụng kính, mũ, giày chịu lực. Các trang thiết bị bảo hộ được đặt tại cửa phòng thực hành, sinh viên bắt buộc phải sử dụng đầy đủ trước khi tham gia. Để giám sát việc tuân thủ, ngoài đội ngũ giáo viên, nhà trường còn có sự kiểm tra thường xuyên của phòng Đào tạo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn. Đặc biệt, chúng tôi sẽ không để sinh viên thực hành khi chưa hiểu rõ thiết bị” - thầy Mễ chia sẻ thêm.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Mễ cũng khẳng định, từ trước đến nay, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp tai nạn nghiêm trọng nào. “Các vấn đề nhỏ như trầy xước tay đã được xử lý nhanh chóng tại chỗ nhờ các tủ sơ cứu đặt sẵn trong phòng thực hành. Điều này cho thấy hiệu quả của các biện pháp đảm bảo an toàn mà nhà trường đã áp dụng” - vị Phó Hiệu trưởng cho biết.

 Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh chú trọng đảm bảo an toàn trong thực hành cho sinh viên. Ảnh: website trường.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh chú trọng đảm bảo an toàn trong thực hành cho sinh viên. Ảnh: website trường.

Tương tự, tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa, nhà trường đang đang đào tạo một số ngành như điện công nghiệp, khai thác máy tàu thủy, quản lý khai thác công trình thủy lợi, nên rất chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho sinh viên trong các hoạt động thực hành và thực tập. Công tác này được triển khai thông qua nhiều hình thức, từ việc xây dựng nội quy tại trường, đào tạo lý thuyết về an toàn lao động, đến phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa chia sẻ: “Đối với các hoạt động thực hành, nhà trường đã xây dựng các nội quy riêng biệt cho từng phòng thực hành và khu vực chuyên môn.

Chẳng hạn, tại phòng thực hành chăn nuôi hoặc thú y, sinh viên được yêu cầu mặc đồ bảo hộ lao động phù hợp, như áo blouse hay trang phục bảo hộ đặc thù. Khi làm việc với hóa chất hoặc vật liệu nguy hiểm, các em phải đeo găng tay và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình pha chế, sử dụng hóa chất theo hướng dẫn của giảng viên. Tương tự, khi thực hành nghề điện, sinh viên được trang bị đồ bảo hộ và công cụ lao động phù hợp để đảm bảo an toàn khi thực hiện các hoạt động thực hành”.

Đặc biệt, nhà trường cũng lồng ghép an toàn lao động vào chương trình đào tạo thông qua các học phần chuyên biệt. Mỗi khi bắt đầu một môn học có phần thực hành, giảng viên sẽ phổ biến quy định an toàn cụ thể. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa chia sẻ rằng, điều này không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ quy trình, mà còn hình thành thói quen tuân thủ an toàn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: website trường.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: website trường.

Bên cạnh đó, vấn đề phòng chống cháy nổ cũng là một trong những ưu tiên quan trọng tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa.

“Hằng năm, nhà trường đều tổ chức các buổi tập huấn về an toàn cháy nổ, giúp sinh viên và giảng viên trang bị các kỹ năng cơ bản để nhận biết nguy cơ và cách xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra. Các buổi tập huấn này không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết, mà còn thực hành các tình huống khẩn cấp, giúp tạo phản ứng nhanh và chính xác khi có sự cố xảy ra trong khu vực thực hành” - vị Hiệu trưởng nói thêm.

Cũng theo thầy Huyền, việc đảm bảo an toàn trong suốt quá trình học tập và thực hành không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cam kết của nhà trường đối với sự phát triển bền vững và an toàn cho sinh viên.

Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), công tác đảm bảo an toàn trong thực hành, thí nghiệm được đặc biệt quan tâm. Đại diện nhà trường cho biết, trường đã xây dựng và triển khai các quy định về an toàn trong thực hành, thí nghiệm cho sinh viên, tùy theo đặc thù của từng ngành học và các xưởng thực hành.

Đối với các ngành kỹ thuật, nhất là những ngành có tính chất thực hành cao, nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn trong suốt quá trình học tập và thực hành, từ việc sử dụng thiết bị máy móc cho đến các quy trình vận hành. Các phòng thí nghiệm và xưởng sản xuất luôn được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cần thiết, đồng thời, có các quy trình cụ thể để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của sinh viên khi làm việc với công cụ và máy móc.

