Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần đảm bảo lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp

Cần cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam nhằm tránh gây 'sốc' cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá.

Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá.

Nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia. Tuy nhiên, các phương án lộ trình tăng thuế được đưa ra trong dự thảo cũng đang làm dấy lên những băn khoăn, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát nói riêng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Riêng ngành đồ uống đã chứng kiến thực trạng lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020-2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước… Vì vậy, việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan.

Phát biểu tại Hội thảo "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp" diễn ra ngày 14/8, bà Chu Thị Vân Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2019, sản lượng bia đạt đỉnh cao nhất là 4,5 tỉ lít. Những năm gần đây, sản lượng bia có suy giảm. Như năm 2021, sản lượng bia chỉ còn 3,6 tỉ lít. Năm 2023 sản lượng bia được sản xuất tăng trở lại, đạt 4,1 tỉ lít. Tính bình quân, khoảng 40 lít/người/năm.

Năm 2023, ngành bia rượu nước giải khát đóng góp khoảng 60.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Tuy vậy, lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước... Theo bà Chu Thị Vân Anh, nguyên nhân sản lượng bia giảm vì chi phí nguyên vật liệu tăng, người tiêu dùng thay đổi hành vi mua và tiêu thụ bia...

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Minh Trang - Phó Giám Đốc Bộ phận Nghiên cứu Bán Lẻ, NIELSENIQ (NIQ) cho biết, với sự thay đổi của Nghị Định 100 về tăng mức xử phạt đối với các tài xế sử dụng đồ uống khi tham gia giao thông, có thể thấy, doanh thu của các nhà hàng, quan ăn phân phối sản phẩm bia sẽ bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng sẽ giảm tần suất uống bia bên ngoài và điều này trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của ngành bia tại kênh này, và cụ thể hơn là phân khúc cao cấp của ngành bia.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Nhằm tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc so tăng nhanh, đột ngột.

Tăng thuế tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, ban soạn thảo nên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc thực hiện những khảo sát và đánh giá định lượng với số liệu cụ thể về tác động của dự thảo đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc này không chỉ giúp đưa ra các quyết định chính sách hợp lý hơn mà còn đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian tới.

Trên cơ sở các thông tin đánh giá tác động đầy đủ, Ban soạn thảo nên cân nhắc đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn so với dự thảo hiện tại, nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay còn nhiều thách thức.

"Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá, và tiến tới chỉ dừng ở mức thuế suất tối đa là 80%, để doanh nghiệp có đủ thời gian thích nghi và điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp", ông Bùi Ngọc Tuấn chia sẻ.

PGS. TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Thực hiện nguyên tắc này, nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động.

Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng… Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, việc thu thuế sẽ tác động thay đổi hành vi về sản xuất, về tiêu dùng, về thu nhập. Cùng với việc đó sẽ có tác dụng trong việc tác động đến quan hệ cung cầu, quan hệ trong xã hội. Tuy nhiên thuế không phải là chìa khóa vạn năng, mục tiêu chính vẫn là để sáng tạo nguồn thu nhập cho ngân sách nhà nước. Việc điều chỉnh các loại thuế cũng nằm trong chiến lược bài bản của nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh bây giờ, chúng ta phải tích cực chống tham nhũng, cho nên chính sách thuế càng phải công tâm, càng phải hiệu quả, càng phải nghiên cứu kỹ càng.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-can-dam-bao-loi-ich-nha-nuoc-va-doanh-nghiep-154639.html
Zalo