Chị em đồng bào Pa Cô đêm đêm soi đèn đi học

Ban ngày tất bật cùng nương rẫy, việc gia đình, đêm đến các chị, các mẹ đồng bào Pa Cô ở vùng biên huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lại í ới nhau soi đèn băng rừng, băng suối đến lớp học xóa mù chữ.

Là cô gái gốc Lào lấy chồng Việt Nam, sinh sống tại huyện miền núi Hướng Hóa nên việc nói và viết tiếng Việt với chị Hồ Thị Mai (trú thôn Kỳ Tăng, xã Lìa) gặp nhiều khó khăn. Khi giao tiếp với người bản địa, chị Mai có nhiều bất đồng về ngôn ngữ nên khó khăn trong truyền tải thông tin.

Lớp học xóa mù chữ vào ban đêm tại xã Lìa.

Lớp học xóa mù chữ vào ban đêm tại xã Lìa.

Khi hay tin chính quyền mở lớp xóa mù chữ, chị Mai đăng ký tham gia ngay. Dù công việc bận rộn "đầu tắt mặt tối" trên nương rẫy, tối về phải về lo cơm nước cho gia đình, đường đi học thì xa, gập ghềnh nhưng chị Mai không nề hà vẫn từng đêm chăm chỉ đến lớp.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, lớp học xóa mù chữ tại xã Lìa do Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing phối hợp với đơn vị này tổ chức từ đầu tháng 3/2024.

Hiện lớp học này có 20 học sinh là phụ nữ người Pa Cô, từ 21 đến 50 tuổi, học vào buổi tối thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Họ là những người phụ nữ thuộc các thế hệ khác nhau nhưng đều có chung mong ước được biết chữ, mở mang kiến thức, phát triển bản thân.

Học sinh cũng đa dạng lứa tuổi từ 21 - 50.

Học sinh cũng đa dạng lứa tuổi từ 21 - 50.

Chị em người Pa Cô được thầy, cô dạy từ đánh vần, cách cầm bút viết chữ và học những phép tính cơ bản rồi học nâng cao lên. Ngoài dạy đọc, viết, tính toán, các thầy, cô còn truyền đạt nhiều kỹ năng sống, góp phần nâng cao nhận thức của bà con về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như công tác bảo vệ chủ quyền nơi biên giới.

Là bạn học của chị Mai, chị Hồ Thị Di (trú thôn Kỳ Tăng) cho biết, do muốn biết được con chữ để viết tên của mình và người thân. Rồi xa hơn chị có thể đọc sách báo, có thể tự tin mà dạy con cái, cũng là tấm gương để con cháu noi theo.

"Lúc mới tham gia học chữ, học số thấy khó lắm nhưng được thầy cô chỉ bảo nên giờ thấy dễ hơn rồi. Chúng tôi hy vọng rằng, sau khi hoàn thành khóa học, sẽ biết tính toán, tìm một công việc tốt hơn để thay đổi cuộc sống nghèo khó", chị Di chia sẻ.

Những người phụ nữ Pa Cô vừa chăm con vừa học chữ.

Những người phụ nữ Pa Cô vừa chăm con vừa học chữ.

Cô giáo Trần Thị Châu, đứng lớp xóa mù chữ cho biết, từ khi lớp được mở, các chị, các mẹ tham gia rất nhiệt tình, tích cực. Nhiều phụ nữ Pa Cô dù ở xa, đường đến lớp khó khăn nhưng chưa lần nào vắng mặt. Mỗi tối, dù 19h buổi học mới bắt đầu nhưng 18h30, chị em người Pa Cô tại xã Lìa có mặt, ổn định chỗ ngồi và cùng nhau ôn bài cũ.

Trong đêm tối, tiếng ê a đánh vần của chị em người Pa Cô vang lên giữa núi rừng. Những đôi tay chai sần, thô ráp vì cầm cuốc, cầm rựa làm nương dần viết ra những con chữ mềm mại.

Ngoài sách vở, những người phụ nữ Pa Cô chuẩn bị sẵn cho mình những chiếc đèn sáng để băng rừng, lội suối đến lớp.

Ngoài sách vở, những người phụ nữ Pa Cô chuẩn bị sẵn cho mình những chiếc đèn sáng để băng rừng, lội suối đến lớp.

"Quá trình dạy học cũng có không ít khó khăn, một số chị em chưa rành tiếng Kinh, một số lớn tuổi việc tiếp thu chưa được nhanh... Thầy cô cùng các trò cố gắng rèn dũa dần dần cũng ổn định. Chúng tôi vui vì các học sinh đều ham học và nỗ lực vượt khó", cô Châu chia sẻ.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết thêm, hiện toàn huyện có 12 lớp xóa mù chữ được tổ chức với 282 học sinh tham gia.

"Mỗi lớp học có 20 - 25 học sinh. Học ở đây, một kỳ kéo dài tới hơn 17 tháng và chia làm 2 giai đoạn khác nhau. Ngoài dạy đọc, viết, tính toán, các thầy cô còn truyền đạt nhiều kỹ năng sống, góp phần nâng cao nhận thức của bà con", bà Nga nói.

Những đôi tay chai sần, thô ráp vì cầm cuốc, cầm rựa làm nương dần viết ra những con chữ mềm mại.

Những đôi tay chai sần, thô ráp vì cầm cuốc, cầm rựa làm nương dần viết ra những con chữ mềm mại.

Bà Nga kỳ vọng, từ các lớp học xóa mù chữ, sẽ biến ước mơ đọc chữ, cầm bút viết của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Hướng Hóa trở thành hiện thực. Từ đó họ tiếp cận với sự tiên tiến của xã hội, áp dụng vào thực tiễn để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Đan Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chi-em-dong-bao-pa-co-dem-dem-soi-den-di-hoc-169250220132955959.htm
Zalo