Nghề môi giới bất động sản chưa thể chuẩn hóa do 'điểm nghẽn' về thi sát hạch

Gần một năm sau khi Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực, việc chuẩn hóa chứng chỉ hành nghề môi giới vẫn chưa thực hiện được do kỳ thi sát hạch chưa được tổ chức, dù quy định đã có, người học sẵn sàng và doanh nghiệp có nhu cầu.

Ảnh minh họa: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Ảnh minh họa: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Luật đã ban hành, nhưng thực tiễn vẫn “án binh bất động”

Đây là nội dung được TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nêu tại hội thảo “Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản: Vướng ở đâu, gỡ thế nào?” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều 21/4.

Tại hội thảo, ông Đính cho biết, ngành môi giới đang bước vào thời kỳ thay đổi với yêu cầu chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống tổ chức thi và cấp chứng chỉ gần như chưa vận hành, gây ra tình trạng lúng túng.

pháp luật đã phân cấp cho các địa phương tổ chức kỳ thi, nhưng đến nay phần lớn tỉnh, thành vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Người học không biết đăng ký ở đâu, thi như thế nào; doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực đạt chuẩn để vận hành sàn giao dịch. Tình trạng này không chỉ gây tâm lý bất ổn trong đội ngũ môi giới mà còn cản trở sự lưu thông của thị trường bất động sản.

TS. Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh, điểm nghẽn hiện nay không nằm ở chính sách mà ở khâu tổ chức thực hiện. Việc thiếu hướng dẫn thống nhất, chưa xác định rõ vai trò của các bên liên quan đang khiến hệ thống vận hành bị đình trệ.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đánh giá Thị trường Bất động sản Việt Nam (VARS IRE) thuộc hội môi giới, có tới 89% môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề hợp pháp. Trong đó, hơn 50% chưa từng đào tạo, 24% đã học nhưng chưa được thi, 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hiệu lực. Chỉ 11,3% đang hành nghề hợp pháp. Đáng chú ý, hơn 6.000 học viên đã hoàn thành khóa đào tạo nhưng chưa thể thi vì địa phương chưa tổ chức, và 416 doanh nghiệp đang thiếu nhân sự đạt chuẩn.

TS. Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng VARS IRE cho biết, nguyên nhân chính không phải do thiếu năng lực tổ chức, mà là do chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng. 88% người học không biết đơn vị nào chịu trách nhiệm tổ chức thi tại địa phương. Ông cảnh báo, nếu không sớm tháo gỡ, thị trường có thể đối mặt với nguy cơ đình trệ do thiếu hụt lực lượng môi giới hợp pháp – vốn là mắt xích quan trọng trong chuỗi giao dịch bất động sản.

Từ thực tiễn hoạt động, đại diện các doanh nghiệp môi giới bất động sản cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động do thiếu hụt nhân sự có chứng chỉ hợp pháp. Một số đơn vị đã phải thu hẹp quy mô, từ chối giao dịch, hoặc tạm ngừng hoạt động để chờ hướng dẫn từ cơ quan Nhà nước.

Đại diện VNR Group cho rằng nếu quy trình sát hạch và cấp chứng chỉ không được vận hành sớm, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mất nguồn nhân lực vốn đã rất mỏng sau giai đoạn thị trường trầm lắng còn CTCP Tập đoàn Four Home và CTCP Tập đoàn Tâm Thành Group cùng kiến nghị Bộ Xây dựng và các địa phương đẩy nhanh quá trình tổ chức thi sát hạch, đồng thời cho phép doanh nghiệp được phối hợp với đơn vị đào tạo để tổ chức các khóa học cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Các đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Các đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Góp ý để sớm tháo gỡ "điểm nghẽn" cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, tại hội thảo, các đại biểu đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình tổ chức thi, đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, địa phương, đơn vị đào tạo và tổ chức nghề nghiệp. Một số đề xuất khác bao gồm cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện phối hợp tổ chức kỳ thi; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hành nghề môi giới; tích hợp quy trình đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ và giám sát hành nghề; nghiên cứu hình thức thi trực tuyến hoặc liên tỉnh để tăng tính linh hoạt và minh bạch.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa 15, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, vấn đề chứng chỉ môi giới không chỉ là chuyện “thi ở đâu, ai tổ chức”, mà còn là câu chuyện về việc hình thành một chuẩn mực hành nghề toàn diện từ đào tạo, sát hạch đến giám sát sau cấp phép. Nếu không có một cơ chế liên thông đồng bộ và minh bạch từ Trung ương tới địa phương, thì sự chậm trễ hôm nay có thể trở thành điểm nghẽn dài hạn cho sự phát triển của thị trường bất động sản nói chung và ngành môi giới nói riêng.

Mong mỏi được thi sát hạch để hành nghề đúng luật

Chia sẻ với Mekong ASEAN về những khó khăn trong quá trình hành nghề và thi cấp chứng chỉ, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tâm Thành Group, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản tại Bắc Giang cho biết, các môi giới của công ty, đặc biệt là những người chưa có chứng chỉ hành nghề, đều đã hoàn thành chương trình đào tạo do Hội Môi giới Bất động sản Bắc Giang tổ chức. Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa được thi sát hạch do địa phương chưa có kế hoạch triển khai.

Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tâm Thành Group. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tâm Thành Group. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Thực tế tại Bắc Giang, các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn nhằm cập nhật chính sách mới và hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều mà các môi giới quan tâm nhất hiện nay là thời điểm tổ chức thi sát hạch để đủ điều kiện hành nghề hợp pháp.

Theo ông Thắng, ngoài kiến thức chuyên môn, điều quan trọng mà các công ty môi giới cần hướng đến là xây dựng là đội ngũ hành nghề chuyên nghiệp, có đạo đức và được đào tạo bài bản. Nếu thiếu chuẩn hóa, thị trường sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng người chưa qua đào tạo vẫn hành nghề, dễ gây rối loạn và thiếu minh bạch.

Dù còn một số vướng mắc pháp lý nhưng công việc vẫn phải tiếp tục, các môi giới vẫn hành nghề vì đó là sinh kế của họ, và doanh nghiệp vẫn phải mở rộng hoạt động, công ty cũng tuyển dụng thêm nhân sự tại các tỉnh ven Hà Nội như Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng để phát triển các dự án...

Trong đó, những ứng viên đã có chứng chỉ hành nghề luôn được ưu tiên hơn, bởi môi giới được đào tạo bài bản thường có năng lực đánh giá dự án, tuân thủ pháp luật và sẵn sàng từ chối tư vấn nếu sản phẩm chưa đủ điều kiện pháp lý thay vì chốt giao dịch bằng mọi giá.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nghe-moi-gioi-bat-dong-san-chua-the-chuan-hoa-do-diem-nghen-ve-thi-sat-hach-40675.html
Zalo