Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - vừa học vừa 'xoay' - Bài cuối: Sửa sai từ đâu?

Thực trạng học sinh quay lưng với các môn học khoa học tự nhiên đang là nỗi lo rất lớn… Muốn giải quyết phải đi từ gốc chứ không thể chỉ dồn gánh nặng tư vấn hướng nghiệp cho cấp THPT.

Báo động thiếu nguồn tuyển

Dự báo nhu cầu nhân lực của Việt Nam thời gian tới cần số lượng lớn liên quan đến các nhóm ngành của cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, việc Việt Nam “lót ổ đón đại bàng” các ngành công nghệ cao như vi mạch, bán dẫn, chip điện tử đang là thời cơ cho các trường đại học đào tạo các ngành Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính, Điện tử viễn thông… Tuy nhiên, các ngành học này đòi hỏi tư duy các môn khoa học tự nhiên.

Sự mất cân đối trong lựa chọn môn học (khoa học xã hội lấn át khoa học tự nhiên) đang là thách thức đối với chiến lược nhân lực quốc gia và là sự lo lắng thiếu nguồn tuyển của các trường ĐH. Tại Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, Bộ GD&ĐT dự kiến tăng quy mô đào tạo khối STEM (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học) trên 1 triệu người học vào năm 2030. Dự thảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045 cũng hướng đến tỉ lệ người theo học các ngành STEM đến năm 2030 là 35% ở mỗi trình độ đào tạo.

Phụ huynh, nhà trường mới chỉ quan tâm định hướng thi lớp 10, tuyển sinh ĐH cho học sinh, chưa thực sự hướng nghiệp sớm. Ảnh: Như Ý

Phụ huynh, nhà trường mới chỉ quan tâm định hướng thi lớp 10, tuyển sinh ĐH cho học sinh, chưa thực sự hướng nghiệp sớm. Ảnh: Như Ý

Thế nhưng, tỉ lệ học sinh lựa chọn các môn học cho khối ngành STEM ở bậc THPT lại rất thấp. Năm 2024, chỉ có 37% trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học). Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ sinh viên theo học các lĩnh vực STEM/tổng số sinh viên học đại học những năm gần đây dao động trong khoảng 27-30%. Quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM suy giảm một cách đáng lo ngại, chỉ chiếm chưa tới 4% tổng quy mô đào tạo các trình độ thuộc khối STEM và có sự khác biệt lớn giữa các lĩnh vực đào tạo.

Nhiều hiệu trưởng ở bậc THPT cho rằng, phần lớn học sinh đầu cấp, thậm chí cả phụ huynh thiếu thông tin hướng nghiệp. Ở bậc THCS, nơi phải thực hiện hướng nghiệp tốt cho học sinh trước khi vào THPT lựa chọn môn học thì thầy cô, nhà trường còn bận quay cuồng với các kì thi tuyển sinh vào lớp 10.

“Tỉ lệ nhân lực trình độ cao, nhất là trình độ thạc sĩ và tiến sĩ trong các lĩnh vực STEM thể hiện trình độ phát triển của khoa học công nghệ và của cả nền kinh tế. Đào tạo các trình độ sau đại học khối ngành STEM cung ứng nguồn nhân lực thiết yếu cho phát triển các lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ cao phục vụ chuyển đổi cơ cấu, phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quy mô đào tạo sau đại học thấp và khan hiếm là thực trạng đáng lo ngại đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh 4.0”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói.

Cần hướng nghiệp từ bậc THCS

Trong tham luận về hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại hội thảo khoa học về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Cao Thị Phương Chi và Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đưa ra kết quả khảo sát với 555 học sinh lớp 10, 11, 12 ở 9 tỉnh, thành. Trong đó gần 30% học sinh chưa nghĩ đến sẽ làm gì sau lớp 12. Hầu hết học sinh chỉ quan tâm đến phương án tuyển sinh nào đủ điều kiện để thi đỗ, chưa thực sự quan tâm đến nghề nghiệp phù hợp. Có 55,3% học sinh đã có dự kiến sơ bộ về tương lai, nhưng chỉ có 14,9% biết rõ mình sẽ làm gì.

Khảo sát cũng cho thấy, các hoạt động hướng nghiệp ở cấp THPT dồn vào năm cuối cấp, không mang nhiều ý nghĩa định hướng, không giúp học sinh đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp. Học sinh chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cha mẹ, mạng xã hội, thầy cô giáo trong khi các cơ sở đào tạo, các cơ quan về việc làm, lao động chưa có ảnh hưởng tới học sinh trung học.

Theo TS. Lê Đông Phương, việc hướng nghiệp sớm từ bậc THCS đa phần hình thức, không hiệu quả, cung cấp thông tin chung chung, mơ hồ. Giáo viên phụ trách hướng nghiệp kiêm nhiệm, ít người được bồi dưỡng, đào tạo về công tác hướng nghiệp. Những bất cập trong việc chọn môn học, chọn môn thi ở cấp THPT sẽ khó giải quyết nếu việc hướng nghiệp sớm cho học sinh từ cấp THCS không được cải thiện.

Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” (Đề án 522). Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng quá trình triển khai Đề án 522 vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến thiếu sự đồng bộ giữa các vùng miền, hạn chế về tài liệu, công cụ hỗ trợ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện, kinh phí triển khai, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, sự quan tâm, nhận thức của toàn xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, hoạt động hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh đã được thực hiện linh hoạt, lồng ghép chủ động trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, hướng nghiệp được thực hiện thông qua giảng dạy các môn văn hóa, hoạt động trải nghiệm, tổ chức học tập thông qua các dự án học tập, cuộc thi khởi nghiệp, khoa học kỹ thuật, ngày hội STEM… Bà Huyền đề xuất, cần cải tiến khung pháp lí về giáo dục phân luồng, xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh, cải tiến chương trình đào tạo sau THPT, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp, theo dõi và đánh giá hiệu quả phân luồng học sinh THPT, cùng cơ chế giám sát, đánh giá nâng cao hiệu quả chương trình.

Với quan điểm công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng phải bắt đầu từ nhu cầu của học sinh, bà Nguyễn Thị Thu Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, muốn học sinh có nhu cầu, sở thích hướng nghiệp thì toàn bộ giáo viên ở các trường học phải có nhận thức đầy đủ. Điều này cũng phù hợp với định hướng, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay, việc hướng nghiệp ở bậc THCS mới chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề học sinh học nghề sau THCS hay tiếp tục học THPT; học sinh THPT lựa chọn ngành học như thế nào để xét tuyển đại học. Hầu như chưa có chuyện tư vấn định hướng cho học sinh lựa chọn môn học như thế nào ở THPT. Phụ huynh cũng chỉ tập trung đầu tư để con đỗ lớp 10, chưa quan tâm đến lựa chọn môn học ở bậc THPT. Bởi đây là một hình thức mới, không theo nếp cũ. Có lẽ đã đến lúc Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT cần định nghĩa lại vấn đề tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-vua-hoc-vua-xoay-bai-cuoi-sua-sai-tu-dau-post1700543.tpo
Zalo