Đổi mới quản trị đại học trên cơ sở tự chủ gắn liền với đảm bảo chất lượng
Hội thảo do Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Ngày 14/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) phối hợp cùng Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 2024 với chủ đề “Đổi mới quản trị đại học trên cơ sở tự chủ đại học gắn liền với đảm bảo chất lượng”.
Đến tham dự hội thảo có Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương;
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga - Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội.
Về phía câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam có Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ; Tiến sĩ Trần Việt Anh – Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo, đại diện các cơ sở thuộc câu lạc bộ và hơn 150 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Mục đích của hội thảo nhằm tạo cơ hội trao đổi giữa các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia và các nhà nghiên cứu về chiến lược quản trị đại học hiệu quả, tận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu suất quản lý và đảm bảo chất lượng đào tạo.
Hội thảo cũng hướng đến việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình quản trị tiên tiến, thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
Khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Trần Việt Anh – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, quản trị đại học trên cơ sở tự chủ không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là giải pháp quan trọng giúp các trường đại học linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, từ đó tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, để thực hiện điều này một cách hiệu quả, Tiến sĩ Trần Việt Anh cho rằng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố như: Chuyển đổi số trong quản trị và giảng dạy; Đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo; Hợp tác quốc tế và phát triển chương trình đào tạo hướng tới sự bền vững; Huy động và quản lý các nguồn lực một cách bền vững bền vững.
Theo Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo quốc gia với chủ đề “Đổi mới quản trị đại học trên cơ sở tự chủ đại học gắn với đảm bảo chất lượng” là sự kiện ý nghĩa và kịp thời trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết: các cơ sở giáo dục đại học cần đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, trách nhiệm giải trình và đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.
Tiến sĩ Trần Việt Anh thông tin, với sự hưởng ứng tích cực từ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên cả nước, chúng ta rất vui mừng khi nhận được hơn 70 tham luận từ hơn 40 đơn vị từ các đại học, trường đại học trên địa bàn cả nước tham gia, tập trung vào các nội dung quan trọng như: Xu hướng quản trị đại học và đảm bảo chất lượng giáo dục; Chuyển đổi số trong quản trị và đào tạo; Phát triển nguồn lực trong bối cảnh tự chủ; Chiến lược hợp tác quốc tế và phát triển bền vững trong giáo dục đại học.
"Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia giáo dục hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo, hội thảo sẽ mang lại những ý tưởng mới mẻ, những giải pháp hữu ích, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam", Tiến sĩ Trần Việt Anh nhấn mạnh.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu lên một thực trạng hiện nay ở hệ thống giáo dục đại học ở một số nội dung: Hạn chế về tự chủ; Hệ thống quản trị và hạ tầng không đồng bộ; Lãnh đạo và văn hóa; Đội ngũ nhân sự chưa tối ưu.
Do đó, Giáo sư Phùng Xuân Nhạ cho rằng quản trị đúng phải bao gồm 4 nội dung: Định hướng, mô hình, chiến lược; Hệ thống quản trị vận hành; Lãnh đạo và văn hóa; Nguồn nhân lực quản trị.
Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, định hình, xây dựng tầm nhìn, mục tiêu phải rõ ràng rõ ràng chứ cứ dành thời gian nhiều cho tuyển sinh thì đến một lúc nào đó sẽ rơi vào bẫy của quy mô tuyển sinh...Do đó, thầy Nhạ có một số khuyến nghị đối với lãnh đạo trường đại học như sau:
Thứ nhất, xác định rõ định hướng mô hình và chiến lược phát triển của trường đại học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Thứ hai, xây dựng hệ thống quản trị vận hành hiệu quả thông qua hệ thống các văn bản, tài liệu đồng bộ, tinh gọn.
Thứ ba, đào tạo cán bộ giảng viên hiểu rõ, và có tinh thần đồng thuận thực hiện các mục tiêu chiến lược của trường đại học theo mô hình phát triển.
Thứ tư, xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực cho từng vị trí đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhằm xây dựng đội ngũ chất lượng.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá cao hoạt động và vai trò của Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định: Hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thúc đẩy nhận thức và tư duy, hành động, đến quá trình phát triển biện chứng trong quá trình tự chủ đại học ở Việt Nam.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, lãnh đạo Hiệp hội đánh giá cao vai trò Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và 25 câu lạc bộ còn lại trong việc phản biện, tư vấn xây dựng các chính sách.
Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là nội dung quan trọng, có cơ sở khoa học và thực tiễn để sửa Luật Giáo dục đại học và các nghị định có liên quan đến giáo dục đại học trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, hiện có nhiều quan niệm khác nhau về tự chủ đại học, tự chủ đại học không phải là tự túc về tài chính. Rõ ràng, khi tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục phải chứng minh rằng mình hoạt động hiệu quả, lúc này Nhà nước sẽ đầu tư cho trường nhiều hơn, chứ không phải tự chủ đại học là cắt chi thường xuyên, cắt chi đầu tư.
Do đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo cần đưa ra các ý kiến nhìn nhận thực tiễn xem thực hiện tự chủ hiện nay thì hệ thống chính sách còn những điểm nghẽn nào và có kiến nghị, đề xuất ra sao.
Hội thảo diễn ra 2 phiên:
Phiên thứ nhất: Đổi mới tự chủ đại học và quản trị đại học trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Phiên thứ hai: Phát triển bền vững trong giáo dục đại học: Vai trò của quản trị và đảm bảo chất lượng.