Quán mì 'độc lạ' chỉ 1.000 đồng/bát, 'nếu không có tiền xin trả nụ cười'

Tô mì đầy chất dinh dưỡng nhưng chi phí chỉ 1.000 đồng, nếu không có tiền xin trả nụ cười. Điều đặc biệt là, toàn bộ số tiền của khách sẽ được góp để hỗ trợ xây dựng cầu đường. Quán ăn 'độc lạ' này ở Bình Dương đã thu hút hàng trăm khách mỗi ngày.

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến một quán ăn ở bãi đất trống trên quốc lộ 13 thuộc khu phố Bình Đức 2 (phường Bình Hòa, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương). Quán bắt đầu phục vụ từ 16 giờ chiều, nhưng trước đó đã có khách chờ sẵn. Hơn 10 bàn, thực khách thay phiên nhau ngồi đầy chỗ.

Quán ăn trả phí bằng… nụ cười

Gọi là quán nhưng rất đơn giản, gần gũi với người dân, đặc biệt là công nhân lao động. Tủ kính chất đầy thức ăn, gồm mì gói, trứng gà luộc, xúc xích, các gia vị. Một nồi nước lèo to liên tục đỏ lửa để hâm nóng, bên trong hầm xương, bắp, các loại củ… trông rất hấp dẫn, mùi vị cuốn hút thực khách.

Video: Quán ăn đặc biệt, thu hút hàng trăm khách mỗi ngày

Trên tủ có dán một tờ giấy ghi: “Tự nhiên như ở nhà”; “Tiệm mì 1.000 đồng, nếu không có tiền xin trả nụ cười”. Có lẽ, nhờ những dòng chữ này, vị khách nào tới đây cũng rất tự nhiên, ai cũng nở nụ cười vui vẻ.

Thực khách đến đây rất đa dạng, từ trẻ em, học sinh, công nhân, cụ già neo đơn, người bán vé số đến cả nhân viên văn phòng.

Đến đây ăn lần thứ 2, chị Thu Thủy, công nhân đang ở trọ tại phường Bình Hòa (TP.Thuận An) chia sẻ: “Tô mì rất ngon đã thu hút tôi ghé đến lần thứ 2. Đến đây ăn thấy ai cũng cười vui như người trong một gia đình vậy. Ban đầu, tôi cũng thấy áy náy vì một tô mì như thế này nếu đi ăn chỗ khác ít nhất cũng phải 25.000 đồng, trong khi ở đây chỉ 1.000 đồng. Chị chủ quán hay động viên mọi người, cứ ăn uống cho no để làm việc, có tiền thì bỏ vào thùng, không thì thôi đừng ngại”.

Người nghèo cũng làm từ thiện

Chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong, chị Lê Nguyễn Thị Phương Thảo (44 tuổi) cho biết, quán ăn đặc biệt này do chị sáng lập, xuất phát từ suy nghĩ muốn tiếp sức cho người dân khó khăn, đặc biệt là công nhân lao động xa quê. Quán ăn nằm trong khu vực trưng bày gốm sứ truyền thống của gia đình chị Thảo.

Chị Lê Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ quán ăn chia sẻ về việc hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Chị Lê Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ quán ăn chia sẻ về việc hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Về kinh phí để thực hiện quán ăn này, chị Thảo cho biết, gia đình làm nghề gốm sứ truyền thống, dù kinh tế cũng chỉ ở mức bình thường nhưng theo chị, bản thân còn may mắn hơn rất nhiều hoàn cảnh khác. “Mỗi ngày, quán phục vụ hơn 300 khách. Chi phí mỗi ngày hơn 3 triệu đồng, trong đó gia đình bỏ ra 1 triệu đồng, còn lại từ bạn bè, người thân và nhà hảo tâm góp vào. Những người tham gia phục vụ quán đều làm việc cho cơ sở gốm sứ của gia đình”- chị Thảo nói và cho biết quán ra đời hơn 1 tháng qua, ban đầu toàn bộ chi phí đều do gia đình bỏ ra.

Chị Thảo cũng cho biết thêm, chị không bố trí người thu tiền mà đặt thùng giấy để khách tự bỏ vào, làm như vậy mọi người đến ăn sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Khách đến ăn không có tiền trả, vẫn vui vẻ ra về.

Quán ăn 1.000 đồng/tô mì, nhưng nếu ai không có tiền chỉ cần trả bằng nụ cười

Quán ăn 1.000 đồng/tô mì, nhưng nếu ai không có tiền chỉ cần trả bằng nụ cười

Khách đến đây ăn từ trẻ nhỏ đến người già

Khách đến đây ăn từ trẻ nhỏ đến người già

Khi được hỏi, vì sao một tô mì giá 1.000 đồng nhưng nhiều người ăn xong, bỏ vào thùng vài nghìn, thậm chí vài chục nghìn? Chị Thảo cười và nói: “Hầu hết thực khách đến đây ăn đều biết ý nghĩa của quán, nên ai cũng vui vẻ. Tôi lấy danh dự để cam đoan, tất cả số tiền mà khách đến ăn trả sẽ gom góp lại để đi hỗ trợ xây dựng cầu đường cho bà con đi lại được thuận lợi”.

Quán ăn hoạt động từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, bắt đầu từ 16 đến 18 giờ, có khi tới 19 giờ vẫn còn khách. Đây cũng chính là điểm khác biệt so với những quán ăn từ thiện khác, thường chỉ phục vụ buổi sáng và trưa.

Anh Trần Công Tuấn, công nhân làm việc tại công ty gỗ trên địa bàn thành phố Thuận An chia sẻ: “Buổi sáng, tôi mua ổ bánh mì, ăn vội để vào nhà máy, trưa ăn tại công ty. Kể từ khi quán ăn của chị Thảo ra đời, gia đình tôi không còn lo lắng bữa ăn tối. Trên đường về, vợ chồng ghé vào ăn rất thuận tiện. Vợ chồng ghé đây ăn nhiều ngày rồi, rất hợp vị”.

Theo lời chị chủ quán, người đến đây ăn hầu hết có hoàn cảnh khó khăn nhưng họ có lòng tự trọng, họ hay nói bán cơm cho người nghèo, nhưng tiêu chí của quán là phục vụ bà con chưa giàu thôi.

Quán ăn đặt tại bãi đất trống trên quốc lộ 13

Quán ăn đặt tại bãi đất trống trên quốc lộ 13

Nhiều gia đình 3 thế hệ đều tới quán ăn đặc biệt này

Nhiều gia đình 3 thế hệ đều tới quán ăn đặc biệt này

Quán ăn bố trí thùng tiền để khách tự bỏ vào

Quán ăn bố trí thùng tiền để khách tự bỏ vào

“Tôi sinh hoạt với mọi người, mang đến bữa ăn đàng hoàng, tập trung vô chất lượng, bán chứ không cho, nên khách đến phải phục vụ tử tế, chu đáo. Mọi người xem nhau như người nhà, ai cũng có phước. Số tiền sau này mang đi làm việc thiện, các vị khách chính là nhà hảo tâm. Tôi muốn mọi người hiểu rằng, kể cả người nghèo cũng có thể làm từ thiện bằng những đồng tiền từ mồ hôi, công sức của họ”- chủ quán ăn chia sẻ.

Hương Chi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quan-mi-doc-la-chi-1000-dongbat-neu-khong-co-tien-xin-tra-nu-cuoi-post1719972.tpo
Zalo