Ngoài việc thực hiện các biện pháp an toàn trong phòng thí nghiệm, trường còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của sinh viên trong các tình huống không mong muốn. Chính vì vậy, từ năm 2019, nhà trường đã mua bảo hiểm tai nạn cho sinh viên. Việc mua bảo hiểm giúp đảm bảo sự an toàn và yên tâm cho cả sinh viên và nhà trường, đặc biệt khi sinh viên thực hiện các công việc yêu cầu kỹ năng cao và có thể gặp các trường hợp hi hữu không đáng có.

Học hỏi quy chuẩn an toàn, xây dựng môi trường tiệm cận với các nhà máy, xí nghiệp

Ngoài công tác đào tạo, đảm bảo đầu ra cho sinh viên, việc liên kết với các doanh nghiệp cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục tìm hiểu thêm quy chuẩn an toàn trong các nhà máy, xí nghiệp; từ đó, xây dựng môi trường tiệm cận với nơi làm việc tương lai của sinh viên.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền chia sẻ, đối với các đợt thực tập tại doanh nghiệp, nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đảm bảo điều kiện thực hành an toàn cho sinh viên.

Trước khi đưa sinh viên đến thực tập, nhà trường yêu cầu doanh nghiệp cung cấp nội quy và các quy định về an toàn lao động tại đơn vị. Những nội quy này sau đó được giảng viên phụ trách phổ biến lại cho sinh viên, đồng thời, các thầy cô cũng có trách nhiệm giám sát, nhắc nhở sinh viên thực hiện đúng quy định trong suốt quá trình thực tập.

Không chỉ tại nơi thực tập, nhà trường còn đặc biệt lưu ý đến an toàn trong quá trình di chuyển của sinh viên, từ việc tổ chức đưa đón đến các biện pháp phòng ngừa rủi ro trên đường.

“Định hướng phát triển lâu dài, trọng tâm mà nhà trường muốn hướng tới là nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó đặc biệt chú trọng việc gắn kết giữa lý thuyết và thực hành nghề nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ địa phương, Bộ chủ quản, cũng như sự phối hợp từ các doanh nghiệp. Việc đầu tư thêm vào cơ sở vật chất, bao gồm các phòng thực hành, vườn trại và trang thiết bị chuyên dụng... là điều cần thiết để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho người học.

Hiện tại, cơ sở vật chất của nhà trường chỉ mới đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, nhưng để đạt chất lượng tốt hơn, cần có sự đầu tư mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa” - thầy Huyền bày tỏ.

 Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa bày tỏ rất cần sự quan tâm hỗ trợ để đạt chất lượng cơ sở vật chất tốt hơn. Ảnh: NVCC.

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa bày tỏ rất cần sự quan tâm hỗ trợ để đạt chất lượng cơ sở vật chất tốt hơn. Ảnh: NVCC.

Đề cao việc nhà trường phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, Thạc sĩ Nguyễn Văn Mễ cho biết, từ năm 2008, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đã hợp tác với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thông qua các dự án và chương trình tập huấn nâng cao. Tổ chức này không chỉ hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, mà còn định hướng thiết kế theo các tiêu chuẩn an toàn lao động quốc tế.

 Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh tăng cường liên kết với các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: website trường.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh tăng cường liên kết với các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: website trường.

Thầy Mễ cũng chia sẻ thêm: “Gần đây, nhà trường đã triển khai các quy định và quy chế, nhằm cụ thể hóa trách nhiệm của từng giáo viên, sinh viên sau khi tham gia tập huấn Chương trình Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp từ GIZ. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao ý thức và đảm bảo an toàn lao động trong giảng dạy và thực hành.

Ngoài ra, nhà trường cũng duy trì hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Họ không chỉ hỗ trợ về thiết bị hiện đại mà còn tham gia giảng dạy, tư vấn an toàn lao động dựa trên tiêu chuẩn thực tế tại doanh nghiệp. Nhờ đó, sinh viên khi tốt nghiệp, có thể đáp ứng ngay các yêu cầu của doanh nghiệp mà không cần đào tạo bổ sung”.

Anh Tú

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-de-sinh-vien-thuc-hanh-khi-chua-hieu-ro-thiet-bi-quy-chuan-an-toan-post247769.gd
Zalo