Kỳ 2: Sập bẫy vì niềm tin mù quáng
Dưới áp lực của cuộc sống hiện đại, nhiều người tìm đến tâm linh như một sự bấu víu niềm tin, mặc dù rất mơ hồ. Một số người còn mù quáng tin theo những lời phán xét bậy bạ, không có cơ sở của một số đối tượng núp bóng thánh thần… để hoạt động lừa đảo tâm linh dẫn đến hậu quả tiền mất tật mang.
“Bẫy tâm linh” thời công nghệ

Lê Văn Tuyền và gói “bùa yêu” dùng để lừa đảo. Ảnh: Công an cung cấp
Mất tiền tỷ vì giải hạn, bùa yêu online
Từ thời điểm trước Tết Nguyên đán đến nay đã nhiều ổ nhóm tội phạm hoạt động lừa đảo dịch vụ tâm linh đã bị cơ quan Công an (CA) đấu tranh, bóc gỡ. Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các hoạt động tâm linh online vẫn nở rộ với nhiều loại hình khác nhau. Các đối tượng thường sử dụng những chiêu trò tâm lý, đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin, mê tín dị đoan và niềm tin mù quáng của một bộ phận người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Mới đây, vào ngày 6/2/2025, Phòng Cảnh sát hình sự - CA tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Trịnh Phương Mai, SN 1988, trú tại phường An Hưng, TP Thanh Hóa là đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của khách hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn coi bói, trục vong, giải hạn online.
Được biết, đầu năm 2022, Mai thường sử dụng mạng xã hội facebook với nick name “Triệu Phương Mai” để đăng tải bài viết nhằm thu hút người dân có nhu cầu xem bói, tử vi, tướng số và giải hạn. Khoảng tháng 4/2024, chị Đ.T.T.O, trú tại TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã vào bình luận và nhờ Mai xem bói. Mai đã bịa ra các câu chuyện tâm linh không có thật nhằm thao túng tâm lý khiến chị O lo sợ, phải làm các thủ tục giải hạn.
Tin lời của Mai, chị O đã nhiều lần chuyển tiền cho đối tượng, trong đó lần ít nhất là 25 triệu đồng, nhiều nhất là 54 triệu đồng. Từ tháng 7/2024 đến khi bị bắt, Trịnh Phương Mai đã dụ dỗ, buộc chị O chuyển số tiền hơn 1 tỷ đồng để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong.
Tháng 12/2024, CA tỉnh Hà Nam cho biết đã khởi tố 3 đối tượng gồm: Lê Văn Hưng, SN 2002; Lê Văn Truyền, SN 2004 và Nguyễn Phi Lương, SN 2003 cùng trú tại tại thôn 1, xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó xác định Lê Văn Truyền là đối tượng cầm đầu.

Tờ giấy hướng dẫn sử dụng bùa yêu của nhóm Lê Văn Tuyền. Ảnh: Công an cung cấp
Qua khám xét nơi ở của các đối tượng, CQCA thu giữ hàng ngàn những chai nước phẩm màu và hàng loạt những lá bùa có ghi những chữ Trung Quốc. Các đối tượng lừa đảo khai nhận, bọn chúng học cách làm “bùa yêu” trên mạng xã hội.
Lợi dụng thông tin lan truyền về sự thần bí của bùa ngải trên mạng cũng như một số phim ảnh về bùa ngải của Thái Lan, nhóm đối tượng này đã lập những tài khoản mạng xã hội facebook với tên gọi “Vũ Hoàng Thiên - Tâm Linh Thái Lan”; “Nguyễn Tâm Linh Thái Lan”; “Nguyễn Phong - Tâm Linh Thái Lan”; “Mợ Chảnh - Tâm Linh”… rồi tự pha chế nước với phẩm màu đỏ và hương liệu, sau đó chiết xuất vào những lọ thủy tinh nhỏ và thuê in hàng loạt những lá bùa bên trên có những ký tự kiểu chữ Trung Quốc, rồi đóng gói vào những túi vải nhỏ để quảng cáo bán trên mạng xã hội.
Bên trong mỗi túi “bùa yêu” gồm một chai nước hương liệu, một lá bùa, trong đó có hướng dẫn cách sử dụng và bán với giá từ 200-300 nghìn đồng/bùa. Tin vào những lời quảng cáo “bùa yêu” có khả năng hút tình, khiến người yêu hoặc vợ, chồng nghe lời và hút tài lộc… hàng nghìn người đã đặt mua “bùa yêu” của nhóm này và chuyển tiền cho bọn chúng.
Dù mới hoạt động trong thời gian ngắn trước khi bị CQCA phát hiện, bắt giữ nhưng đã có khoảng hơn 1.000 người ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã sập bẫy của nhóm lừa đảo này.

