Quân và dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc: Vẹn nguyên ký ức của người bác sĩ quân y

Với 91 tuổi, 67 tuổi Đảng, 35 tuổi quân, nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An - Trung tá, Thầy thuốc Nhân dân Trần Tấn Tài tự hào đã sống một đời theo Đảng, theo cách mạng và hoàn thành sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc.

Điều ông hạnh phúc nhất là đã đi qua hai cuộc chiến, góp phần giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.

Nguyên Giám đốc Sở Y tế - Trung tá, Thầy thuốc Nhân dân Trần Tấn Tài. Ảnh: baolongan.vn

Nguyên Giám đốc Sở Y tế - Trung tá, Thầy thuốc Nhân dân Trần Tấn Tài. Ảnh: baolongan.vn

Lần đầu trực tiếp đánh đế quốc Mỹ

Trung tá - Thầy thuốc Nhân dân Trần Tấn Tài quê ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Sau giải phóng, ông chọn ở lại quê hương của vợ ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Trong ngôi nhà của hai ông bà ở Phường 4, thành phố Tân An hôm nay, chúng tôi được nghe câu chuyện của người bác sĩ quân y đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bác sĩ Trần Tấn Tài (thường gọi là Năm Tài) là y tá, hoạt động ở địa bàn Khu 8 bốn năm. Kết thúc cuộc kháng chiến, Việt Nam tạm thời bị chia cắt bởi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ phản bội Hiệp định Geneva 1954. Tháng 10/1954, ông được ra miền Bắc học bác sĩ quân y gần 2 năm, rồi đi thực tập ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

Sau Quốc khánh năm 1963, bác sĩ Năm Tài được điều vào chiến trường miền Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ.

Đầu năm 1964 về đến miền Nam, ông được biên chế vào đơn vị chủ công của Trung đoàn 2, hoạt động tại tỉnh Bà Rịa. Đơn vị đánh địch ở các ấp chiến lược xã Bình Châu, Bà Tô, Bưng Riềng thuộc quận Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa.

Năm 1965, tham gia chiến dịch Đồng Xoài, tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước), đơn vị ông được nhận lệnh tiêu diệt địch đóng giữ núi Bà Rá (lúc đó là tháng 6/1965) mưa rất nhiều, đánh địch vào lúc chiều, bắt sống 8 tù binh Ngụy.

Mùa khô năm 1967 (22/2/1967) địch mở cuộc càn quét rất lớn đánh vào Khu căn cứ của Bộ Chỉ huy miền ở tỉnh Tây Ninh. Cuộc càn quét mang tên Gian-xơn Xi-ty (Junction City). Quy mô lực lượng đế quốc Mỹ tham chiến là các Sư đoàn thiện chiến như: Anh cả Đỏ, Kỵ binh bay với hơn 1.000 xe tăng, có B52 - pháo đài bay ném bom rải thảm...

Cuộc càn kéo dài hơn 1 tháng. Chúng đổ quân xuống các trảng lớn ở trong rừng và đóng dã ngoại ở đó để lùng sục đánh vào các nơi đóng quân của ta.

“Tiểu đoàn trinh sát của tôi khi đó đóng quân gần trảng Bàu Cột, gần nơi đỗ quân dã ngoại của địch. Sau hơn 10 ngày đỗ quân địch đã đột kích vào nơi ở của chúng tôi. Thế là lần đầu tiên chúng tôi thật sự trực tiếp đánh lính Mỹ”, bác sĩ Năm Tài kể.

Như thường lệ, đội của ông thức dậy sớm cơm nước xong xuôi, sẵn sàng chiến đấu. Ông và một số người đang uống trà ở bếp Hoàng Cầm. Đồng chí Trường - y tá đứng gác địch vào báo cáo: Anh Năm, Mỹ tới! Ông Năm nói: Anh em C1 (tức Đại đội 1) đi vào Tiểu đoàn bộ chớ Mỹ nào? Trường nói: Nó nói tiếng Mỹ! Lập tức, tôi cho anh em nhanh chóng ra các hầm công sự chiến đấu.

Sau mấy phút nổ súng chiến đấu, đồng chí Trung bò qua hầm của ông báo cáo: Lấy được của địch 2 dao đi rừng, 3 băng đạn AR15 và 1 mũ sắt bỏ lại khi chúng lùi ra xa. Ông viết vội mấy dòng chữ báo cáo cho Thủ trưởng Tiểu đoàn về việc đánh địch của quân y Tiểu đoàn, đồng thời xin tăng cường lực lượng vì súng đạn của quân y hiện không giữ được trận địa lâu.

Nữ y tá Sinh mang thư trực tiếp vào Tiểu đoàn, y tá Hồng đã hy sinh do đạn pháo của địch. Đồng đội chôn cất y tá Hồng vào tối hôm ấy. Liệt sĩ Hồng hiện được người em trai thứ 8 - chú Tám Sậm ở huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre thờ cúng.

