Quan tâm phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Những năm qua, sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục dân tộc của tỉnh Khánh Hòa·đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Thực hiện nhiều giải pháp
Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện tốt chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh (HS), sinh viên vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, tỉnh còn có các chính sách riêng đối với lĩnh vực giáo dục dân tộc như: Miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ 30% học phí cho trẻ em học mẫu giáo, HS phổ thông là người DTTS tại các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mẫu giáo thuộc huyện đảo Trường Sa, trẻ mẫu giáo và HS phổ thông là người DTTS tại huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; hỗ trợ tiền ăn trưa, học bổng, quần áo cho HS; các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên... Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát triển, củng cố hệ thống trường mầm non, phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để con em người đồng bào DTTS đến trường.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cam Ranh.
Thầy Lê Văn Nam - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Cam Ranh cho biết, HS của trường được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ; nhà trường được các cấp, ngành quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Năm học 2023 - 2024, trường được xây mới 4 phòng thực hành bộ môn, nâng cấp khu nội trú, nhà ăn, nhà bếp... từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với kinh phí 14 tỷ đồng. Năm học 2024 - 2025, trường được đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại cho phòng học tiếng Anh và các phòng học bộ môn. Sự quan tâm, đầu tư đó đã tạo điều kiện cho nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ bỏ học giảm dần, năm học vừa qua không có em nào bỏ học. Tỷ lệ HS giỏi tăng, trường đạt nhiều giải ở các cuộc thi cấp thành phố và cấp tỉnh.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng HS bỏ học và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục miền núi, tiểu học, THCS, ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt trong hè cho trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1 và các HS hạn chế về tiếng Việt; lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho HS người DTTS trong các môn học, hoạt động giáo dục; tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; tổ chức cho trẻ mẫu giáo, tiểu học học 2 buổi/ngày và ăn bán trú; huy động nguồn xã hội hóa từ các tập thể, cá nhân để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học, áo quần… cho HS, vật dụng phục vụ bếp ăn bán trú và sửa chữa, cải tạo khuôn viên nhà trường.
Ông Lê Minh Trung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Hằng năm, Ban chỉ đạo xóa mù chữ và phổ cập giáo dục huyện đều chú trọng việc nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ các HS có hoàn cảnh khó khăn về chi phí, sách vở, dụng cụ học tập... Nhiều trường như: Tiểu học Liên Sang, Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh, Tiểu học Khánh Nam... đã huy động nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trong đó có các bếp ăn tập thể với trang thiết bị khá đầy đủ, hiện đại để phục vụ nhu cầu bán trú cho HS, góp phần giảm tỷ lệ bỏ học. Nếu như trước đây, tỷ lệ bỏ học trung bình từ 5 - 6% mỗi năm thì hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 0,03% ở cấp tiểu học và từ 1 - 2% ở cấp THCS”.
Nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các chính sách
Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, khó khăn. Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc và sinh hoạt cho HS nội trú tại các trường phổ thông dân tộc nội trú nhìn chung còn bất cập; định mức về kinh phí và chế độ ăn cho HS nội trú chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Chất lượng giáo dục đối với HS người DTTS tuy được nâng lên nhưng vẫn còn khoảng cách với các vùng khác.
Thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về dân tộc đã ban hành đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường rà soát, đánh giá để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dạy, người học và cơ sở giáo dục ở vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường, điểm trường có nhiều HS người DTTS theo học; tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản nâng định mức về chế độ cho HS tại các trường phổ thông dân tộc nội trú sát với tình hình thực tế và có chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại các trường này.
Toàn tỉnh hiện có 58 trường mầm non có trẻ DTTS (trên tổng số 205 trường mầm non) với gần 5.000 trẻ (chiếm 9,3%), tỷ lệ huy động trẻ DTTS ra lớp đạt 52,7%; 64 trường tiểu học với 118 điểm trường có HS người DTTS (trên tổng số 189 trường có HS tiểu học), với gần 9.000 HS (chiếm hơn 8%); 118 trường THCS, trong đó có gần 5.000 HS người DTTS (chiếm 6,6%); 32 trường THPT, trong đó có 900 HS người DTTS (chiếm 0,02%). Ngoài ra, có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh và 4 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS tại các địa phương Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh, Ninh Hòa, với tổng số 1.120 HS.