Mô hình trồng chuối xuất khẩu nâng cao kinh tế vùng biên giới Bình Phước

Tại vùng biên giới xa xôi thuộc huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, những vườn chuối xanh tươi đang trở thành một trong những nguồn sinh kế mới cho bà con, hứa hẹn là sản phẩm chủ lực hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển.

Trang trại chuối hình thành trên nền đất từng trồng cây cao su.

Trang trại chuối hình thành trên nền đất từng trồng cây cao su.

Bù Đốp là huyện biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của bà con gắn liền với ngành nông nghiệp, với hai loại cây truyền thống là cao su và hồ tiêu. Những năm gần đây, Bù Đốp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến phát triển các cây ngắn ngày, giá trị kinh tế cao giúp nâng cao đời sống cho người dân. Chuối chính là một trong các loại cây đáp ứng được yêu cầu đó.

Trồng chuối trên nền đất cây cao su

Đại diện CTCP Sản xuất và Thương mại Trường Tồn - đơn vị phát triển vườn chuối tại Bù Đốp cho biết, Bù Đốp thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có nền nhiệt độ trung bình không quá cao, ít gió bão nên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Loại chuối mà Công ty Trường Tồn trồng tại Bù Đốp là chuối già Nam Mỹ bởi đây là giống chuối cấy mô, có kháng khuẩn, kháng nấm cao, vụ đầu sẽ kéo dài 9 tháng và những vụ sau cứ 6 - 7 tháng thu hoạch một lần. Tuy nhiên, việc trồng chuối tại huyện biên giới Bình Phước cũng gặp không ít thách thức, nhất là để phục vụ cho xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Khu vực trồng chuối của Công ty Trường Tồn nằm trong địa tầng vỏ phong hóa bazan. Trong đất có tới 42-45% thành phần hạt thô không có chất dinh dưỡng, gồm các khoáng vật goethite, gibbsite, hematit, anatazm thạch anh chiếm số lượng tương đối cao (45-42%).

Như vậy có thể thấy, đất có độ phì nhiêu thấp, độ lỗ hổng cao, cần phải có chế độ dinh dưỡng bù đắp cho cây nhiều hơn so với đất bãi bồi, đồng thời việc cung cấp nước cũng phải theo hình thức phun mưa hoặc nhỏ giọt phù hợp vơi độ ngấm, độ thấm, hạn chế chảy chảy tràn. Thảm thực vật trước đây là rừng cây cao su đã có xu hướng thành rừng nghèo kiệt nên giá trị kinh tế từ cây cao su không cao.

Quá trình trồng cao su cũng gây ra những biến đổi về chất đất như sự nghèo dinh dưỡng, độ pH thấp, dao động từ 4 - 5,5, môi trường đất tương đối acid, nhiều các vi khuẩn, nấm các loại bất lợi cho cây trồng phát triển...

Giống chuối già Nam Mỹ cho chất lượng quả tốt và năng suất cao.

Giống chuối già Nam Mỹ cho chất lượng quả tốt và năng suất cao.

Để khắc phục những hạn chế về đất trên, Công ty Trường Tồn lựa chọn cây giống nhập khẩu từ Philipines và được chăm sóc trong vườn ươm với điều kiện môi trường ổn định, các bầu ươm là các xơ dừa. Vườn ươm phải được cách ly với các hoạt động bên ngoài, tránh để cây bị nhiễm khuẩn từ khi nhỏ.

Thông thường nền đất trồng cây sao su phải được cày và phơi nắng trong vài vụ mới có thể diệt được các ấu trùng gây dịch bệnh và tiêu diệt các loại nấm bất lợi. Tuy nhiên việc để đất trống trong vài vụ gây thiệt hại về kinh tế cũng như mưa gió xói mòn, trôi chảy. Vì vậy, công ty cải tạo đất theo giải pháp tập trung, có kích thước mỗi phẫu diện là 60cm x 60cm x 60cm.

Hố trồng cũng như ngôi nhà dự trữ dinh dưỡng cho cây chuối và gốc chuối tuổi thọ 10 năm. Cây chuối mẹ khi sinh buồng và được thu hoạch thì chồi con đã lớn, kế tiếp. Địa hình bazan không bằng phẳng, vậy nên hố đất cải tạo tốt sẽ khắc phục được sự trôi rửa dinh dưỡng bổ sung trong các hố. Đây cũng là một trong những giải pháp tốt về cải tạo đất và trồng chuối trên địa hình yên ngựa ở Việt Nam.

