Ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng gì từ chính sách thuế quan của Mỹ?
Trước rủi ro thuế quan vẫn hiển hiện, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với thách thức trong thời gian tới là tất yếu. Ngành ngân hàng liệu sẽ chịu những tác động gì và có thể ứng phó như thế nào?

Ngành ngân hàng, vốn được xem là xương sống của nền kinh tế, dù không phải là nhóm có các hoạt động xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ, cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và hoạt động thương mại suy giảm. Ảnh: LÊ VŨ
Ảnh hưởng gì lên ngành ngân hàng?
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã quyết định hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày, nhằm tạo thêm không gian đàm phán cho các đối tác thương mại. Tuy nhiên, với mức thuế đề xuất cho Việt Nam lên tới 46%, nếu đàm phán thành công có lẽ cũng khó kéo giảm về mức như trước.
Trước rủi ro thuế quan vẫn hiển hiện, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với thách thức trong thời gian tới là tất yếu, trong đó ngành ngân hàng, vốn được xem là xương sống của nền kinh tế, dù không phải là nhóm có các hoạt động xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ, cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và hoạt động thương mại suy giảm.
Sau khi đạt đỉnh vào quí 3-2024, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã chững lại, nhưng với tình hình hiện nay, nợ xấu có thể chịu áp lực tăng là thách thức đầu tiên, khi thu nhập của các doanh nghiệp liên quan giảm sút sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VCBS, tác động sẽ không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% dư nợ toàn hệ thống, dư nợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 2%.
Tác động lan tỏa là điều cần phải dè chừng, khi nhiều doanh nghiệp nội địa hiện nay đang là đối tác, nhà cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu, do đó có thể rơi vào khó khăn, khiến khả năng trả nợ vay cũng suy giảm. Ngoài ra, lực lượng lao động của tất cả doanh nghiệp này có thể phải đối mặt với tình trạng giảm thu nhập, mất việc làm, do đó nợ xấu khu vực khách hàng cá nhân cũng có thể tăng.
Theo đó, các ngân hàng có dư nợ xuất nhập khẩu, FDI lớn là nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV). Một số ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh tiếp cận nhóm FDI như VPBank, Techcombank, MB cũng sẽ gặp những thách thức ngắn hạn trong việc mở rộng tín dụng mảng này.
Dù vậy, tác động lan tỏa là điều cần phải dè chừng, khi nhiều doanh nghiệp nội địa hiện nay đang là đối tác, nhà cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu, do đó nhóm doanh nghiệp nội địa này có thể bị ảnh hưởng và rơi vào khó khăn, khiến khả năng trả nợ vay cũng suy giảm. Ngoài ra, lực lượng lao động của tất cả doanh nghiệp này có thể phải đối mặt với tình trạng giảm thu nhập, mất việc làm, do đó nợ xấu khu vực khách hàng cá nhân cũng có thể tăng.
Tỷ giá và lãi suất
Tỷ giá đang biến động khá mạnh trong những ngày qua trước những yếu tố bất định về thuế quan, cùng với những lo ngại các hoạt động xuất khẩu tới Mỹ có thể chậm lại trong giai đoạn tới, đồng thời có thể khiến dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân chậm lại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế, nên khó có thể can thiệp hỗ trợ cho thị trường ngoại hối một cách mạnh mẽ như giai đoạn trước.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng UOB cho rằng khi bất ổn gia tăng, áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng sẽ tiếp tục leo thang. Tổ chức này duy trì quan điểm tiền đồng sẽ tiếp tục yếu đi, với dự báo cập nhật về tỷ giá như sau: 26.500 đồng/đô la trong quí 2-2025; 27.200 đồng/đô la trong quí 3-2025; 26.800 đồng/đô la trong quí 4-2025; 26.500 đồng/đô la trong quí 1-2026. Thực tế kể từ ngày 2-4-2025 đến nay, tỷ giá trong nước đã biến động tăng khá mạnh trên cả thị trường chính thức lẫn thị trường không chính thức.
Tỷ giá có nhiều sóng hơn sẽ mang lại cơ hội kinh doanh lớn hơn cho các ngân hàng, tuy nhiên đi kèm với đó là nguy cơ thua lỗ cũng cao hơn nếu các ngân hàng không có chiến lược kinh doanh phù hợp và kịp thời, cũng như khả năng dự báo bị hạn chế. Ngoài ra, việc thị trường ngoại hối biến động mạnh cũng có thể ảnh hưởng lên hoạt động huy động vốn của các ngân hàng, khi dòng tiền gửi có thể chuyển dịch sang đầu cơ ngoại tệ.
Trước những thách thức của nền kinh tế, Công ty Chứng khoán VCBS dự báo chính sách tiền tệ có thể tiếp tục nới lỏng hơn để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, theo đó lãi suất huy động được đảm bảo ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng quan điểm, Ngân hàng UOB kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,5%/năm, tuy nhiên, xu hướng rủi ro đang nghiêng về khả năng giảm lãi suất.
“Nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi rõ rệt trong 1-2 quí tới, chúng tôi nhận thấy khả năng NHNN có thể hạ lãi suất chính sách về mức thấp như trong thời kỳ dịch Covid-19 là 4%, sau đó tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản về mức 3,5%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất như kỳ vọng”, bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB dự báo.
Nếu lãi suất điều hành được cắt giảm, điều này cũng giúp các ngân hàng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn, từ đó tối ưu hóa chi phí vốn, bù đắp cho những thiệt hại từ rủi ro nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Mặt bằng lãi suất đầu vào thấp hơn cũng giúp các ngân hàng có thể kéo lãi suất cho vay giảm thêm, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế.
Hỗ trợ của nhà điều hành
Về phía nhà điều hành, hỗ trợ thanh khoản, kiểm soát tỷ giá, lãi suất và thúc đẩy tín dụng tiếp tục là mục tiêu trọng tâm trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Cụ thể, tại Hội nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mới đây, đại diện NHNN cho biết việc chính quyền Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam tạo ra áp lực lớn trong việc điều hành tỷ giá của NHNN, đòi hỏi sự cân bằng trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất.
Dù vậy, NHNN cam kết tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức tín dụng, có các giải pháp bơm thanh khoản kịp thời và ổn định lãi suất điều hành để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Ngoài ra, cơ quan này sẽ theo dõi sát để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng kịp thời, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng. Do đó, các tổ chức tín dụng không cần lo ngại về vấn đề thanh khoản cũng như “room” tín dụng mà cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm ổn định lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay.
Trước rủi ro thương mại suy giảm ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng đang là động lực thay thế quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng. Tại cuộc họp triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số diễn ra ngày 10-4-2025, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết chính sách thuế mới của Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế trọng yếu bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến người lao động.
Vì vậy, việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, khuyến khích đầu tư để tăng trưởng và giải phóng nguồn lực xã hội, là chính sách hỗ trợ kịp thời. Về thời gian giải ngân gói tín dụng này, có thể sẽ đến năm 2030 hoặc đến khi giải ngân hết tùy theo thời điểm nào đến trước.