Đối tượng Trịnh Phương Mai tại cơ quan Công an Ảnh: Công an cung cấp
Các hình thức lừa đảo tâm linh phổ biến
Theo chuyên gia tội phạm học - TS. Đào Trung Hiếu, lừa đảo tâm linh đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Với thủ đoạn lợi dụng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, hậu quả không chỉ gây tổn thất về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần của những người nhẹ dạ cả tin.
TS. Đào Trung Hiếu cho biết, hiện nay đang nổi lên 4 hình thức lừa đảo tâm linh phổ biến, cụ thể: Một là, đồng cốt, bói toán: nhiều đối tượng tự xưng là thầy bói, cô đồng, thầy pháp với khả năng "nhìn thấu vận mệnh", "giải hạn", "gọi vong" để thu tiền của người nhẹ dạ. Các đối tượng thường đưa ra lời phán đoán chung chung hoặc gieo rắc nỗi sợ hãi rằng "gia đình sắp gặp đại nạn", "có người âm theo phá", "vong trẻ con quấy rối"… rồi yêu cầu cúng lễ tốn kém. Một số thậm chí còn dàn dựng kịch bản "vong nhập", làm cho người bị hại tin rằng mình cần phải làm lễ giải hạn gấp.
Hai là, "vay lộc", "trả nợ tâm linh": lợi dụng niềm tin của người kinh doanh, nhiều nơi rao giảng rằng muốn phát tài phải "vay lộc" từ các vị thánh thần và cam kết sẽ trả lại số tiền lớn hơn trong tương lai. Thực chất, đây là chiêu bài để moi tiền, vì chẳng có "thánh thần" nào đứng ra đòi nợ, chỉ có những "thầy cúng" hoặc "trung gian tâm linh" dùng lời lẽ để ép buộc người dân đóng góp.
Ba là, cúng giải hạn, bùa chú: dịp đầu năm, nhiều nơi tổ chức "cúng sao giải hạn" với mức phí hàng triệu đến hàng chục triệu đồng, nhưng thực chất đây chỉ là việc kiếm ăn trên nỗi sợ hãi của gia chủ. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn rao bán bùa chú "giữ chồng, giữ vợ", "cầu tình duyên", "tránh tà khí" với mức giá cao, khiến nhiều người mất tiền oan mà không có hiệu quả.
Bốn là, gọi vong, xem tiền kiếp: đây là một hình thức tinh vi, lợi dụng tâm lý nhớ thương người đã khuất để lừa đảo. Một số nơi tổ chức các buổi "gọi vong", "nói chuyện với linh hồn", thực chất là chiêu trò được dàn dựng sẵn để đánh vào cảm xúc của người nghe.
(Còn nữa)
Theo TS. Đào Trung Hiếu, sở dĩ hiện tượng lừa đảo tâm linh đã được cảnh báo nhiều nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy. Bởi, con người có 2 trạng thái tâm lý để trở thành điểm yếu bị các đối tượng lừa đảo tấn công. Đầu tiên là tâm lý sợ hãi, lo lắng về tương lai: những người đang gặp khó khăn về tài chính, công việc, tình duyên sẽ dễ tin vào "cứu cánh tâm linh". Tiếp đó là sự thiếu hụt, hạn chế kiến thức về tín ngưỡng: nhiều người không hiểu rõ về đạo lý phật giáo, tín ngưỡng dân gian, dẫn đến việc tin theo những kẻ trục lợi. Bên cạnh đó, cần phải kể đến tác động của mạng xã hội khi các nhóm "hội tâm linh", "hội gọi vong" được lập tràn lan, là tác nhân lan truyền thông tin gây hoang mang, thu hút người tham gia.