Trang thông tin của tỉnh Tây Ninh ghi: Cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, với tham vọng lớn nhất được Bộ Tư lệnh Mỹ đặt niềm tin vào thắng lợi nhiều nhất, đã được mở màn và triển khai theo kế hoạch một cách hoàn hảo nhất. Thế nhưng cuối cùng quân đội Mỹ lại không đạt được bất cứ mục tiêu nào dù là nhỏ nhất, mà lại bị thiệt hại nặng nề nhất. Qua 53 ngày đêm (từ ngày 22/2/1967 đến 15/4/1967) chiến đấu dũng cảm quân, dân vùng căn cứ và quân, dân Tây Ninh đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân lớn nhất của quân đội Mỹ. Lực lượng vũ trang giải phóng đã diệt gọn 2 tiểu đoàn, 11 đại đội bộ binh, tiểu đoàn pháo binh, 9 chi đoàn xe thiết giáp, tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, loại khỏi vòng chiến đấu 14.233 tên Mỹ (1/3 quân số), phá hủy 992 xe (có 775 xe thiết giáp), 112 trong số 256 khẩu pháo, bắn rơi 160 máy bay, trong đó có 144 trực thăng, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ.

Điều gì đã giúp cho Quân Giải phóng bảo toàn được lực lượng, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam và các kho tàng dự trữ cho cuộc chiến tranh. Điều này chỉ có thể lý giải là Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam đã vận dụng sáng tạo nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh nhân dân của Đảng, chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Cứu chữa thương binh trên đỉnh núi

Tết Mậu Thân 1968, đơn vị ông Năm Tài tham gia đánh vào Sài Gòn - địa bàn Hóc Môn. Sau hơn 1 tháng quần nhau với địch thì được lệnh rút về căn cứ vì chưa giành được mục tiêu Tổng công kích. Tiểu đoàn của ông mất một đại đội ở sân bay Biên Hòa (đơn vị hy sinh hết).

Năm 1972, ông tham gia chiến dịch Quang Trung đánh địch ở Tiểu khu An Lộc, tỉnh Bình Long (đường lên Lộc Ninh ngày nay).

Cuối năm 1974 đến tháng 2/1975, ông là Đội trưởng đội phẫu thuật phục vụ các đơn vị đánh địch ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Đây là trận chiến ác liệt nhất trong suốt quá trình chiến đấu của Thầy thuốc Nhân dân Trần Tấn Tài.

Trong trận chiến ác liệt đó, có lúc trạm quân y tiếp nhận, điều trị cho một lúc 80 thương binh trong điều kiện thiếu thuốc, vật tư y tế. Bác sĩ cùng đội phẫu thuật phân loại bệnh, rồi tập trung giải quyết ca nặng trước.

Những thương binh nhẹ sau đó trả về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Thương binh nặng nằm nhiều, vượt điều kiện khả năng hiện có, cần phải phẫu thuật trạm tổ chức chuyển về bệnh viện tuyến sau. Đây là một thử thách: pháo bom của địch đánh trên lối đi. Do đó tùy bệnh, tùy từng trận đánh mà chuyển ban ngày hay đêm. Đường núi khó đi, tất cả đều đi bộ và cáng thương bằng sức người. Mỗi cáng thương sẽ có 4 người, cứ 2 người khiêng lại 2 người nghỉ. Đường đêm chỉ có đèn dầu soi sáng.

Bác sĩ lúc bấy giờ rất ít. Lúc chiến trường ác liệt nhất ở núi Bà Đen giai đoạn 1972 - 1975 cũng chỉ có bác sĩ Năm Tài và bác sĩ Bé, chia ra mỗi người chịu trách nhiệm, cùng với đội phẫu thuật vài ba chục người.

Trận chiến ác liệt nhưng cuối cùng ta giành được thắng lợi, địch rút chạy về thị xã Tây Ninh. Núi Bà Đen được giải phóng tháng 2/1975.

Tháng 3/1975, đơn vị ông được tăng cường cho Quân đoàn 3, đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, huyện Củ Chi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - là trận đánh cuối cùng của đơn vị trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Suốt 12 năm tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam, Trung tá - Thầy thuốc Nhân dân Trần Tấn Tài đều hoàn thành nhiệm vụ, không ngại gian khổ và ác liệt bom đạn của kẻ thù, dù ở căn cứ hay chiến trường của các chiến dịch. Ông được trao tặng nhiều Huy chương trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

Sau giải phóng, ông lại lên đường cùng lực lượng Quân khu 7 chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng. Khi đang ở chiến trường Campuchia, ông được tỉnh Long An làm đơn xin Bộ Quốc phòng cho chuyển ngạch. Đến năm 1983, ông trở về làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở Y tế Long An vào năm 1987 liên tục đến năm 1999 thì nghỉ hưu.

Điều khiến ông đặc biệt hạnh phúc là chứng kiến ngày đất nước hòa bình, thống nhất, được góp phần cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng đất nước, đặc biệt là ngành Y tế ngày càng lớn mạnh.

Đức Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/quan-va-dan-mien-nam-trong-cuoc-dau-tranh-giai-phong-dan-toc-ven-nguyen-ky-uc-cua-nguoi-bac-si-quan-y-20250430162854834.htm
Zalo