Quản lý thị trường kiểm tra 9.902 vụ dịp Tết Ất Tỵ

Trong tháng cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Ất Tỵ 2025, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 9.902 vụ.

Kiểm tra 9.902 vụ, xử lý 8.560 vụ việc vi phạm

Trong Hội nghị tổng kết Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng cao điểm, toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như: Bánh, kẹo, xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm đóng gói sẵn, an toàn vệ sinh thực phẩm... trong đó, chú trọng kiểm tra các mặt hàng cấm như pháo các loại và đồ chơi nguy hiểm.

Theo đó, từ ngày 1/11/2024 đến ngày 10/2/2025, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 9.902 vụ; phát hiện, xử lý 8.560 vụ vi phạm; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 59 vụ có dấu hiệu hình sự; tổng số tiền xử lý 212 tỷ đồng, trong đó: Thu nộp ngân sách nhà nước 125 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 55 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 32 tỷ đồng.

Từ ngày 1/11/2024 đến ngày 10/2/2025, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 9.902 vụ; phát hiện, xử lý 8.560 vụ vi phạm. Ảnh: Quyên Lưu

Từ ngày 1/11/2024 đến ngày 10/2/2025, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 9.902 vụ; phát hiện, xử lý 8.560 vụ vi phạm. Ảnh: Quyên Lưu

Một trong những điểm nóng, thu hút sự quan tâm của người dân và xã hội trong dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán là lĩnh vực an toàn thực phẩm. Riêng lĩnh vực này, trong giai đoạn cao điểm, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.890 vụ, xử lý 1.606 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 13,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 14,3 tỷ đồng.

Những vụ việc nổi bật phải kể đến như: Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị kiểm tra phương tiện vận tải ngăn chặn gần 2 tấn thực phẩm nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường tiêu thụ.

Tại Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại Mê Linh, Thanh Trì phát hiện, tạm giữ gần 10 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc; kiểm tra cơ sở kinh doanh, phát hiện, tạm giữ trên 13 tấn thực phẩm có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa trên 1,8 tỷ đồng.

Tại Bắc Ninh, lực lượng đã kiểm tra, ngăn chặn kịp thời 3 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y đang trên đường tiêu thụ.

Tại Thanh Hóa, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện gần 1,8 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu…

Tại Quảng Ninh, lực lượng kiểm tra, thu giữ hơn 2.000 hộp kẹo táo đỏ không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên TikTok, trị giá hàng hóa theo niêm yết trên 345 triệu đồng.

Đối với một số lĩnh vực khác như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, một số mặt hàng nóng như: xăng dầu, thuốc lá, phân bón, vật tư nông nghiệp... tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.

An toàn thực phẩm - lĩnh vực kiểm tra trọng tâm của lực lượng trong cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: Bình Dương

An toàn thực phẩm - lĩnh vực kiểm tra trọng tâm của lực lượng trong cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: Bình Dương

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, trong tháng cao điểm, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương nắm tình hình cung cầu, giá hàng hóa. Cùng đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các siêu thị, chợ đầu mối; xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, nhất là đối với hành vi buôn lậu pháo.

Thay đổi mô hình không thay đổi nhiệm vụ

Cũng trong Hội nghị, liên quan đến Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy làm việc, ông Trần Hữu Linh cho biết, từ 1/3/2025 sẽ là một dấu mốc mới của lực lượng Quản lý thị trường khi mô hình hoạt động có sự thay đổi.

Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn, Bộ Công Thương dự kiến tinh gọn 18% bộ máy hoạt động. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường, dự kiến thành lập Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước.

“Trong thời gian tới, mặc dù Tổng cục Quản lý thị trường sẽ không trực tiếp quản lý về con người, tuy nhiên sẽ là đơn vị chỉ đạo, kiểm tra, định hướng, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các Cục Quản lý thị trường” - ông Trần Hữu Linh thông tin.

Dù vậy, theo ông Linh, chuyển đổi mô hình tổ chức nhưng nhiệm vụ không thay đổi. Lực lượng Quản lý thị trường vẫn hoạt động vận hành theo Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016. Chính vì vậy, trong năm 2025, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục duy trì và nâng cấp hệ thống xử phạt vi phạm hành chính (INS), ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào hệ thống.

Cùng đó, Tổng cục tiếp tục duy trì Hệ thống công văn edms; email để trao đổi thông tin trong nội bộ. Mặc dù tổ chức bộ máy mới, Tổng cục vẫn tiếp tục thực hiện công tác chuyển ngạch kiểm soát viên thị trường, cấp và theo dõi thẻ kiểm tra thị trường. Các công tác hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn, đào tạo tiếp tục được triển khai.

Đối với các Cục Quản lý thị trường, trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy thế mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng chủ công trong công tác phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại.

Triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, toàn lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 9.902 vụ, phát hiện, xử lý 8.560 vụ vi phạm, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 59 vụ có dấu hiệu hình sự; tổng số tiền xử lý 212 tỷ đồng.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-thi-truong-kiem-tra-9902-vu-dip-tet-at-ty-373849.html
Zalo