Bắt 24 người Việt trong đường dây lừa đảo qua điện thoại ở Campuchia
Công an Tây Ninh phối hợp lực lượng nước bạn triệt phá đường dây lừa đảo hàng trăm tỷ đồng từ Campuchia, bắt giữ 24 người Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, ngày 15-2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ 24 người để điều tra hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân trên cả nước.
Nạn nhân thành can phạm
Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, Công an tỉnh Tây Ninh phát hiện một đường dây lừa đảo với phương thức dụ dỗ hàng chục công dân Việt Nam sang Campuchia làm việc với lời hứa "việc nhẹ, lương cao". Tuy nhiên, khi sang đến nơi, họ bị bán vào các công ty do người Trung Quốc điều hành và bị ép buộc tham gia các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.
Sau quá trình điều tra, ngày 31-1, lực lượng chức năng phối hợp với các cơ quan tại Campuchia kiểm tra, tạm giữ 177 công dân Việt Nam tại thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng.
Những người này đang tham gia vào các hoạt động lừa đảo có tổ chức, chiếm đoạt tài sản thông qua các nền tảng trực tuyến. Ngày 6-2, toàn bộ nhóm này được trao trả về Việt Nam để phục vụ công tác điều tra.

177 người làm việc trong công ty lừa đảo qua mạng ở Campuchia được trao trả qua địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Qua điều tra ban đầu, công an xác định tại tầng 3 và 4 của tòa nhà số 11, khu Kim Sa 4, thành phố Bavet, công ty do một người Trung Quốc tên HeYuki điều hành đã tổ chức lừa đảo quy mô lớn.
Huấn luyện kịch bản lừa đảo
Công ty này hoạt động dưới hình thức điều hành ứng dụng “Tình yêu” (hay còn gọi là app “2.1”) và đường link “https://web.sandsking.top/#/”, dẫn đến trang web “Casino Bay Sands” để lừa đảo.
Công ty này gồm nhiều bộ phận như quản lý, hậu đài, tuyển dụng (HR), hậu cần và các nhóm chuyên biệt. Nhân viên khi vào làm việc sẽ được huấn luyện "kịch bản" lừa đảo, sau đó được giao máy tính và điện thoại để thực hiện nhiệm vụ.

Nhóm người làm việc trong các công ty lừa đảo qua mạng.
Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an và lực lượng Biên phòng lên kế hoạch tiếp nhận, làm việc, phân loại và xác định những người có vai trò chính trong đường dây lừa đảo, đặc biệt là những nhóm người trực tiếp thực hiện hành vi “cào khách, giết khách”. Đây là thuật ngữ nội bộ trong đường dây lừa đảo, mô tả quá trình làm quen với nạn nhân qua Facebook, dụ dỗ họ đặt cược, đầu tư, sau đó thao túng tài khoản để chiếm đoạt tiền.
Khi nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền nhiều, hệ thống sẽ chặn rút tiền, yêu cầu nạn nhân nộp thêm để mở khóa, đến khi họ không còn khả năng tài chính thì xóa dấu vết, đóng tài khoản.
Qua điều tra, Công an xác định tại thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, các đối tượng người Trung Quốc đã thuê tầng 3 và 4 của tòa nhà số 11, khu Kim Sa 4 để thành lập công ty, hoạt động lừa đảo.
Nhân viên làm việc tại tầng 3 và 4 được chia thành nhiều tổ: tầng 3 có hai tổ A và B, tầng 4 có chín tổ A, B, B 2.1, C, G, F, H, K, M.
Nhân viên mới vào sẽ được hướng dẫn "kịch bản" lừa đảo của app “2.1”, sau đó được cấp máy tính, điện thoại và tài khoản Facebook ảo để tìm kiếm nạn nhân.
Mỗi ngày, nhân viên phải làm quen ít nhất hai khách hàng, nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị phạt 20 USD, bị đánh đập, chích điện, ép tăng ca và chỉ nhận lương 400 USD/tháng.


Các Nhân viên không đạt chỉ tiêu bị phạt tiền, đánh đập, chích điện, ép tăng ca.
Trong quá trình trò chuyện, nhân viên sẽ giả danh làm việc cho các tập đoàn lớn, chuyên thiết kế website, bảo trì casino trực tuyến.
Họ khai thác thông tin tài chính của khách hàng rồi báo cáo cho tổ trưởng. Sau đó, nhân viên dẫn dụ khách hàng tham gia chơi cá cược bằng cách giả mạo lỗi hệ thống trên app “Casino Bay Sands” để tạo niềm tin. Khi nạn nhân tin tưởng, họ sẽ được hướng dẫn nạp tiền để đặt cược.
Ban đầu, nạn nhân thắng cược và rút được tiền, nhưng khi tiếp tục đầu tư số tiền lớn hơn, họ sẽ không thể rút tiền. Nhân viên sẽ viện lý do để dụ dỗ nạn nhân nạp thêm tiền nhằm lấy lại số tiền thắng cược, nhưng thực tế chỉ là chiêu trò lừa đảo.
Mỗi giao dịch lừa đảo thành công, tổ hậu đài sẽ chụp ảnh hóa đơn chuyển khoản và gửi vào nhóm tổng để các nhân viên biết.
Theo điều tra ban đầu, Công an xác định có 5/20 tài khoản lừa đảo với số tiền trên 500 tỷ đồng. Đã có 6 nạn nhân khai báo bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 35 tỷ đồng. 3 nhân viên trong công ty lừa đảo này cũng khai nhận đã thực hiện hành vi chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng đang mở rộng điều tra, truy bắt những người liên quan, đồng thời kêu gọi ai có liên quan đến đường dây lừa đảo ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Người dân từng là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo tương tự cần liên hệ ngay với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tây Ninh để cung cấp thông tin, hỗ trợ công tác điều tra và xử lý tội phạm.