Phụ nữ làm việc nhà không được trả lương 15,5 giờ/tuần
Theo kết quả điều tra Lao động việc làm năm 2024, số giờ trung bình làm công việc nhà không được trả công của nữ giới là 15,5 giờ/tuần - gấp 1,8 lần so với nam giới (8,6 giờ/tuần).
Theo kết quả sơ bộ từ điều tra Lao động việc làm năm 2024, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của nữ giới là 15,5 giờ/tuần, nam giới là 8,6 giờ/tuần. Số giờ làm việc nhà trung bình của phụ nữ gấp 1,8 lần so với nam giới.
So với năm 2023, thời gian làm việc nhà của cả nữ và nam trong năm 2024 đều giảm, trong đó thời gian làm việc nhà của nữ giới giảm nhiều hơn so với nam giới, năm 2023 nữ làm 16,13 giờ/tuần, nam làm 8,75 giờ/tuần.
Trước đó, về bình đẳng giới trong gia đình, Chính phủ đặt mục tiêu giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.
Với xu hướng trên, Chính phủ nhận định chỉ tiêu này có thể đạt như Chiến lược đề ra vào năm 2025.
Số liệu báo cáo của các địa phương cho thấy kinh phí bố trí cho công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong năm 2024 gồm hơn 46.300 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và hơn 10.400 tỷ đồng từ nguồn kinh phí huy động.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, báo cáo của Chính phủ khẳng định, nguồn kinh phí thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương cho công tác bình đẳng giới còn khiêm tốn; nhiều bộ ngành, địa phương chưa bố trí dòng ngân sách riêng, chưa đáp ứng việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong chiến lược và các chương trình.
Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quan tâm phê duyệt, phân bổ kinh phí hợp lý để thực hiện bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách, các chương trình đầu tư công.
Chính phủ cho biết sẽ sớm thống nhất bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới các cấp, chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, trong đó tập trung rà soát, làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bình đẳng giới (sửa đổi).