PV GAS kiến nghị gỡ khó khăn dự án kho LNG trung tâm tại Bắc Bộ và Trung Bộ

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã kiến nghị Petrovietnam làm việc với các địa phương để triển khai các dự án kho khí LNG trung tâm tại Bắc Bộ và Trung Bộ.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) mới đây, lãnh đạo Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã kiến nghị Petrovietnam làm việc với các địa phương để triển khai các dự án kho khí LNG trung tâm tại Bắc Bộ và Trung Bộ.

Bên cạnh đó, PV GAS cũng đề nghị Petrovietnam hỗ trợ làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định giá khí, cước phí, huy động khí, thanh toán các khoản tiền khí đến hạn.

Theo Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong, hiện sự suy giảm nguồn khí nội địa đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo, vì vậy PV GAS đang tập trung đầu tư cho các dự án kho khí LNG nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung khí cho sản xuất điện, sản xuất phân đạm và các ngành sản xuất công nghiệp khác. Tuy nhiên, hiện PV GAS vẫn gặp những vướng mắc về cơ chế chính sách trong đầu tư, sản xuất kinh doanh khí LNG nhập khẩu.

Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong phát biểu. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong phát biểu. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

PV GAS xác định kinh doanh, phát triển thị trường sẽ là một trong những động lực trong ngắn hạn; còn trong trung hạn và dài hạn, PV GAS tập trung thực hiện các mục tiêu chuyển dịch, phát triển xanh. Theo đó, khí LNG sẽ là nền tảng, sản phẩm chủ lực của PV GAS trong tương lai. Để thực hiện được mục tiêu này, việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ phải đi trước một bước để có thể chiếm lĩnh được thị trường trong bối cảnh nguồn khí nội địa đang suy giảm nhanh và yêu cầu sử dụng nguồn LNG để bù đắp, thay thế là tất yếu. Việc này cũng phù hợp với mục tiêu đề ra theo Quy hoạch điện VIII và những định hướng về phát triển lĩnh vực công nghiệp khí theo Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị, lãnh đạo PV GAS cho biết.

Thực hiện chiến lược dịch chuyển mô hình kinh doanh và hoàn thiện chuỗi giá trị LNG, PV GAS đã chính thức cung cấp LNG cho sản xuất công nghiệp từ ngày 15/3/2024, hướng tới đáp ứng nhu cầu LNG rộng rãi của khách hàng trên toàn quốc bằng các phương án vận chuyển đa phương thức.

Hiện nguồn LNG được kinh doanh của PV GAS chủ yếu từ nguồn nhập khẩu nên giá nhập khẩu LNG theo giá thị trường quốc tế và biến động cũng như chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội tổng hợp ở phạm vi toàn cầu.

Cầu cảng số 3- dự án kho LNG Thị Vải. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Cầu cảng số 3- dự án kho LNG Thị Vải. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Vì vậy, để có nguồn cung với khối lượng và giá cả ổn định, PV GAS đang tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà sản xuất, cung cấp LNG hàng đầu thế giới trong việc thu xếp nguồn LNG nhập khẩu cho thị trường nội địa. Bên cạnh đó, PV GAS cũng mở rộng đầu tư, phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG và nhanh chóng hoàn thiện chuỗi cung ứng rộng khắp các vùng miền trên cả nước cũng là giải pháp quan trọng để tối ưu hóa chi phí phân phối LNG.

Theo kế hoạch, PV GAS sẽ khởi công giai đoạn 2 Kho LNG Thị Vải nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm, triển khai Dự án Kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận với tổng công suất 6 triệu tấn/năm và triển khai các dự án đầu tư Kho cảng LNG trung tâm tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, PV GAS cần phát triển lĩnh vực nhiên liệu sạch hydrogen gắn với chuỗi giá trị năng lượng tái tạo của Petrovietnam. Ngoài ra, PV GAS cần sớm hoàn thiện chiến lược phát triển đến năm 2030, đồng bộ với chiến lược của Tập đoàn.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/pv-gas-kien-nghi-go-kho-khan-du-an-kho-lng-trung-tam-tai-bac-bo-va-trung-bo/340422.html
Zalo