Cùng với đó, việc khắc phục sự chua hóa trong đất rừng cao su có thể sử dụng trung hòa acid thông qua các đợt trải vôi trên đất kèm theo các chế phẩm sinh học. Công tác phân tích các mẫu đất cũng rất quan trọng, vì đây là cơ sở để xây dựng các công thức bổ sung vi lượng và đa lượng cho đất.

Vườn ươm chuối cách ly bên ngoài.

Vườn ươm chuối cách ly bên ngoài.

Đáp ứng thị trường cao cấp

Giá trị kinh tế của cây chuối hiện không chỉ đơn thuần là trái chuối xanh, chín nguyên dạng mà còn nhiều sản phẩm khác dưới dạng thực phẩm như bột chuối, công nghiệp dệt, phân bón… Đặc biệt, chuối đã trở thành một trong các loại quả xuất khẩu lớn của Việt Nam. Sản phẩm chuối của Công ty Trường Tồn hiện cung cấp cho các siêu thị nội địa của Masan, cùng với đó là xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường khó tính khác.

Với mục tiêu cung cấp sản phẩm chuối cho thị trường khó tính, mọi quy trình chăm sóc chuối phải được kiểm duyệt chặt chẽ, được các đối tác thông qua từng mục về quy cách, thời lượng, phương thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Như với vườn chuối 157 ha của Công ty Trường Tồn bắt buộc phải theo danh mục thuốc BVTV do Bộ NN&PTNT Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc quy định, nhật ký chăm sóc được bàn bạc từng ngày.

“Các quy trình thông thường thì vườn chuối nào cũng thực hiện nhưng để có một vườn chuối không có dư lượng thuốc BVTV đáp ứng thị trường cao cấp thì là bài toán rất khó hiện nay, khi dịch bệnh ngày càng gia tăng và đặc biệt là chủng loại bệnh panama có tính hủy diệt theo diện rộng, phải dừng hoạt động trồng tới 5-6 năm để cải tạo lại đất trồng. Xuất phát từ những hiểm họa đó, việc chăm sóc chuối rất cần có những tay nghề cao của công nhân, lao động trách nhiệm và trung thực, sát khuẩn trong từng động tác từ trồng đến cắt lá, chọn chồi, nhặt hoa, bao buồng..., đi lại trên vườn đều không bỏ qua sát khuẩn,” đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Nhìn chung, kinh phí đầu tư cho một vườn chuối xuất đi Nhật Bản và các thị trường khó tính là rất cao, từ nhân công, các chế phẩm sinh học đến đối phó với dịch bệnh, các dịch vụ liên quan như chi phí điện, nước...

Tuy nhiên đây là mô hình kinh tế mang lại giá trị cao, giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và đặc biệt là giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho bà con vùng biên giới. Vì vậy rất cần các cấp ban ngành, địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển như đơn giản hóa thủ tục hợp tác sử dụng quỹ đất trồng chuối; phát triển kênh mương thủy lợi thuận lợi; giá điện, nước ưu đãi cho nông nghiệp; các cơ chế vay vốn thông thoáng, thuận lợi...

Hiện chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của Việt Nam, sản lượng ước tính 2 triệu tấn/năm. Xuất khẩu chuối không chỉ phụ thuộc vào thị trường mà còn phụ thuộc vào chính đơn vị sản xuất. Nếu đơn vị sản xuất làm đúng tiêu chuẩn thì dù thị trường có khó khăn nhưng các đơn vị mua hàng vẫn chọn đến.

Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả mang về cho Việt Nam doanh thu gần 3,5 tỷ USD với nhiều đơn hàng tăng từ nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Trong đó, chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn. Hiện chuối cùng với sầu riêng và thanh long là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Từ cuối năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư xuất khẩu chuối tươi sang Trung Quốc. Kể từ đó, thị phần chuối Việt Nam đã gia tăng đáng kể, chiếm gần 30% tổng lượng chuối nước này nhập khẩu. Bộ Công Thương dự báo, năm 2024, xuất khẩu chuối sẽ đạt khoảng 310 - 312 triệu USD, trong đó riêng xuất sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 200 triệu USD.

Nguyễn Thị Thục Anh - Ủy viên BCH Hội VASEAN

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/mo-hinh-trong-chuoi-xuat-khau-nang-cao-kinh-te-vung-bien-gioi-binh-phuoc-32417.html
Zalo