An sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên: Hỗ trợ vay vốn, tạo công ăn việc làm

Đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm qua, với ý chí tự lực, tự cường, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các mô hình khởi nghiệp đã tạo lực đẩy giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, anh Touneh Thức (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, anh Touneh Thức (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Trao “cần câu cơm”

Những năm qua, tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, hàng trăm lao động trên địa bàn đã được công an huyện kết nối với doanh nghiệp, tạo việc làm. Nhờ đó, bà con có công ăn việc làm ổn định, kinh tế dần phát triển. Thượng tá Nguyễn Trung Hữu, Trưởng Công an huyện Cư Jút, cho biết, qua công tác nắm địa bàn, anh nhận thấy, vùng DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bà con không có việc làm ổn định, tư liệu sản xuất thiếu… Thượng tá Hữu đã trực tiếp kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết nhu cầu lao động cho địa phương. Từ cầu nối đó, hàng trăm lao động đã được đào tạo nghề nghiệp và có việc làm ổn định.

Như chị H Chen (29 tuổi, trú huyện Cư Jút) trước đây không có công việc ổn định, thêm phần cha mẹ già mất sức lao động, 3 con thì còn nhỏ, khiến cuộc sống gia đình chị rất chật vật. Năm 2022, chị được Thượng tá Nguyễn Trung Hữu giới thiệu vào làm việc tại Công ty Đức Giang (huyện Cư Jút). Nhờ chăm chỉ làm việc, nâng cao tay nghề, đến nay chị H Chen đã có mức lương hơn 12 triệu đồng/tháng, kinh tế gia đình ổn định.

Mô hình trao “cần câu cơm” cho người nghèo cũng được Đại úy Nguyễn Trung Hải, Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) thực hiện, góp phần đổi thay nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn ở huyện Cư Mgar. Phát động chương trình từ năm 2016, đến nay, Đại úy Nguyễn Trung Hải đã trao hàng chục cặp dê giống cho các hộ nghèo để họ tự phát triển kinh tế. Nhờ có “cần câu cơm”, nhiều hộ dân đã tự “câu con cá” và vươn lên thoát nghèo. Như gia đình ông Tưởng Xuân Ứng (xã Ea Mdroh, huyện Cư Mgar), được Đại úy Nguyễn Trung Hải hỗ trợ cặp dê giống từ năm 2018, đến nay đã có một đàn dê hàng chục con. Từ việc bán dê thương phẩm và dê giống, gia đình ông Ứng đã vươn lên thoát nghèo.

Tìm mọi nguồn lực để giảm nghèo

Thời gian qua, hàng loạt dự án giảm nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia đã được triển khai thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là vùng DTTS. Qua đó, bộ mặt của các buôn làng đã khởi sắc, kinh tế người dân dần phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cho biết, thời gian qua, đơn vị ưu tiên các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia để giúp dân phát triển vườn dược liệu quý; kết nối các doanh nghiệp uy tín để người dân được xuất khẩu lao động, hoặc tham gia chuỗi liên kết sản xuất; tập trung bảo tồn văn hóa đồng bào Xơ Đăng để phục vụ du lịch.

Nhờ phát triển được 1.267ha dược liệu quý, có nguồn thu ổn định, bà con đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Chỉ tính riêng giai đoạn 2019-2021, huyện Tu Mơ Rông có 1.761 hộ thoát nghèo, trong số đó có 70% số hộ thoát nghèo là nhờ trồng dược liệu.

Theo Tỉnh ủy Kon Tum, tháng 3-2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 133 để phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình dân vận khéo gắn với cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững tại thôn làng. Trong đó, Tỉnh ủy phân công 58 cơ quan, đơn vị là các sở, ban, ngành và doanh nghiệp cấp tỉnh phụ trách giúp đỡ 57 thôn làng thuộc 8 xã của 3 huyện Đăk Glei, Kon Plông và Tu Mơ Rông. Việc ban hành Kế hoạch 133 nhằm mục đích huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị để triển khai hiệu quả mô hình dân vận khéo, nhằm giúp nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, tỉnh Gia Lai, cho biết, hiện nay địa phương ưu tiên triển khai các nhiệm vụ như tập trung nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để cải tạo vườn tạp, tạo vốn làm ăn; xúc tiến đào tạo nghề, xuất khẩu lao động và tạo việc làm tại chỗ; đồng thời đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS. Song song đó, địa phương còn kêu gọi doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia hỗ trợ xóa nhà dột nát; tạo công ăn việc làm nhằm giúp mỗi hộ gia đình có ít nhất một người làm công nhân, từ đó thoát nghèo bền vững. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, thời gian qua, trung bình mỗi năm, địa phương đã giảm 5% số hộ nghèo.

Tại tỉnh Lâm Đồng, trong những năm qua, nhờ nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng với sự nỗ lực phát triển kinh tế của người dân, hàng ngàn hộ tại các xã vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào DTTS đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục tăng trưởng vượt bậc, với các mục tiêu giảm nghèo đạt nhiều kết quả rõ rệt từ đầu năm 2023. Đến nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi tại Lâm Đồng còn 4.549 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,65% (giảm 2,9% so với cuối năm 2021); có 6.905 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,57%.

Là một trong những hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo tại thôn 2, xã Blá, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), vợ chồng chị Ka Diễm gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Gia đình chị phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, không có đất sản xuất và thiếu vốn làm ăn. Năm 2020, chị được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm hơn 50 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi. Chị Ka Diễm đã mua giống heo rừng lai và giống dê lai về nuôi. Sau hơn 2 năm, đàn heo của gia đình chị phát triển khá tốt, sinh sản được hơn 20 con, đàn dê hơn 6 con, giúp gia đình vừa bán thịt thương phẩm vừa bán con giống, thu nhập đã khá ổn định. Từ đó, gia đình chị Ka Diễm có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tương tự, chị Touneh Ma Tina (sinh năm 1992, thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) được tiếp cận vay tín chấp 200 triệu đồng từ mô hình đoàn thanh niên khởi nghiệp. Từ đây, chị tiếp tục hoàn thiện khu nhà kính hiện đại hơn, trồng ớt ngọt, mang về doanh thu 600-700 triệu đồng/sào/năm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Lâm Đồng, cho biết, đơn vị tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Trong đó, chú trọng các giải pháp khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Ngoài ra, đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng thu hút lao động qua đào tạo nghề. Sự hợp tác này được thực hiện từ khâu xây dựng nội dung chương trình, tổ chức đào tạo đến việc tiếp nhận người học nghề vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Đắk Lắk, nhận định, hiện nay cả hệ thống chính trị đều tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng DTTS. Các chính sách đào tạo nghề, tư vấn việc làm, hỗ trợ con giống, cây giống, kỹ thuật canh tác… được ưu tiên cho vùng DTTS để người dân có sinh kế thoát nghèo. Tuy nhiên, nguồn lực lớn nhất để thoát nghèo chính là ý chí tự lực, tự cường, cần cù, siêng năng của chính bản thân người dân.

MAI CƯỜNG - ĐOÀN KIÊN - HỮU PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/an-sinh-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-tay-nguyen-ho-tro-vay-von-tao-cong-an-viec-lam-post782629.html
Zalo