Ô tô giá rẻ 'ồ ạt' về Việt Nam
Trong những tháng đầu năm, hàng nghìn xe ô tô nhập khẩu với giá trung bình hơn 350 triệu đồng đã được cập cảng Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Hải quan, trong ba tháng vừa qua, cả nước nhập khẩu khoảng 21.640 ô tô nguyên chiếc, tổng kim ngạch đạt hơn 445 triệu USD.
Trong thế chân vạc nhập khẩu của 3 nước là Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc thì thị trường xuất khẩu nhiều xe sang Việt Nam nhất vẫn là Indonesia - với 8.841 chiếc, tổng giá trị đạt hơn 123 triệu USD. Những chiếc ô tô nhập khẩu từ nước này có giá trị kê khai tại hải quan trung bình khoảng gần 14.000 USD/ chiếc, quy đổi khoảng 360 triệu đồng/chiếc.
Đứng thứ 2 trong kim ngạch nhập khẩu xe là Thái Lan với 7.731 ô tô nguyên chiếc cập cảng Việt Nam trong tháng 3/2025; và thứ ba là Trung Quốc với 4.473 chiếc. Tuy nhiên, tổng giá trị của lượng xe Trung Quốc lên tới hơn 136 triệu USD, trung bình mỗi chiếc có giá 30.400 USD (quy đổi ra tiền Việt Nam khoảng 780 triệu đồng), tính về giá trị sẽ cao hơn xe có xuất xứ từ Indonesia và Thái Lan.

Indonesia vẫn là quốc gia xuất khẩu nhiều xe nhất sang Việt Nam
Trong nhiều năm qua, Thái Lan và Indonesia vẫn là 2 quốc gia xuất khẩu số lượng lớn ô tô sang Việt Nam nhiều nhất. Năm 2024, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 172.240 ô tô nguyên chiếc thì Thái Lan và Indonesia chiếm số lượng áp đảo với 134.497 chiếc. Trong đó, Indonesia dẫn đầu với 70.728 chiếc, tổng kim ngạch 1.036 tỷ USD, xếp thứ hai là Thái Lan với 63.769 chiếc, kim ngạch đạt 1,24 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo số liệu được công bố bởi Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), sức tiêu thụ ô tô tại Thái Lan năm 2024 chỉ đạt 572.675 xe, sụt giảm tới 26% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi năng lực sản xuất đạt hơn 2 triệu xe/năm. Ba tháng đầu năm 2025 vừa qua, sức tiêu thụ tiếp tục xe ô tô của thị trường Thái Lan lại tiếp tục tụt dốc. Tương tự như vậy, Bộ Công nghiệp Indonesia cũng đã công bố tổng doanh số bán ô tô mới tại Indonesia năm 2024 đạt 865.723 xe, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi năng lực sản xuất lại đạt 1,6 triệu xe/năm. Tháng đầu năm 2025, sức mua ô tô vẫn gần như dậm chân tại chỗ và chưa có chiều hướng gia tăng.
Cầu giảm, cung dư thừa, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Thái Lan và Indonesia đang hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2025, thị trường Việt Nam vẫn là cái đích để hai quốc gia này nhắm tới. Thêm vào đó, hiện nay, theo chính sách của Chính phủ Việt Nam, ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ 11 nước thành viên nội khối ASEAN đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ được miễn thuế nhập khẩu thêm 5 năm ( tính đến năm 2027).
Như vậy, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc có xuất xứ Thái Lan và Indonesia về Việt Nam đã được áp giảm xuống còn 0%. Ô tô sản xuất tại Thái Lan và Indonesia có chi phí thấp hơn 20% so với Việt Nam, nên việc hai quốc gia này xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam sẽ dễ dàng hơn. Đây cũng được coi là xu thế tất yếu trong việc mở rộng chiến lược kinh doanh của các hãng xe khi doanh số bán hàng thị trường nội địa của các nước dang có dấu hiệu sụt giảm. Không những thế, Việt Nam với Thái Lan và Indonesia khá gần nhau về địa lý, nên chi phí vận chuyển và bảo hiểm để cấu thành nên giá bán một chiếc xe cũng sẽ không bị đội lên quá cao.
Tuy nhiên nếu số lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam quá nhiều thì có thể dễ dàng nhận thấy thị trường ô tô Việt Nam đang dôi dư nguồn cung, đặc biệt là những dòng xe giá rẻ có xuất xứ từ Indonesia hay Thái Lan. Đây cũng có thể là một trong những lý do chính khiến một số hãng xe như Mitsubishi quyết định áp dụng chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho Xforce, Xpander và Xpander Cross. Một số mẫu xe khác nhập khẩu từ Indonesia như Toyota Yaris Cross cũng có ưu đãi tương tự, quy đổi ra tiền mặt giảm khoảng từ 33-38 triệu đồng.

Toyota Yaris Cross cũng đang được nhập khẩu từ Indonesia
Điều này cũng là yếu tố tạo nên làn sóng đua nhau giảm giá bán sản phẩm để giành thị phần cạnh tranh doanh số từ đầu tháng 4 vừa qua. Tại phân khúc C-SUV, có nhiều sản phẩm đang hạ giá “khủng” tại các đại lý bán hàng, như Haval H6 HEV đại diện đến từ hãng xe Trung Quốc giảm gần 200 triệu, Subaru Forester giảm từ 140-200 triệu đồng, Honda CR-V L giảm 100 triệu đồng.
Đặc biệt, Mazda CX-5 bản tiêu chuẩn lần đầu được hạ giá xuống dưới 700 triệu đồng, Ford Territory cũng không kém cạnh, đang được đại lý giảm 70 triệu đồng, đưa giá khởi điểm thực tế xuống 689 triệu đồng.
Khi kim ngạch nhập khẩu tăng, giá thành xe lại giảm thì lại tạo ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất xe trong nước của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương dự báo, năm 2025 quy mô thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng khoảng 12% so với 2024.
Quy mô thị trường tăng nhưng chưa chắc ngành công nghiệp ô tô trong nước đã nắm bắt được cơ hội này để tăng sản lượng do sản xuất ô tô tại Thái Lan và Indonesia đang bị dư thừa, hoàn toàn có thể giảm giá hơn nữa để có thể đẩy mạnh xuất khẩu xe sang Việt Nam, giải quyết bài toán “khủng hoảng” dôi dư này. Do đó, nếu xe nhập khẩu giá rẻ tràn vào với số lượng lớn, lấn át và chiếm thị trường thì ngành công nghiệp ô tô trong nước khó tranh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt và kết quả có thể không như kỳ vọng.
Các cuộc đua chiếm thị phần này đều giúp người mua có lợi và tăng vị thế cạnh tranh về giá cho các doanh nghiệp, tuy nhiên cũng vì có nhiều “miếng bánh ngon” như vậy mà khách hàng có thể sẽ bị “đau đầu” hơn trong việc phải cân đong đo đếm suy nghĩ hơn trong việc nên xuống tiền để sở hữu chiếc xe nào.